LTS: Đường Kách mệnh là tác phẩm tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927.

Những bài giảng đó đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927. Kể từ đó đến nay, cuốn sách liên tục được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản và phát hành rộng rãi.

Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng, nhưng có thể khẳng định rằng Đường Kách mệnh là một trong số các tác phẩm, mà những ý tưởng hàm chứa trong đó, không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo mà còn có sức sống mãnh liệt, có sức lay động sâu xa trái tim hàng triệu triệu người.

Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu lại tác phẩm này.

{keywords}
Không có lý luận kách mệnh, thì không có kách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận kách mệnh tiền phong, đảng kách mệnh mới làm nổi trách nhiệm kách mệnh tiền phong- LÊNIN (Trích trong cuốn Làm gì? của V.I.Lê-nin(BT))

ĐƯỜNG KÁCH MỆNH (Kỳ 3)

QUỐC TẾ

1. Quốc tế là gì?

Quốc tế nghĩa là người trong thế giới, bất kỳ nước nào, dân tộc nào, có một mục đích như nhau, hợp sức nhau để làm cho đến mục đích ấy. Như các đế quốc chủ nghĩa liên lạc nhau, để đè nén các dân hèn yếu (Pháp liên lạc Tây Ban Nha để đánh lấy An Nam, liên lạc Nhật để giữ An Nam, v.v.), các tư bản liên lạc nhau để tước bóc thợ thuyền (tư bản Anh, Mỹ, Pháp liên lạc tư bản Đức để tước lục thợ thuyền Đức). Thợ thuyền các nước liên lạc nhau để chống lại tư bản (như Hội Công nhân Quốc tế). Chúng ta kách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng kách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa (như Đệ tam quốc tế).

2. Đệ tam quốc tế là gì?

Muốn biết Đệ tam quốc tế là gì thì trước phải biết Đệ nhất và Đệ nhị (4) quốc tế đã.

Từ thế kỷ thứ 18 trở xuống, tư bản phát đạt rất thịnh, áp bức thợ thuyền rất nghiệt. Thợ thuyền bị áp bức thì tính cách phản đối, như tổ chức công hội, bãi công bạo động. Nhưng hầu hết tỉnh nào biết tỉnh nấy, nước nào biết nước nấy mà thôi, cho nên sức không mạnh lắm.

Năm 1840, thợ thuyền Đức lập ra một hội tên là Nhân quyền hội. Khẩu hiệu hội ấy là "Trong thế giới ai cũng là anh em". Khẩu hiệu ấy tuy rất hay, nhưng không đúng; vì bọn tư bản đế quốc chủ nghĩa và phản kách mệnh là thù địch dân, gọi chúng là anh em sao được? 

Năm 1847, hội ấy sửa lại gọi là: "Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp hội" - ông Mã Khắc Tư và Ăngghen vào hội ấy. Nhờ hai ông ấy sửa chương trình lại, và khẩu hiệu hội là: Đập đổ tư bản chủ nghĩa - thợ thuyền giành lấy chính quyền - làm cho thế giới đại đồng.

3. Hai hội ấy có phải Đệ nhất và Đệ nhị quốc tế không?

 Không phải. Trong hai hội tuy là có thợ thuyền Đức và Pháp vào, nhưng hội viên có ít, sức lực còn yếu chưa làm được gì. Chẳng qua là biểu hiện rằng thợ thuyền các nước phải giúp đỡ lẫn nhau và bắc cầu cho Đệ nhất quốc tế đi.

Năm 1862 ở Kinh đô Anh (Luân Đôn) mở hội đấu xảo; tư bản các nước phái công nhân qua xem xét các máy móc. Công nhân lại gặp những người kách mệnh Nga, Đức, Pháp và các nước khác trốn ở đấy. Hai bên bàn bạc lập một hội kách mệnh thế giới.

Năm 1864, (ngày 28 tháng 2) mới lập thành Đệ nhất quốc tế.

 4. Đệ nhất quốc tế làm được những việc gì?

 Hội ấy tuy có nhiều người cầm đầu thợ thuyền các nước vào, nhưng vì:

1. Người còn ít,

2. Các công hội trong các nước còn yếu,

3. Không thống nhất cho nên chỉ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản mà chưa làm được việc gì lớn. 

Không thống nhất là vì ba chủ nghĩa chống nhau:

1. Chủ nghĩa Pruđông (Pháp); 

2. Chủ nghĩa Bacunin (Nga);

3. Chủ nghĩa Mã Khắc Tư (Đức) (xem đoạn chủ nghĩa kách mệnh thì biết).

Sau lúc Pari Công xã thất bại, nhiều hội viên bị chết, bị bắt, nên hội tiêu điều dần, đến 1874 thì giải tán.

Đệ nhất quốc tế tuy chỉ đứng được 10 năm, nhưng khẩu hiệu "Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp lại!" và tinh thần kách mệnh vẫn truyền đến bây giờ. Tuy không làm được nhiều việc, nhưng cái công dạy cho thợ thuyền trong thế giới kách mệnh thì rất to.

5. Đệ nhị quốc tế lập ra bao giờ?

Đệ nhất quốc tế tan rồi, vừa lúc tư bản phát đạt lắm, công nhân vận động cũng phát đạt. Trong khoảng 15 năm ấy (từ 1874 đến 1889) trong các nước nhiều công đảng mới lập lên, và đảng nào cũng hiểu rằng thợ thuyền các nước không giùm giúp lẫn nhau không được.

Năm 1889, đại biểu các công đảng hội nhau tại Pari, lập nên Đệ nhị quốc tế.

Từ khi lập ra, đến ngày Âu chiến, khai hội chín lần bàn bạc và nghị định:

1. Nước nào cũng phải lập ra công đảng;

2. Mỗi năm đến ngày 1 tháng 5 thợ thuyền cả thế giới đều bãi công và thỉnh nguyện;

3. Tất cả công nhân trong thế giới ra sức đòi chỉ làm công mỗi ngày 8 giờ mà thôi;

4. Phản đối đế quốc chủ nghĩa;

5. Các công đảng không được đề huề với tư bản;

6. Đảng viên không được ra làm quan với tư bản;

7. Nếu các đế quốc chủ nghĩa có sự chiến tranh, thì thợ thuyền các nước đều bãi công và kiếm phương thế kách mệnh để giành lấy chính quyền. Vấn đề thứ 7, thì trong 9 lần đại hội đều có bàn đến cả.

6. Vì sao Đệ nhị quốc tế lại hay bàn đến việc chiến tranh?

Vì đương lúc ấy, tư bản đã hoá ra đế quốc chủ nghĩa, và đế quốc chủ nghĩa, hoặc thường đánh nhau để giành thuộc địa, hoặc đi cướp nước hèn yếu làm thuộc địa. Như:

Năm 1894, Nhật đánh với Tàu;

1895, Anh đánh với Êgýptơ;

1896, Pháp đánh với Mađagátxca; 

1898, Mỹ đánh với Tây Ban Nha để giành Philíppin;

 1900, Anh đánh với Nam Phi châu;

1904, Nga đánh với Nhật;

1912, các nước Bancăng đánh nhau, vân vân.

Thợ thuyền thấy vậy, thì biết rằng các đế quốc chủ nghĩa sẽ có trận đánh nhau lớn. Vậy nên kiếm cách dè trước đi. Ngờ đâu đến 1914 các nước đánh nhau, thì phần nhiều hội viên Đệ nhị quốc tế đều giúp cho đế quốc chủ nghĩa, công đảng nước nào cũng khuyên dân đi đánh.

7. Đệ tam quốc tế lập ra từ bao giờ?

Vì bọn hoạt đầu trong Đệ nhị quốc tế đã phản mục đích hội mà hoá ra chó săn cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa, hoá ra phản cách mệnh; những người chân chính kách mệnh như ông Lênin, ông Các Lípnếch, Rôda Luyxămbua, vân v., cho Quốc tế ấy như chết rồi, phải lập ra Quốc tế khác. Năm 1915 và 1916, những người kách mệnh hội nhau tại nước Suít (Thụy Sĩ) sắp sửa lập Đệ tam quốc tế, để nối theo chủ nghĩa Đệ nhất quốc tế 1) mà làm cộng sản cách mệnh.

Năm 1917, Nga kách mệnh cộng sản thành công.

Năm 1919, Đệ tam quốc tế thành lập tại Kinh đô Nga là Mosku (ngày 6 tháng 3). Khi khai hội lần đầu, có đại biểu đảng cộng sản trong 24 nước dự hội.

Trong lời tuyên ngôn Đệ tam quốc tế xướng rõ ràng rằng:

1. Thế nào cũng đập đổ tư bản chủ nghĩa nhất thiết không đề huề như Đệ nhị quốc tế;

2. Thế nào cũng quyết làm cho chính quyền về tay công nông.

8. Từ khi lập ra đến giờ (đầu năm 1927) Đệ tam quốc tế khai hội mấy lần? 

Năm 1920 khai Đại hội lần thứ II, có 31 nước dự hội. Tụi hoạt đầu Đệ nhị quốc tế thấy hội này mạnh, muốn xen vào để "theo đóm ăn tàn", cho nên Đại hội đặt ra cách tổ chức rất nghiêm; ai thừa nhận theo 21 điều quy tắc mới được vào. (Xem sau cùng đoạn này). 

Năm 1921, Đại hội lần thứ III. Từ lúc có Đệ tam quốc tế, thợ thuyền các nước chia ra hai phái, phái theo cộng sản (Đệ tam quốc tế), phái theo đề huề (Đệ nhị quốc tế). Vì vậy mà sức kém đi; cho nên Đại hội định rằng khi phấn đấu với tư bản thì hai phái phải hợp sức nhau lại không được chia hai. Năm 1922, Đại hội lần thứ IV. Nhân kách mệnh phong triều trong các nước rầm rộ, tư bản chủ nghĩa toan cùng đường, chúng nó lập ra đảng Fasity phản đối kách mệnh tợn lắm. Đại hội định cách đối đãi đảng ấy.

Năm 1924, Đại hội lần thứ V, có đến 61 nước dự hội. Vì nhiều người lầm tưởng rằng tư bản lại tới hồi thịnh vượng như trước khi Âu chiến. Đại hội đem chứng rõ ràng rằng thịnh vượng ấy là thịnh vượng giả; kỳ thực tư bản trong thế giới gần đến mạt lộ, và công nông kách mệnh phải sắp sửa ra tay. 

9. Đệ tam quốc tế tổ chức thế nào?

a) Mỗi năm hay cách vài năm, đại hội một lần. Đại hội có quyền đoán định tất cả các việc các đảng trong các nước.

b) Đại hội cử một Hội Trung ương 24 người. Hội này thay mặt đại hội. Các đảng trong các nước đều phải theo mệnh lịnh Trung ương.

c) Có Thanh niên bộ, để xem về việc vận động thanh niên; Phụ nữ bộ, xem việc vận động phụ nữ; Á - Đông bộ xem về việc kách mệnh các thuộc địa bên Á - Đông. Tuyên truyền, tổ chức, cứu tế, v.v., đều có một bộ riêng.

d) Đệ tam quốc tế là một Đảng Cộng sản thế giới. Các đảng các nước là như chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lịnh và kế hoạch Đệ tam quốc tế thì các đảng không được làm.

10. Đệ nhất quốc tế và Đệ tam quốc tế giống nhau cái gì? khác nhau cái gì?

Đệ nhất quốc tế với Đệ tam quốc tế khác nhau.

a) Đệ nhất quốc tế nhỏ, Đệ tam quốc tế to;

b) Đệ nhất quốc tế chỉ lý luận, Đệ tam quốc tế đã thực hành;

c) Đệ nhất quốc tế không thống nhất, Đệ tam quốc tế chỉ huy tất cả các đảng cộng sản trong các nước phải theo;

d) Đệ nhất quốc tế chỉ nói: "Thế giới vô sản giai cấp liên hợp"; Đệ tam quốc tế nói thêm "Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại". Đệ nhất quốc tế không bắt hội viên giúp dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa như Đệ tam quốc tế.

Ấy là vì hoàn cảnh hai Quốc tế ấy khác nhau. Như việc dân tộc bị áp bức, Đệ nhất quốc tế nói đến ít, vì lúc ấy đế quốc chủ nghĩa chưa phát đạt mấy. Vả lại, Đệ tam quốc tế sinh ra sau thì có nhiều kinh nghiệm hơn Đệ nhất quốc tế.

Đến như chủ nghĩa làm kách mệnh cho đến nơi, làm cho thế giới đại đồng, thì hai Quốc tế vẫn như nhau; chẳng qua Đệ nhất quốc tế làm không đến nơi, mà Đệ tam quốc tế chắc là làm được, nhờ nay Nga kách mệnh đã thành công để làm nền cho kách mệnh thế giới. 

11. Đệ nhị quốc tế và Đệ tam quốc tế khác nhau cái gì?

Đệ nhị quốc tế trước vẫn là cách mệnh, nhưng vì kỷ luật không nghiêm, tổ chức không khéo, để tụi hoạt đầu xen vào nhiều quá; sau hoá ra phản cách mệnh. Hai Quốc tế ấy khác nhau những điều sau này:

Đệ tam quốc tế chủ trương đập đổ tư bản làm thế giới cách mệnh.

Đệ nhị quốc tế chủ trương đề huề với tư bản.

Đệ tam quốc tế giúp dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa.

Đệ nhị quốc tế giúp đế quốc chủ nghĩa đè nén dân thuộc địa (Toàn quyền Varen là hội viên Đệ nhị quốc tế).

Đệ tam quốc tế dạy cho vô sản giai cấp trong thế giới - bất kỳ nòi giống nào, nghề nghiệp gì, tôn giáo gì - hợp sức làm cách mệnh.

Đệ nhị quốc tế xui dân nước này chống dân nước kia, nghề nghiệp này chống nghề nghiệp khác.

12. Đệ tam quốc tế đối với kách mệnh An Nam thế nào?

Xem trong cách tổ chức Đệ tam quốc tế, có đặt ra một bộ riêng, chuyên nghiên cứu và giúp đỡ cho kách mệnh bên Á - Đông.

Xem khẩu hiệu Đệ tam quốc tế, chẳng những rằng "vô sản giai cấp" mà lại thêm câu "... và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại".

Xem quy tắc Đệ tam quốc tế trong 21 điều, điều thứ 8 nói rằng: "Các đảng cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản Pháp... phải hết sức giúp dân thuộc địa làm cách mệnh".

 Xem đương lúc Pháp đánh Marốc và Xyri, vì giúp hai nước ấy mà Đảng Cộng sản Pháp hy sinh mấy mươi đảng viên bị bắt, bị tù, Đảng bị phạt hơn 100 vạn đồng bạc.

Xem kách mệnh Nga giúp cho kách mệnh Tàu, Thổ Nhĩ Kỳ, Pécsia, Mông Cổ.

Lại xem kế hoạch về vấn đề thuộc địa là tự tay ông Lênin làm ra.

 Xem những việc ấy thì đủ biết rằng An Nam muốn kách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế.

PHỤ NỮ QUỐC TẾ 

1. Vì sao lập ra Phụ nữ Quốc tế?

Ông Các Mác nói rằng: "Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?".

Ông Lênin nói: "Đảng kách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế kách mệnh mới gọi là thành công".

Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử kách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia. Kách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người Tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính kách mệnh đàn bà chết hết 1.854 người. Nay kách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới kách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước.

 Vì vậy Đệ tam quốc tế tổ chức Phụ nữ Quốc tế.

 2. Lịch sử Phụ nữ Quốc tế thế nào?

 Năm 1910, bà Clara Détkin (cộng sản Đức) đề nghị trong Đại hội Đệ nhị quốc tế rằng: Mỗi năm đến ngày 8 tháng 3 thì làm một ngày phụ nữ vận động gọi là "Ngày đàn bà con gái”. Sau ngày ấy đổi ra một tuần. Khẩu hiệu tuần ấy là: "Đòi quyền tuyển cử cho nữ giới".

Năm 1917, ngày 23 tháng 2, đàn bà ở Kinh đô Nga nổi lên "đòi bánh cho con" và đòi "giả chồng chúng tôi lại cho chúng tôi" (vì chồng phải đi đánh). Sự bạo động này làm ngòi cho kách mệnh Nga.

Mồng 8 tháng 3 năm 1920, Đệ tam quốc tế phái bà Détkin tổ chức Phụ nữ Quốc tế. Khẩu hiệu là: "Đàn bà con gái công nông phải liên hợp với Đệ tam quốc tế, để làm thế giới cách mệnh".

Năm 1923, nữ giới Nga ăn mừng "ngày 8 tháng 3" thì mở 66 nhà nuôi trẻ con, 36 ấu trĩ viên, 18 nhà nuôi đồng tử, 22 nhà thương và nhà nghỉ, 15 nhà nuôi đàn bà sinh cữ, 15 nhà ăn chung cho 10.000 người; 27 nhà hiệp tác xã dùng đến 1.300 người đàn bà làm công, 11 cái công viên có nhà nghỉ cho những người có bệnh. 

3. Cách tổ chức của Phụ nữ Quốc tế ra thế nào?

Quy tắc và chương trình thì đại khái cũng như Đệ tam quốc tế. Nhưng bên này thì chỉ chuyên trách về mặt tuyên truyền, tổ chức và huấn luyện đàn bà con gái, và giúp về đường giáo dục trẻ con công nông.

Mỗi đảng cộng sản phải có một bộ phụ nữ, trực tiếp thuộc về Phụ nữ Quốc tế. Nhưng đảng viên đàn bà trong các đảng phải theo mệnh lịnh Quốc tế, khi phái để làm việc gì dẫu khó nhọc, nguy hiểm mấy cũng phải làm. Thí dụ: Đảng viên A không phải là làm thợ, nhưng khi Quốc tế bảo phải xin vào làm việc trong lò máy nào để vận động phụ nữ trong ấy, thì tất phải bỏ nghề cũ mà vào làm trong lò máy.

Nói tóm lại là quy tắc rất nghiêm, hành động rất thống nhất, và việc làm cũng rất khó. Vì phần nhiều đàn bà con gái còn có tư tưởng thủ cựu. Tuy vậy, ai cũng hết lòng, cho nên tiến bộ mau. Nhờ Phụ nữ Quốc tế mà các đảng cộng sản mới lập ra như đảng ở Java, đảng viên đàn bà mỗi ngày một thêm nhiều.

An Nam kách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn kách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo.

CÔNG NHÂN QUỐC TẾ

1. Lịch sử Công nhân Quốc tế thế nào?

Trước phải biết qua lịch sử công nhân vận động, sau sẽ nói đến lịch sử công nhân.

Lịch sử công nhân vận động chia làm 3 thời kỳ: a) Trước Âu chiến, b) Đương lúc Âu chiến, c) Khi Âu chiến rồi.

a) Trước khi Âu chiến: Bên Âu và Mỹ có chừng 16 triệu thợ thuyền có tổ chức và có một hội gọi là "Vạn quốc công hội". Nhưng 16 triệu người ấy không vào "Vạn quốc công hội" cả. Những đoàn thể vào lại chia ra nhiều phái biệt:

1. Công đoàn chủ nghĩa Anh và Mỹ chỉ lo sao thợ thuyền sinh hoạt khá, mà không nói đến đánh đổ tư bản.

2. Vô chính phủ công đoàn các nước Latinh, thì không muốn lập chính đảng.

3. Cải lương chủ nghĩa thì chủ trương công hội nên giúp chính đảng, nhưng không nên hợp với chính đảng.

4. Trung lập chủ nghĩa chủ trương rằng công nhân không phải là nền cách mệnh.

5. Cộng sản chủ nghĩa, chủ trương đập đổ tư bản, công nhân là nền cách mệnh, phải có chính đảng để dắt công hội làm cách mệnh.

Vì mục đích và chủ nghĩa lộn xộn không thống nhất như thế, cho nên hội không có lực lượng.

b) Khi Âu chiến: Hội này đi theo Đệ nhị quốc tế, nghĩa là công hội nước nào giùm tư bản nước ấy.

Vả lại, tiếng là Vạn quốc nhưng chỉ có thợ thuyền Âu và Mỹ, còn thợ thuyền Á, Phi, Úc thì không vào. 

c) Sau khi Âu chiến: Phần thì thợ thuyền cực khổ, phần thì phong triều kách mệnh Nga, công hội càng ngày càng to. Như:

Năm 1913 Năm 1919

Anh chỉ có 4.000.000 người 8.000.000 người

Pháp chỉ có 1.000.000 người 2.500.000 người

Tất cả các nước: 15.000.000 người 50.000.000 người

Công hội bên Á - Đông cùng rầm rầm rột rột lập lên (Tàu, Nhật, Ấn Độ, Java, Philíppin, vân v.).

2. Phong triều ấy kết quả ra thế nào?

Tư bản các nước thấy thợ thuyền thịnh thì sợ, và kiếm cách làm cho êm dịu xuống. Năm 1919 có khai đại hội bên kinh đô Mỹ, để giải quyết việc thợ thuyền trong thế giới. Trong hội ấy có đại biểu các Chính phủ, các tư bản, và các công hội các nước. Nhưng nó chỉ cho bọn Đệ nhị quốc tế đại biểu cho thợ thuyền. Nước nào công nhân thịnh đã đòi được 8 giờ (như Anh, Pháp), thì đại biểu Chính phủ nước ấy yêu cầu các nước kia cũng phải dùng 8 giờ làm lệ chung (vì sợ tư bản nước kia được lợi hơn tư bản nước nó).

Sau tư bản lập ra hội Vạn quốc, lại lập thêm một bộ công nhân, có 12 đại biểu cho các Chính phủ, 6 đại biểu cho tư bản, và 6 đại biểu cho thợ thuyền. Nó lại dắt mấy anh công tặc làm đại biểu thợ thuyền!

3. Tư bản làm như vậy, thợ thuyền các nước có làm gì không?

Thợ thuyền có 31 quốc tế.

29 quốc tế nghề nghiệp, nghĩa là nghề nghiệp nào có riêng quốc tế nghề nghiệp ấy; 1 quốc tế gọi là Quốc tế Amxtécđam hay là Quốc tế "vàng" và 1 Quốc tế đỏ.

Quốc tế nghề nghiệp có đã lâu, ước chừng 20.000.000 hội viên. Trong 29 quốc tế ấy, nghề sắt to hơn hết (3.000.000 người); hai là nghề than (2.500.000 người); ba là thợ làm nhà máy (2.300.000 người), vân v..

Lúc Âu chiến, các quốc tế ấy cũng tan, Âu chiến rồi lập lại, nhưng vì bọn hoạt đầu cầm quyền, nên công việc không ra gì. Như năm 1921, 1.000.000 người đào than Anh bãi công, vì người đào than Mỹ, Đức và các nước không giúp mà thua. Qua năm 1922, 500.000 thợ đào than Mỹ bãi công, cũng vì không ai giúp mà thất bại. Nói tóm lại là các quốc tế ấy có danh mà không thực.

4. Sao gọi là Quốc tế Amxtécđam hay "vàng"?

Vì Quốc tế ấy lập ra tại Amxtécđam (kinh đô Holăng). Trong tiếng mới, phản kách mệnh gọi là sắc vàng; kách mệnh gọi là sắc đỏ.

Năm 1919, các công hội theo Vạn quốc công hội hội nhau tại Amxtécđam lập nên quốc tế này. Khi đầu rất to, nhưng sau nhiều công hội bỏ vào Quốc tế “đỏ”, nay chỉ còn lại công hội 23 nước, tất cả 14.400.000 người.

Quốc tế này theo bọn hoạt đầu Đệ nhị quốc tế đề huề với tư bản, và làm nhiều việc phản kách mệnh như:

1. Tán thành điều ước Vécxây của đế quốc chủ nghĩa bắt Đức đền 400.000.000 đồng.

2. Đức không gánh nổi, Mỹ lại đặt ra kế hoạch (gọi là kế hoạch Đạo Uy Tư) bắt Đức đền 132.000.000.000 đồng. Kế hoạch ấy làm cho công nông Đức hoá ra nô lệ. Thế mà Quốc tế Amxtécđam cũng tán thành.

3. Không cho công hội Nga vào.

4. Phản đối cộng sản rất kịch liệt, mà đối đãi fasity rất hoà bình. 

5. Sao gọi là Công nhân Quốc tế đỏ?

Quốc tế vàng đã đề huề với tư bản, những thợ thuyền thiệt kách mệnh kiếm cách lập ra quốc tế khác.

Năm 1920, tháng 7, chỉ có mấy người công nhân Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Nga lập ra một cơ quan tuyên truyền. Năm 1921, đã có nhiều công hội bỏ bên kia theo bên này. Ngày mồng 3 tháng 7 năm ấy, Công nhân Quốc tế đỏ lập thành.

Quốc tế đỏ theo về Đệ tam quốc tế, quyết làm giai cấp cách mệnh.

Nay đã có công hội 47 nước, 11.750.000 người vào.

Tháng 5 năm 1925 bên Á - Đông có những hội này vào: 

Tàu: 450.000 người;

Java: 35.000 người;

 Nhật: 32.000 người;

Cao Ly: 5.000 người;

Mông Cổ: 5.000 người;

Thổ Nhĩ Kỳ: 20.000 người;

An Nam: 000. 

6. Quốc tế này đối với kách mệnh An Nam ra thế nào?

Xem trong Quốc tế vàng không có công hội Á - Đông nào, Quốc tế đỏ thì có 8 hội thuộc địa vào. 

Khi thợ thuyền Java, Ấn Độ bãi công, Quốc tế đỏ hết sức giúp, còn Quốc tế vàng thì không ngó đến.

Ở Tàu, thợ thuyền Thượng Hải bãi công hơn ba tháng, Hương Cảng bãi công hơn một năm rưỡi, Quốc tế đỏ đã giúp tiền bạc, phái đại biểu qua yên ủi, lại sức công hội các nước giúp. Quốc tế vàng chỉ in vài tờ tuyên ngôn rồi làm thinh.

Vậy thì biết nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì chắc Quốc tế đỏ sẽ hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh. Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã. 

CỘNG SẢN THANH NIÊN QUỐC TẾ

1. Cộng sản Thanh niên Quốc tế là gì?

Trước kia các đảng xã hội có xã hội thanh niên. Các đảng ấy hợp lại thành Đệ nhị quốc tế. Các thanh niên ấy cũng tổ chức xã hội thanh niên quốc tế. Khi Âu chiến, phần nhiều Đệ nhị quốc tế đề huề với tư bản, phần nhiều thanh niên cũng bắt chước đề huề.

Những người thanh niên kách mệnh bỏ hội ấy cũng như ông Lênin và những người chân chính kách mệnh bỏ Đệ nhị quốc tế ra.

Đến tháng 11 năm 1919, thanh niên kách mệnh 14 nước bên Âu hội nhau tại kinh đô Đức (Béclin) lập ra Thanh niên Cộng sản Quốc tế

Năm 1921 đã có thanh niên 43 nước theo vào.

Năm 1922 có 60 nước, 760.000 người. 

Năm 1924 có hơn 1.000.000 (thanh niên Nga chưa tính).

2. Cách tổ chức ra thế nào?

Đại khái cũng theo cách tổ chức Đệ tam quốc tế. Thanh niên các nước khai đại hội, cử ra một Hội uỷ viên; Hội uỷ viên có quyền chỉ huy, và thanh niên các nước nhất thiết phải theo kế hoạch và mệnh lịnh Hội ấy.

Ước chừng 16 đến 20 tuổi thì được vào Hội. Trước lúc Hội cho vào thì phải thử, công nông binh thì 6 tháng, học trò thì một năm, làm việc được mới cho vào.

Mục đích Cộng sản Thanh niên Quốc tế là:

1. Thế giới cách mệnh;

2. Bồi dưỡng nhân tài để đem vào đảng cộng sản;

3. Chuyên môn về việc kinh tế và chính trị, có quan hệ cho bọn thanh niên;

4. Tuyên truyền tổ chức và huấn luyện bọn thợ thuyền, dân cày, học trò và lính thanh niên;

5. Phản đối mê tín và khuyên dân chúng học hành.

3. Cách họ làm việc thế nào?

Nơi thì công khai, như ở Nga, nơi thì nửa công khai, nửa bí mật, như ở các nước Âu và Mỹ. Nơi thì bí mật như ở Cao Ly, Java, vân v..

Tuyên truyền và tổ chức thì theo hoàn cảnh. Phái người lòn vào ở lính, hoặc làm thợ, hoặc đi cày, hoặc đi học để tuyên truyền và kiếm đồng chí. Khi kiếm được một ít đồng chí rồi, thì lập ra tiểu tổ chức. Hoặc lập ra hội học, hội đá bóng, hội chơi để lựa đồng chí và tuyên truyền.

Nói tóm lại là họ làm hết cách để xen vào trong dân chúng.

 4. Cộng sản Thanh niên đối với đảng cộng sản thế nào?

 Hai đoàn thể ấy đối với nhau theo cách dân chủ, nghĩa là khi đảng có việc gì thì có đại biểu thanh niên dự hội. Khi thanh niên có việc gì, thì đảng có đại biểu dự hội. Đường chính trị, thì thanh niên theo đảng chỉ huy, nhưng việc làm thì thanh niên độc lập. Nếu đảng và thanh niên có việc gì không đồng ý, thì có hai Quốc tế xử phân.

Thanh niên Cộng sản làm việc rất nỗ lực, rất hy sinh.

Trong năm 1921, Thanh niên Đức chỉ có 27.000 người và Mỹ chỉ có 4 chi bộ. Năm 1922 Đức đã có đến 70.000 người và Mỹ có đến 150 chi bộ.

 Hồi lính Pháp đóng bên Đức, vì việc tuyên truyền, phản đối đế quốc chủ nghĩa trong quân đội, mà 120 thanh niên Pháp bị tù. Hồi Pháp đánh Marốc, cũng vì việc ấy mà hơn 3.000 thanh niên Pháp bị bắt.

Việc bãi khoá ở Tàu, vận động ở Cao Ly, bãi công ở Anh, vân v., Cộng sản Thanh niên đều đứng đầu đi trước.

Ngày nay nước nào cũng có thanh niên cộng sản.

Chỉ An Nam là chưa!.

QUỐC TẾ GIÚP ĐỠ

1. Quốc tế giúp đỡ là gì?

Năm 1921, nước Nga bị đại hạn mất mùa, dân chết đói nhiều. Đế quốc chủ nghĩa lợi dụng cơ hội ấy, bên thì muốn xui dân Nga nổi loạn, bên thì muốn kéo binh vào phá kách mệnh Nga. Phần thì đem các tàu bè vây biển Nga, không cho các tàu bè đi lại chở đồ ăn bán cho dân Nga.

Những người có lòng tốt như ông Nanxăn (người khoa học rất có danh tiếng nước Noócve, ông ấy đi tàu bay qua Bắc cực), và các công hội đều có tổ chức hội cứu tế đi quyên tiền, đồ ăn, và áo quần gửi cho dân Nga. Nhưng vì tổ chức tản mát cho nên sức lực yếu.

Đệ tam quốc tế và Công nhân Quốc tế đỏ (mới tổ chức) xướng lên lập một hội Quốc tế giúp đỡ, để tập trung tất cả các hội cứu tế lại. Đệ nhị quốc tế và Công nhân Quốc tế vàng không chịu vào, lập riêng ra một hội cứu tế riêng.

Tuy vậy, Quốc tế giúp đỡ cũng lập thành. Từ cuối năm 1921, đến năm 1922, Quốc tế này quyên được hơn 5.000.000 đồng bạc, và 40.000.000 kilô đồ ăn cho dân Nga.

2. Khi Nga khỏi đói rồi, quốc tế này làm việc gì?

Nga khỏi đói rồi, Quốc tế này vẫn tiếp tục làm việc mãi. Bất kỳ xứ nào có tai nạn gì, Quốc tế này đều ra sức giúp. Như năm 1923 Ailan (Ireland) mất mùa, mấy vạn dân cơm không có ăn, áo không có mặc, nhờ Quốc tế qua giúp mà khỏi chết đói. Năm 1924, thợ thuyền Đức bãi công hơn 60 vạn người, Quốc tế này lập ra nhà ăn không mất tiền, mỗi ngày hơn 25.000 người thợ tới ăn. Lại lập ra nhà thương để nuôi những người bãi công đau ốm; lập ra nhà nuôi trẻ con của thợ thuyền, lập ra đội lữ hành đem trẻ con Đức qua gửi cho công hội các nước nuôi dạy. Lúc bãi công gần rồi mới đem về.

Năm Nhật Bản có động đất, Tàu mắc lụt, Quốc tế này cũng chở đồ ăn, đồ mặc và đồ làm nhà qua giúp.

Nói tóm lại là ở đâu mắc nạn lớn, là Quốc tế này đều giúp cả.

3. Quốc tế giúp đỡ lấy tiền đâu?

Quốc tế này không phải là một hội làm phúc phát chẩn và bố thí như các hội của tư bản lập ra. Mục đích Quốc tế này là "thợ thuyền và dân cày trong thế giới là anh em, khi anh em xứ này rủi ro, thì anh em xứ khác phải giúp đỡ", vậy nên, khi có việc thì hội viên ra sức quyên, khi vô sự thì phải góp hội phí. Hội phí tuỳ theo hạng người như thợ thuyền làm ra đồng tiền dễ, thì đóng nhiều hơn, dân cày ít tiền thì đóng ít. Nhưng ai cũng phải đóng.

Vì Quốc tế có chi bộ khắp cả 5 châu, và hội viên rất đông, nhất là ở Nga, cho nên chỉ hội phí góp lại cũng đã khá nhiều.

Quốc tế lại đem tiền ấy làm ra hoa lợi, như mở sở cày, làm hát bóng, mở nhà buôn, sở đánh cá, vân v.. Phần nhiều những công cuộc này đều là ở Nga. Chỉ một chỗ đánh cá ở Atrakan mỗi năm đánh được 4-5 triệu kilô cá.

Tiền bán ra đều để dành để giúp đỡ cho thế giới cả.

4. Quốc tế này đối với kách mệnh có ích gì?

Như nước An Nam gặp lúc vỡ đê vừa rồi, hay những khi đại hạn và lụt. Nếu Quốc tế biết, chắc có giúp đỡ. Song:

 1. Là vì dân ta chưa ai biết đến mà kêu van;

2. Là Pháp sợ Quốc tế làm cho dân ta biết cách thân ái và liên hợp của vô sản giai cấp trong thế giới;

3. Nó sợ tuyên truyền kách mệnh cho nên nó hết sức giấu dân ta không cho biết rằng trong thế giới có một hội như thế và ngăn trở Quốc tế ấy lọt vào đến An Nam.

Cái gì Pháp ghét, tất là có ích cho An Nam.

Còn như việc cách mệnh, Quốc tế này cũng giúp được nhiều. Xem như khi dân Nga đói, nhờ Quốc tế này mà không đến nỗi oán Chính phủ cách mệnh. Thợ thuyền Nhật nhờ Quốc tế này mà khôi phục được công hội lại mau. Thợ thuyền Đức nhờ Quốc tế này mà cứ việc phấn đấu, vân v., thì biết rằng Quốc tế này sẽ có ích cho kách mệnh An Nam nhiều.

 QUỐC TẾ CỨU TẾ ĐỎ 

1. Quốc tế cứu tế đỏ là gì?

 Quốc tế giúp đỡ thì cứu tế cho dân bị tai nạn, và cũng cứu tế cho những người chính trị phạm nữa. Quốc tế cứu tế đỏ thì chuyên môn giúp đỡ cho chính trị phạm mà thôi. 

Bây giờ là hồi tranh đấu; vô sản thì tranh đấu với tư bản, dân bị áp bức thì tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa. Tư bản và đế quốc chủ nghĩa về một phe, vô sản và dân bị áp bức về một phe. Hai phe ấy cũng như hai quân đội đánh nhau. Quân đội kách mệnh thì theo cờ Đệ tam quốc tế. Quân phản kách mệnh thì theo cờ bọn nhà giàu. Đánh nhau thì chắc có người phải bắt, người bị thương, người bị chết. Quốc tế cứu tế đỏ là như cái nhà thương để săn sóc cho những người bị thương, giùm giúp cho những người bị bắt, trông nom cho cha già mẹ yếu, vợ dại con thơ của những người đã tử trận cho cách mệnh.

2. Quốc tế cứu tế đỏ lập ra bao giờ?

Năm 1923, Đệ tam quốc tế khai đại hội, có hội "bị đày chung thân" và hội "những người cộng sản già" đề nghị, và Đệ tam quốc tế tán thành lập ra Quốc tế cứu tế đỏ. Trước hết lập ra Tổng bộ tại Nga. Bây giờ nước nào cũng có Chi bộ. (Chỉ có An Nam chưa).

Nga bây giờ có 50.000 phân bộ và 9 triệu hội viên. Tất cả công nhân và nhiều dân cày vào hội ấy, hoặc vào từng người, hoặc cả đoàn thể. Tất cả các người cộng sản và cộng sản thanh niên đều phải vào hội ấy.

Khi mới lập ra, ba tháng đầu đã quyên được 300.000 đồng. Bốn tháng sau thì quyên được 4.000.000 đồng. Ở tỉnh Quảng Đông, Tàu mới lập Chi bộ được 6 tháng mà đã được 250.000 hội viên.

Xem thế thì biết Quốc tế ấy phát triển rất chóng.

3. Quốc tế giúp cách thế nào?

Khi những người kách mệnh hoặc bị đuổi, hoặc bị bắt, hoặc bị tù, hoặc bị chết, thì Quốc tế giúp đỡ:

1. Chính trị;

2. Kinh tế;

3. Vật chất;

4. Tinh thần.

a) Giúp chính trị: Như có người bị bắt, bị giam, thì Quốc tế sức cho các Chi bộ khai hội và tuần hành thị uy. Như vừa rồi có hai người kách mệnh Ý bị bắt tại Mỹ, toan phải án chết, Quốc tế sức chẳng những là thợ thuyền Mỹ làm như thế, mà lại nước nào, xứ nào có lĩnh sự Mỹ thì thợ thuyền đều khai hội tuần hành và tuyên ngôn rằng: Nếu Chính phủ giết hai người ấy, thì thợ thuyền Mỹ bãi công, và thợ thuyền thế giới sẽ tẩy chay Mỹ. Mỹ thấy vậy thì không dám làm tội hai người ấy.

b) Giúp kinh tế: Hễ bị giam thì thường ăn uống cực khổ, còn vợ con cha mẹ ở nhà thì không ai nuôi. Quốc tế gửi tiền cho để mua đồ ăn trong nhà giam và giúp cho người nhà ít nhiều để khỏi phải đói rách. Như vậy thì những người bị giam cầm đã khỏi cực khổ quá, mà lại vui lòng. Hoặc Quốc tế xuất tiền thuê thầy kiện để chống án cho. Hoặc gửi áo quần sách vở cho.

c) Giúp tinh thần: Hoặc phái người hoặc gửi thơ đến thăm.

1. Người ở giam biết rằng mình tuy hy sinh cho quần chúng mà quần chúng không quên mình, thế thì trong lúc bị giam đã không buồn sau được khỏi lại càng hết sức.

2. Là người ta biết rằng mình tuy phải giam một nơi, nhưng công việc kách mệnh vẫn cứ phát triển, vẫn có người làm thế cho mình.

4. Kách mệnh An Nam nên theo Quốc tế này không?

Nên lắm. Kách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong kách mệnh thế giới. Ai làm kách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả. Đã là đồng chí, thì sung sướng cực khổ phải có nhau. Huống gì, dân An Nam là đương lúc tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp, chắc là về sau sẽ có nhiều người kách mệnh phải hy sinh, phải khốn khổ, phải cần anh em trong thế giới giúp giùm.

 (còn nữa)

Theo Trang tin điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó.

Tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (kỳ 2)

Tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (kỳ 2)

Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người.