Một ngày sau kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục tới nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, đây cũng là hai địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Chăm lo an sinh đầy đủ, hỗ trợ y tế sớm nhất
Tại Bình Dương, khi đến kiểm tra khu nhà trọ Bình Quới A (phường Bình Chuẩn), Thủ tướng đã lắng nghe chia sẻ của người dân về khoảng thời gian hơn 1 tháng ở tại nhà, dù có bất tiện nhưng những lao động nơi đây vẫn khẳng định sẽ chấp hành giãn cách để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Từ ngày 23/8, khi tăng cường giãn cách, người dân vẫn được tiếp tế thực phẩm.
Thủ tướng thăm hỏi và động viên người dân đang thực hiện cách ly phòng chống dịch ở Đồng Nai. Ảnh: VGP |
Cũng trong quá trình thị sát việc chăm lo đời sống cho người dân, Thủ tướng đề nghị người dân gọi điện tới số điện thoại khẩn cấp của phường để được hỗ trợ y tế.
Sau cuộc điện thoại của người dân, từ nội dung, cách thức, thái độ trả lời của tổng đài viên y tế được ghi nhận là phù hợp, nhẹ nhàng, tạo thiện cảm. Khoảng 10 phút sau, đội y tế của tỉnh tăng cường xuống các xã, phường đã có mặt và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận sự có mặt kịp thời này và cho rằng việc tăng cường lực lượng y tế từ tỉnh xuống xã phường là một cách làm tốt.
Và để nắm bắt rõ hơn việc chăm lo an sinh, Thủ tướng đề nghị người dân gọi điện tới số điện thoại khẩn cấp của phường hỗ trợ về thực phẩm. Tuy nhiên, số điện thoại này tắt máy. Sau nhiều lần gọi, tổng đài viên trả lời, nhưng câu trả lời với người dân là "khi nào cần thì gọi", không làm Thủ tướng hài lòng. Ông đánh giá cách làm việc này "chưa chuẩn" và yêu cầu địa phương phải có người trực 24/24 để tiếp nhận các cuộc gọi.
Sau khi khảo sát thực tế, Thủ tướng đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh việc hỗ trợ an sinh, y tế cho người dân, chăm lo về lương thực, thực phẩm đầy đủ, tuyệt đối không để người dân bị đói bữa, đứt bữa.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương kiểm soát được dịch bệnh nhanh nhất có thể, phấn đấu chậm nhất đến ngày 15/9 phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nhanh chóng đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong thực hiện, phải lấy phường, xã, nhà máy, xí nghiệp là pháo đài, người dân là chiến sĩ, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Để làm được việc này, chính quyền và người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và Công điện của Chính phủ về giãn cách xã hội.
Tại Đồng Nai, Thủ tướng tới nơi tập kết các nguồn vận động, tài trợ để cung ứng lương thực, thực phẩm... tới các đối tượng khó khăn trên địa bàn.
Thủ tướng thăm hỏi, động viên những người tình nguyện làm việc tại đây như phụ nữ, đoàn viên công đoàn..., hoan nghênh tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân, mong mọi người tiếp tục cố gắng, không bỏ sót những người cần giúp đỡ để cùng nhau sớm vượt qua dịch bệnh.
Cũng tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng một lần nữa đề nghị người dân xã Thạnh Phú gọi các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp của phường về đáp ứng thực phẩm, y tế. Điều đáng phấn khởi là các số điện thoại được gọi đều trả lời ngay và sẵn sàng hỗ trợ bà con.
Không bỏ sót người lang thang, cơ nhỡ
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, LĐ-TB&XH về việc thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lang thang, cơ nhỡ.
Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại một số địa phương xuất hiện người lang thang, cơ nhỡ không có việc làm, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Việc người lang thang, cơ nhỡ thường xuyên di chuyển có nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch các địa phương chỉ đạo lực lượng công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Tại họp báo chiều 27/8, Ban Chỉ đạo chống dịch TP.HCM cho biết, trong ngày 27/8, TP đã tiếp nhận thêm 125 đối tượng lang thang, cơ nhỡ (lũy kế từ ngày 11/7 đến 27/8 là 577 người). Tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy là 32 người, lũy kế từ ngày 11/7 đến 27/8 là 172 người.
TP cũng cho biết, sau tiếp nhận sẽ chăm lo thực phẩm, hỗ trợ xét nghiệm và tiêm vắc xin cho các đối tượng này.
Đủ vắc xin tiêm mũi hai cho người dân
Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức vừa có chỉ đạo về việc đàm phán, kết nối nhập khẩu nguồn vắc xin từ đối tác Hoa Kỳ.
Trước đó, Sở Ngoại vụ đã có báo cáo về việc kết nối nhập khẩu nguồn vắc xin từ Mỹ. Cụ thể, chính sách vắc xin của Mỹ bắt đầu có những linh hoạt nhất định trong bối cảnh ở một số bang xuất hiện tình trạng dư vắc xin (chủ yếu là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và J&J).
TP.HCM lo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân |
Trên cơ sở đó, tối 20/8, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với Công ty Sapharco làm việc trực tuyến với Tập đoàn AASuccess, Inc. và Tập đoàn East West International, là liên doanh hợp tác với SAG (Hội Cựu binh lục chiến Mỹ).
Sở Ngoại vụ TP cho hay, hiện loại vắc xin nằm trong chương trình gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và J&J. Tuy nhiên, phía Mỹ đang tập trung ưu tiên xử lý vắc xin Pfizer và Moderna.
Nếu các bên thúc đẩy hợp đồng sớm thì lô vắc xin đầu tiên sẽ được xuất sang Việt Nam vào tuần đầu tháng 9, bình quân 500.000 liều/tuần.
Từ tuần thứ 3 của tháng 9, bình quân mỗi tuần sẽ xuất sang Việt Nam 1 triệu liều; dự kiến đến tháng 12 có thể cung cấp 10 - 12 triệu liều nếu TP.HCM có nhu cầu.
“Đối tác Hoa Kỳ là các đơn vị có uy tín, họ thể hiện thiện chí sẵn sàng cung cấp vắc xin cho TP.HCM”, Sở Ngoại vụ cho biết.
Trong cuộc họp báo chiều 27/8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCDC cho biết, về vắc xin thì TP luôn ưu tiên đẩy nhanh, tìm mọi cách để có vắc xin càng nhiều, càng tốt để tiêm cho người dân.
Ông cho biết, tính đến nay, TP tiêm mũi một đạt gần 5,5 triệu. Thời gian gần đây và sắp tới, TP cũng như Trung ương tích cực tìm nguồn vắc xin về.
“Cơ bản TP.HCM lo đủ cho người tiêm vắc xin, nhất là mũi hai, người dân nên yên tâm, không lo lắng”, ông Tâm khẳng định.
Liên quan đến việc điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế mới đây cho biết, bắt đầu cấp phát túi thuốc, có gói thuốc C là thuốc kháng vi rút (Molnupiravir) dùng cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt. Một gói thuốc là một liệu trình sử dụng cho F0 trong 5 ngày điều trị (gồm 20 viên Molnupiravir hàm lượng 400 mg).
Thuốc được cấp phát cho F0 có độ tuổi từ 18 - 65 tuổi và phải đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 có triệu chứng ở mức độ nhẹ.
Để tập trung cao nhất trong việc phòng chống dịch, với mục tiêu kiểm soát trước 15/9 theo Nghị quyết 86 của Thủ tướng, Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo về phân công các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác này.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP; theo dõi, chỉ đạo TP Thủ Đức và quận Bình Tân.
Chủ tịch TP Phan Văn Mãi, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP; trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận 8.
Các thành viên khác cũng lần lượt được phân công trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với các địa bàn quận, huyện cụ thể.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu người đứng đầu các cấp nhận thức về trách nhiệm của mình trước nhân dân và Đảng bộ, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt nhất; chủ động sâu sát, nắm chắc, kiểm soát tốt tình hình trên từng địa bàn; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Hồ Văn - Bảo Anh
TP.HCM: An sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, đến nay việc chống dịch đạt được kết quả nhất định.