Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến ngày 23/7 triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phủ chia sẻ với những khó khăn của nhân dân và doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16 khiến các hoạt động bị hạn chế, biến động ở mức cao, các cháu học sinh không có kỳ nghỉ trọn vẹn, một bộ phận người dân mất việc, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động…
Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện để các tỉnh, thành phố ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Đường phố Hà Nội những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hải |
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số địa phương còn chưa nghiêm, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Một bộ phận người dân chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định, vẫn còn tình trạng tập trung đông người ở nhiều nơi. Còn có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị.
Lượng người về từ các vùng có dịch đến các địa phương lân cận lớn, tuy nhiên việc quản lý, kiểm soát chưa thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Còn để xảy ra ách tắc cục bộ trong vận tải, lưu thông hàng hóa...
Tận dụng tối đa thời gian “vàng” khi giãn cách
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung khắc phục kịp thời, hiệu quả ngay các hạn chế này trong những ngày tới để thực hiện giãn cách thực chất, có hiệu quả.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Có thể áp dụng các biện pháp với mức yêu cầu cao hơn (theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan) so với Chỉ thị 16 nhằm hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa người với người để nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Song phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện và đẩy mạnh kêu gọi, vận động người dân nâng cao ý thức, tích cực, tự giác thực hiện; cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh.
Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương không tự đặt ra các quy định, thủ tục (như quy định về loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không thiết yếu) trái với quy định chung, nhất là của pháp luật; những gì chưa hợp lý phát sinh từ thực tiễn cần đề xuất sửa đổi, điều chỉnh tổng thể, hợp lý, phù hợp.
Đối với các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thủ tướng quán triệt phương châm lớn “RÕ, NGHIÊM, CHẮC, HIỆU QUẢ”.
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn một cách quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả.
Các địa phương chưa thành lập thì phải thành lập ngay Tổ COVID cộng đồng; tăng cường cao độ hoạt động của tổ...
Người dân làm việc tại TP.HCM về quê tránh dịch. Ảnh: Thanh Tùng |
Tận dụng tối đa thời gian “vàng” khi thực hiện giãn cách để tăng tốc làm sạch các vùng dịch, ổ dịch trong tuần đầu thực hiện giãn cách, phát hiện tối đa các ổ dịch trên địa bàn, dứt khoát không để phát sinh ổ dịch mới, hình thành vùng an toàn, vững chắc, nhanh nhất có thể.
Bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất phòng, chống dịch, trong đó đặc biệt chú trọng phải bảo đảm có đủ số lượng máy thở, oxy. Các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ về bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên để phục vụ phòng chống, dịch trên địa bàn, gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổng hợp, xử lý, điều phối.
Các địa phương phải nắm chắc tình hình, xử lý ngay, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Bảo đảm an toàn các “vùng xanh”
Tổ chức tiêm vắc xin đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Các địa phương khắc phục ngay việc có vắc xin mà chưa tiêm được và tiêm không đúng đối tượng. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong điều trị, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn xử lý quá tải tại các cơ sở y tế trong tiếp nhận, cách ly, điều trị người nhiễm virus SARS-CoV-2, quan trọng nhất là thu dung, nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh để có biện pháp quản lý, điều trị khoa học.
Phân bổ kịp thời, hợp lý lượng vắc xin đã có, tập trung cho các địa bàn, đối tượng ưu tiên, có nguy cơ cao và hướng dẫn, đôn đốc việc tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Việc tiêm vắc xin theo nguyên tắc bảo đảm công bằng trong tiếp cận, đúng đối tượng, kiên quyết không để hiện tượng xin - cho, đồng thời tránh tâm lý đợi chờ, lựa chọn vắc xin.
TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5. Ảnh: Thanh Tùng |
Hướng dẫn chi tiết thực hiện việc kết hợp hài hòa, hợp lý giữa y dược cổ truyền và hiện đại trong điều trị Covid-19 một cách khoa học, hiệu quả, sát thực tế.
Rà soát, hoàn thiện quy định về xác định tiêu chí, điều kiện, quy trình như thế nào là không có dịch, như thế nào là có dịch, khi nào thì áp dụng 15, 15+, khi nào áp dụng 16 và 16+ và khi nào dịch đi qua…
Thủ tướng nhấn mạnh, cần hết sức tránh quan liêu, “xa dân”; cương quyết không để tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong phòng, chống dịch
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người về từ TP.HCM và các địa phương đang có dịch.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan hết sức chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”, ít nguy cơ dịch bệnh để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và TP.HCM kịp thời đánh giá kết quả 2 tuần thực hiện giãn cách, rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế, bất cập để bổ sung, điều chỉnh biện pháp.
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần sớm có Quy chế hoạt động, tổ chức giao ban thường xuyên, kịp thời xử lý ngay, tại chỗ các vấn đề phát sinh.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường lực lượng cho TP.HCM và các địa phương bảo đảm an ninh trật tự góp phần thực hiện cách ly giữa người với người góp phần lưu thông hàng hóa tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Thành Nam
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Bí thư Hà Nội: Các quận, huyện triển khai ngay việc phát phiếu đi chợ
Cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay.