Đây là hai dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ với thay đổi căn bản khi “chuyển giao” nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Không phát sinh nhân sự, bộ máy mới

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Công an cho biết qua theo dõi dư luận, báo chí, ĐBQH và nhân dân có một số vấn đề được quan tâm khi tách 2 luật.

Bộ trưởng Công an cho rằng, việc tách 2 luật này nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng, đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay. Đó là tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ, giải quyết trật tự ATGT đường bộ.

Vấn đề xây dựng phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, đây là 1 trong 3 khâu đột phá, nếu không tập trung giải quyết hạ tầng thì không thể phát triển. Đã nhiều lần các ĐBQH phát biểu và chất vấn nội dung về phát triển hạ tầng giao thông nên vấn đề này được quan tâm rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giao thông đường bộ hiện nay.

{keywords}
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.

Nêu thực tế về vấn đề mất ATGT đường bộ, Bộ trưởng cho biết: “Có lần ĐB chất vấn đánh giá thế nào về thực trạng, tôi nói không cần đánh giá và báo cáo, chỉ cần ra đường là nhìn thấy ai cũng có thể vi phạm. Qua thống kê về số vụ TNGT, người chết, người bị thương đã gây ảnh hưởng lớn đến xã hội”.

Việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội đã giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm thì việc giữ an toàn giao thông Bộ Công an cũng “không thể đứng ngoài”, rất nhiều vi phạm, tội phạm cũng diễn ra ngay trên đường.

Hai bộ chủ quản là Công an và GTVT chịu trách nhiệm soạn thảo 2 luật này cũng rất đồng tình, tán thành. Với việc tách riêng hai luật, Bộ trưởng Công an khẳng định cần làm khẩn trương vì “tình hình không cho phép chúng ta chậm trễ hơn nữa”.

Về băn khoăn có lãng phí không khi tách như vậy, Bộ Công an đánh giá qua tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật GTĐB thấy rất nhiều bất cập, nếu tách 2 luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều.

“Việc này không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm”, ông Lâm nói.

Tư lệnh ngành công an khẳng định nhiều lần bộ máy sẽ không phát sinh, thậm chí người làm nhiệm vụ trên mặt đường sẽ giảm.

“Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa. Bộ GTVT có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Theo ông, sẽ rất bất cập chồng chéo và khó khăn khi CSGT giữ xe rồi Thanh tra giao thông lại đi kiểm tra, vì thực tế cũng không có nước nào làm như vậy.

Dù thêm nhiệm vụ, Bộ trưởng Công an khẳng định lực lượng CSGT vẫn giảm áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật. Ví dụ, đường cao tốc CSGT tuần tra chỉ cần chốt ở điểm vào và điểm ra, không cần tuần tra trên đường, xe nào vi phạm trên đó sẽ bị xử lý ngay ở điểm ra. Như vậy giảm rất nhiều về nguồn nhân lực.

Xe ưu tiên vượt đèn đỏ là vô lý

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế ở các nước để nói về quản lý giao thông trong nước, Bộ trưởng Công an cho biết khi ông ra nước ngoài, xe dẫn đường, xe ưu tiên đi đến đâu thì đèn xanh bật đến đó. Khi ông hỏi, CSGT nước đó giải thích do trung tâm điều khiển biết xe ưu tiên đi qua nên đều bật đèn xanh. Trong khi đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ở nước ta nhiều đoàn xe ưu tiên vượt đèn đỏ là “rất vô lý”.

“Luật phải nghiêm túc, ai cũng phải chấp hành theo, ưu tiên cũng phải chấp hành, gặp đèn đỏ phải dừng lại, nếu không rất nguy hiểm và không nghiêm về mặt luật pháp”, Bộ trưởng Công an kiến nghị và cho rằng việc lưu thông của các đoàn xe ưu tiên phải được điều khiển từ hệ thống.

{keywords}
 Các đại biểu thảo luận tại tổ

Cùng với đó, các biển số xe phải được tích hợp trên hệ thống camera để quản lý. Ví dụ ở Trung Quốc, xe của nước ngoài vào được cấp phép nhưng đi đến đâu cũng phải giải trình vì không phải biển kiểm soát được tích hợp trên hệ thống camera của họ.

“Làm được cái này chúng ta sẽ quản lý được ngay biển giả, biển không hợp pháp. Còn hiện nay rất khó khăn, biển giả không thể chỉ nhìn bằng mắt thường được mà phải bằng khoa học công nghệ.

Việc sát hạch lái xe với nhiều băn khoăn về lãng phí cơ sở, nguồn lực khi chuyển từ Bộ GTVT sang Công an, song theo Bộ trưởng, các cơ sở này chủ yếu là xã hội hóa nên sẽ vẫn hoạt động bình thường.

Về vấn đề quản lý lái xe, và cấp bằng lái xe, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh trong Luật đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất là những người tham gia giao thông, đặc biệt là đội ngũ lái xe.

Ông nêu con số thì 90% các lỗi gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông là lỗi do lái xe, do con người chứ không phải hạ tầng. Bởi vậy, việc quản lý đội ngũ này rất quan trọng.

Trước đây, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông được giao cho Chủ tịch UBND các  tỉnh, song Bộ trưởng Công an nêu bất cập từ chính quy định này.

Ông kể câu chuyện của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng thắc mắc nói, xe từ Đồng Nai chở khách đến, đi tới địa phận Lâm Đồng gây tai nạn nghiêm trọng khiến hàng chục người chết, nếu bắt Chủ tịch Lâm Đồng chịu trách nhiệm thì rất khó.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng công an và CSGT phải chịu trách nhiệm về những vấn đề này. Đây là trách nhiệm lớn và rất nặng nề.

Ông kỳ vọng luật này sớm được thông qua và đưa vào cuộc sống để giảm bớt những vấn đề bức xúc.

Thành Nam

Thống nhất Bộ Công an phụ trách cấp, quản lý bằng lái xe

Thống nhất Bộ Công an phụ trách cấp, quản lý bằng lái xe

Ba bộ thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về cấp bằng lái xe có 12 đểm/năm.