23h đêm, khi điện thoại đổ chuông, nghe chưa dứt anh Nguyễn Trọng Nghĩa đã bật dậy, vội vàng mặc bộ đồ bảo hộ rồi khất khéo sẽ trả lời phỏng vấn sau, vì có ca nguy kịch cần chở tới bệnh viện cấp cứu. Anh nói vội rồi lật đật nhao ra xe, nổ máy và lao vút vào màn đêm.
Nhìn dáng đi nhanh nhẹn và khối lượng công việc từ 7h sáng hôm trước tới 1-2h sáng hôm sau, không ai nghĩ anh vừa phải chiến đấu với căn bệnh Covid-19 do lây nhiễm từ chính công việc thiện nguyện của mình.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa trên chiếc xe cấp cứu 0 đồng, đưa bệnh nhân F0 đi bệnh viện |
Khi dịch bùng phát, số lượng người mắc Covid-19 tăng chóng mặt tại Sài Gòn, anh Nghĩa (28 tuổi, quê ở Bình Dương) nói lòng anh như lửa đốt, muốn làm cái gì đó để góp phần vào cuộc chiến với căn bệnh khủng khiếp này.
Sau khi bàn bạc, anh và các thành viên nhóm thiện nguyện quyết định cải tạo chiếc xe 16 chỗ thành chiếc xe cấp cứu 0 đồng để hỗ trợ đón các bệnh nhân F0 đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Từ khi “chế” xong chiếc xe cấp cứu, anh Nghĩa và đồng đội ôm vô lăng mỗi ngày 14-15 tiếng, lái xe khắp nơi đưa bệnh nhân F0 đi cấp cứu.
Chiếc điện thoại của Nghĩa đổ chuông liên tục từ 7h sáng tới 1-2h đêm, đó toàn là những cuộc gọi cầu cứu của người dân, mong anh đưa xe tới giúp người thân họ đi cấp cứu.
Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng anh nói chưa bao giờ thấy nản. “Chỉ cần biết ở đâu có người cần là tôi tới, tôi cố gắng có mặt nhanh nhất có thể, bởi tất cả những người cần xe cấp cứu đưa đi bệnh viện là cuộc sống của họ tính bằng phút, bằng giây”, anh Nghĩa bộc bạch.
Theo lời anh, nhiều người được đưa đến bệnh viện kịp thời, được thở oxy kịp thời, được cấp cứu cứu kịp thời nên giữ được mạng sống nhưng cũng có nhiều người không thể tới được bệnh viện, khiến tâm trạng anh có lúc nặng trĩu.
Nhiều bữa mệt quá, anh Nghĩa nằm vật ra vỉa hè tranh thủ chợp mắt |
Nghĩa ám ảnh nhất về một bệnh nhân F0 đã mất, anh kể, lần đó, sau khi nhận được điện thoại, do nhà bệnh nhân ở trong hẻm, nạn nhân quá yếu nên anh phải vào tận nhà cõng ra. Thế nhưng, chưa kịp lên xe thì bệnh nhân mất. Chứng kiến cảnh gia đình người bệnh gào khóc, anh chỉ biết thở dài bất lực.
Nhiều cuộc điện thoại cầu cứu liên tục khiến Nghĩa không có thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống, có khi cả ngày chỉ một bữa cơm. Nhiều khi anh mệt và buồn ngủ tới mức không kịp vào nhà mà nằm ngủ gục trên vô lăng.
Khi được hỏi hàng ngày tiếp xúc toàn các bệnh nhận F0, có sợ?, anh mỉm cười nói “Khi bắt đầu công việc này là đã biết nguy hiểm rồi và tôi cũng xác định mình có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào nên cũng không lấy làm lo lắng lắm”.
Và rồi những dự liệu đó không may ập đến, anh Nghĩa dương tính sau hàng trăm lần trực tiếp tiếp xúc với F0 dù anh luôn mặc đồ bảo hộ cấp độ 4, khử khuẩn xe sau mỗi lần đón người bệnh.
Những ngày mắc bệnh, phải tự cách ly tại nhà khiến anh rất sốt ruột, trong khi không muốn bỏ bê công việc. Vì thế, anh tiếp tục trợ giúp đồng đội bằng cách nhận điện thoại, xác nhận thông tin để điều phối nhân lực và xe.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa ở đời thường |
Khi mắc bệnh, anh chia sẻ bản thân không lo lắng mà luôn để tinh thần thật thoải mái, tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. May mắn, sau 4 ngày mắc bệnh anh đã nhanh chóng âm tính trở lại.
“Đề kháng của tôi rất tốt nên kiểu dính cho vui”, anh chia sẻ hóm hỉnh về việc mình bị mắc Covid-19.
Sau khi khỏe lại, anh tiếp tục công việc thiện nguyện của mình và càng vất vả hơn khi số lượng người mắc Covid-19 ở TP.HCM vẫn chưa hề giảm. Điều đó cũng đồng nghĩa với chặng đường của anh và đồng đội còn gian nan, tất bật với hàng chục chuyển xe mỗi ngày để cứu giúp những bệnh nhân cần tới viện sớm từng phút, từng giây.
Thanh Phương
Ngày góp sức nấu 4.000 suất cơm thiện nguyện, xong việc lại đi phát gạo cho người nghèo
Sau góp sức nấu xong gần 4 nghìn suất ăn từ thiện mỗi ngày, anh Tình vội lấy xe máy đi phát gạo, thực phẩm cho người dân nghèo. Tiếp đó, anh còn đi tìm những người vô gia cư về nuôi dưỡng.