Sáng 4/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt-Pháp. Diễn đàn này quy tụ hơn 100 lãnh đạo DN 2 nước.
Tin tưởng lẫn nhau thì mới hợp tác
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình cảm ấm áp, thân thiện, quý mến nhau giữa hai nước thể hiện rất rõ trong khán phòng này.
Cùng với đó là sự hợp tác chặt chẽ thông qua những thỏa thuận lên đến hàng tỷ USD chỉ trong thời gian rất ngắn.
Thủ tướng: Chúng tôi lựa chọn con đường có lợi cho tất cả, không theo ai để chống ai |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tin tưởng lẫn nhau mới hợp tác được, để nêu ra ý tưởng và phương án tài chính, công nghệ hết sức khả thi và thuyết phục”.
Qua các thỏa thuận cho thấy sự hợp tác đi đúng hướng, tập trung vào những lĩnh vực y tế, giáo dục, KHCN, bảo vệ môi trường và các ngành mới nổi như đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Nghiệp đoàn MEDEF Geoffroy Roux de Bezieux cho biết, đại diện của các doanh nghiệp Pháp đến tham dự diễn đàn này với số lượng vô cùng lớn và nếu không có những rào cản nghiêm ngặt về các cách ly dịch tễ thì số lượng này còn lớn hơn rất nhiều. Điều này cho thấy sự quan tâm mà các Tập đoàn lớn của Pháp dành cho Việt Nam, một trong những quốc gia hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020, có tiềm năng tăng trưởng lớn và nhiều lợi thế…. Ông khẳng định, mối quan hệ song phương rất tốt đẹp của hai nước Việt-Pháp đã và đang chuyển thành các trao đổi kinh tế quan trọng và đa dạng, nhưng vẫn hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa. Đây chắc chắn là động lực và là thời cơ cho doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam có hiệu lực vào năm ngoái. |
Ông hy vọng sự hợp tác của các DN sẽ thành công và kêu gọi DN tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và thể hiện lòng tin với nhau. “Tôi kêu gọi DN Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thị trường Pháp. 185.000 DN của Pháp với 10 triệu lao động tiếp tục tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, quan hệ của các DN tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và quan hệ Việt – Pháp, mang lại hiệu quả cho DN và lợi ích hai nước, phù hợp với không khí hòa bình, hợp tác và phát triển.
Các DN không những đầu tư tiền bạc mà góp ý về xây dựng chính sách, thể chế và cải cách hành chính, tìm các nguồn tài chính xanh đầu tư vào các ngành mới nổi, công nghệ xanh, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao và lĩnh vực quản trị quốc gia.
Không đi với ai để chống ai
Nói về quan hệ Việt Nam và Pháp, Thủ tướng bày tỏ “tôi cũng chưa biết tìm từ nào mô tả hết được mối quan hệ sâu sắc, toàn diện và có truyền thống lâu năm như vậy”.
Ông kể, hôm qua gặp Chủ tịch Thượng viện và Thủ tướng Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam có nói về quan hệ Việt Nam và Pháp có “duyên nợ với nhau” từ thế kỷ 18, 19.
“Vì sao gọi là duyên nợ, vì có lúc thế này thế kia, có lúc tốt, có lúc chưa hài lòng nhưng không thể bỏ được nhau”, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa dứt lời, cả khán phòng vang lên tràng pháo tay hưởng ứng.
Người đứng đầu Chính phủ lý giải về duyên nợ Việt – Pháp thể hiện qua ngôn ngữ la-tinh. Câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước cũng bắt đầu từ con tàu của Pháp, nơi ở lâu nhất là Pháp, từ đây Người tìm được con đường cứu nước của mình.
“Trải qua chiến tranh nhưng chúng ta vượt lên tất cả, hướng đến tương lai, chúng ta không định kiến với quá khứ, điều này rất quan trọng. Giá trị nhân văn rất cao và là nền tảng quan trọng”, Thủ tướng nhắc đến Hiệp định Paris mang lại hòa bình cho Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, quan hệ Pháp – Việt ngày càng gắn bó. Sự gắn bó này là yêu cầu khách quan, rồi phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược cách đây gần 10 năm.
“Trong quan hệ quốc tế, lòng tin rất quan trọng. Khi tin cậy chính trị được củng cố và tăng cường sẽ chi phối toàn bộ lĩnh vực khác. Quan hệ giữa chúng ta với nhau là sự khách quan của quá trình phát triển”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nói về đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực chủ động hội nhập, “không đi với ai để chống ai”.
“Cái gì có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển là chúng tôi ủng hộ, tham gia và làm một cách có trách nhiệm. Tôi tin tưởng các bạn Pháp cũng ủng hộ điều này ”, Thủ tướng bày tỏ.
Khái quát lại tình hình Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. “Nhưng chúng tôi không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng mà có sự hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và xã hội”.
Thủ tướng thông tin thêm, vừa qua nhân cơ hội trao đổi, chia sẻ với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, Covid-19 có cái tích cực là làm chúng ta xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và phụ thuộc vào nhau nhiều hơn, chủ nghĩa đa phương được đề cập và “không quốc gia nào an toàn nếu quốc gia khác còn Covid-19”. Vì vậy, sự đoàn kết chống dịch khiến các nước xích lại gần nhau hơn.
Gửi gắm đến các nhà đầu tư, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến yếu tố con người. “Con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của sự phát triển. Tất cả do con người, thể chế, chính sách và thủ tục hành chính, làm tốt hay xấu cũng do con người mà Việt Nam có lợi thế con người”.
Về cạnh tranh chiến lược, Thủ tướng nhìn nhận đây là thử thách rất rõ nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự hợp tác quốc tế. “Chúng tôi lựa chọn con đường đi có lợi cho tất cả, không theo ai để chống ai, lợi ích cho hòa bình, hợp tác và phát triển thế giới”, Thủ tướng nhắc lại.
Trong đó có một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, chuyển đổi số. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội VIETTEL thỏa thuận hợp tác với Công ty Rapid Space International về nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G; Công ty FPT và Airbus Skywise thỏa thuận hợp tác chiến lược về triển khai các giải pháp công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành hàng không.
Ngoài ra, Công ty Vinfast và đại diện Tập đoàn EDF thỏa thuận hợp tác về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức của VinFast.
HDBank và DEG (định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức) ký kết tổng giá trị thực hiện từ 200 - 300 triệu USD; HDBank và Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) ký thỏa thuận hợp tác tài trợ tín dụng dài hạn trị giá 100 triệu USD để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Vietjet và Tập đoàn Airbus trao thỏa thuận hợp tác chiến lược về cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330.
Thu Hằng (Từ Paris, Pháp)
Thủ tướng chứng kiến nhiều thỏa thuận hợp tác hàng chục tỷ USD với Pháp
Tối 4/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hoà Pháp Jean Castex chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước có trị giá hàng chục tỷ USD.