Chiều 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030 

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 18 Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đạt được những kết quả quan trọng.

Một nhiệm kỳ giảm gần 24.000 biên chế

So với thời điểm 31/12/2019 với thời điểm 31/12/2017, các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) đã giảm 12 vụ và tương đương; giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong giai đoạn 2011-2020, tổ chức bộ máy lực lượng công an đã giảm 6 tổng cục, 1 đơn vị tương đương tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 07 trường công an nhân dân...

{keywords}
Hội nghị chiều nay. Ảnh: VGP

Cấp tỉnh giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục. Cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn trực thuộc.  

Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị, giảm 8 huyện. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị, giảm 557 xã.

Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020), các bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người, các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện đúng theo các chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước. Bộ máy cơ bản đảm bảo tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng cao gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy bộ ngành từ 2007 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng, mặc dù có khả năng tinh gọn hơn. Bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “bộ trong bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm.

Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất. Nhiều vấn đề tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa được quy định, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.

Nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải phối hợp, họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm. 

Kết quả cải cách tác động mạnh mẽ đến phát triển đất nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, với kết quả đạt được cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

{keywords}
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh VGP

"Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông qua đó, kết quả CCHC đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực cần tập trung có giải quyết khắc phục trong thời gian tới.

Qua đó, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất, xây dựng dự thảo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu, nội dung mang tính cải cách nổi bật, có trọng tâm, hiệu quả.

Thu Hằng

Sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

Sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

 Trong năm 2020, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.