Sáng nay (12/7), tại TP Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình. Đây là chương trình kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đầu tiên của Thủ tướng, các bộ với địa phương.
Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết mặc dù gặp khó khăn do Covid-19 nhưng đến nay, Ninh Bình đã giải ngân được khoảng 72% vốn đầu tư công (trong tổng số khoảng 3.000 tỷ đồng). Tỉnh Ninh Bình cam kết sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, thậm chí có thể về đích sớm hơn, vào khoảng tháng 10 tới. Tỉnh cho biết nếu có thêm nguồn được điều chuyển về, tỉnh cũng sẽ bố trí sử dụng và giải ngân hiệu quả.
Tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Bình đã nêu nhiều kinh nghiệm trong việc đẩy nhanh vốn đầu tư công và được lãnh đạo nhiều địa phương đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình |
Hoan nghênh Ninh Bình cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hoan nghênh tỉnh cam kết tiếp tục giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển thêm vốn.
Với mức giải ngân này, Thủ tướng đánh giá đây là điểm sáng của Ninh Bình nửa đầu năm nay, đưa Ninh Bình trở thành một trong những địa phương nhóm đầu cả nước về giải ngân, xếp thứ 3 trong số các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao HĐND tỉnh đồng hành với UBND tiến hành nhiều cuộc họp thay vì chỉ họp định kỳ để kịp thời đưa ra những quyết sách về những vấn đề liên quan đến đầu tư công, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động trong giải phóng mặt bằng, gắn trách nhiệm với lãnh đạo cấp huyện, thành phố với công tác này, giúp giải phóng mặt bằng nhanh hơn.
Cho rằng đây là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương, bởi giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công hiện nay bị chậm, Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần là địa phương nào không thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công thì nguồn vốn sẽ được điều chuyển sang địa phương khác.
Quang cảnh buổi làm việc |
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Ninh Bình đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, là nền tảng cho phát triển thời gian tới. “Theo quy hoạch cơ cấu thì sản xuất công nghiệp tăng mạnh, có nhiều bước tiến vượt bậc, đã hình thành được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, tạo ra sự tăng trưởng lớn trong thu ngân sách như sản xuất ô tô, linh kiện điển tử, sản phẩm công nghiệp phụ trợ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Ninh Bình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng với 106/116 xã và 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, qua đó thực hiện mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Về lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Thủ tướng cũng đánh giá dịch vụ của Ninh Bình phát triển khá, trong đó, năm 2019, ngành du lịch đón trên 8 triệu lượt khách, qua đó mang lại nguồn thu, việc làm và thu nhập cho người dân. Các lĩnh vực khác như cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển dịch vụ công trực tuyến; an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Riêng tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Trong nửa đầu năm nay, dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3,85%, nhưng Thủ tướng đánh giá đây là mức cao hơn mức bình quân chung cả nước. Đặc biệt thu ngân sách đạt khá so với kế hoạch năm là một cố gắng.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng thăm và tặng quà Bà mẹ VNAH Trần Thị Phi có 2 con là liệt sĩ tại xã Ninh Tiến, TP. Ninh Bình |
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức trong phát triển đối với Ninh Bình như thu nhập bình quân mới đạt 65 triệu đồng/năm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Doanh thu du lịch chưa tương xứng tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa đạo sự đột phá phát triển ngành du lịch của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có tiến bộ nhưng không có sự bứt phát mạnh mẽ. Phát triển doanh nghiệp của địa phương chưa đạt yêu cầu, mới đạt 8.000 doanh nghiệp trong khi mục tiêu là 10.000. Trong phát triển còn xảy ra một số vụ việc về ô nhiễm môi trường…
Yêu cầu Ninh Bình khắc phục các điểm yếu, thách thức này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất các chỉ tiêu đề ra, nhất là trong năm nay. Do đó, trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, trong đó có Ninh Bình, là phải đóng góp vào thực hiện mục tiêu chung của cả nước.
“Ninh Bình phải trở thành tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh của Bắc Bộ và cả nước, một điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư và du khách, với cách làm sáng tạo và đổi mới, yêu cầu phát triển xanh và bền vững”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh chính vì vậy, Ninh Bình cần có chiến lược tổng thể, có tầm nhìn xa, có chiều sâu chuyên môn, có cả nông nghiệp, du lịch, công nghiệp. Quy hoạch để phòng chống thiên tai, quy hoạch không cản trở mà phải hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển với kinh tế đô thị, nông thôn mới bền vững.
“Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Nghị quyết 01 Chính phủ 2020, đặc biệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đầu nhiệm kỳ”, Thủ tướng nói. “Tôi nhấn mạnh lại tỉnh phải tập trung quan tâm hơn nữa vấn đề quy hoạch vùng, quốc gia, không chồng lấn, phá vỡ, đặc biệt là phải chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch giai đoạn 2021-2025”.
Để tạo động lực phát triển, Thủ tướng cũng đề nghị Ninh Bình tập trung cho công tác chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, chính quyền số, kinh tế số, thanh toán điện tử, phát triển các dịch vụ công trực tuyến; coi đô thị hóa, kinh tế nông thôn mới với môi trường sạch, sinh thái tốt là động lực phát triển. Cùng với phát triển du lịch thì cần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân.
Thủ tướng thăm và tặng quà ông Nguyễn Hùng Tiến, thương binh 81% tỉnh Ninh Bình |
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tạo thuận lợi phát triển nội địa hóa công nghiệp ô tô, phát triển các ngành công nghệ cao bảo vệ môi trường, Thủ tướng mong muốn Ninh Bình sớm trở thành tỉnh nông thôn mới, tiến tới tỉnh nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển nông nghiệp sạch, đa chức năng, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, Thủ tướng mong muốn ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tới, Ninh Bình sẽ tự cân đối được ngân sách, tiến tới đóng góp vào ngân sách Trung ương.
Theo VGP
Bí thư TP.HCM lên tiếng việc cán bộ bị khởi tố ngay khi HĐND đang họp
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rất đau xót trước mỗi kỷ luật của Đảng về cán bộ khi báo chí hỏi về vụ việc Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố.