Khơi dậy được tinh thần tự lực, tự cường

Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta đạt 12/12 chỉ tiêu phát triển nền kinh tế xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Phó Thủ tướng có thể chia sẻ Chính phủ đã có những "bí quyết" gì để gặt hái được kết quả này?

Hai vấn đề lớn nhất trong các nghị quyết kết luận của TƯ, Nghị quyết của QH, trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng luôn luôn nhấn mạnh: “Chúng ta phải coi ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là số một, là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu; thứ hai là phải khơi thông mọi động lực cho tăng trưởng”. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao trên thế giới

Hai vấn đề này cũng có mối quan hệ với nhau, tăng trưởng cao cũng là một trong những điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô nhưng ổn định vĩ mô cũng là một vấn đề rất quan trọng để tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh theo hướng bền vững.

Điều đó thể hiện rõ phương châm: "Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo và phát triển”. Năm 2019 chúng ta còn nhấn mạnh thêm “trách nhiệm”, “bứt phá” và mục tiêu cuối cùng là phải hiệu quả.

Bên cạnh những vấn đề về kinh tế chúng ta phải hết sức chăm lo vấn đề xã hội. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chúng ta sẽ không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá"; mở rộng thông điệp “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, thành “không đánh đổi môi trường, văn hoá và văn minh xã hội lấy kinh tế”.

Vậy theo Phó Thủ tướng, đâu là dấu ấn trong điều hành của Chính phủ?

Tôi cho rằng bên cạnh những vấn đề về cải cách bộ máy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta đã khơi dậy được tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng của người dân Việt Nam vươn lên để thoát nghèo, để có một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Điều đó tạo sức mạnh rất lớn. Nếu đo lường chỉ số cảm xúc thì chúng ta thấy như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói trong hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch kinh tế xã hội: “Chưa bao giờ mà chúng ta có một cơ đồ như ngày nay và có cảm nhận rằng vận nước đang lên”.

Một hình ảnh về một kỳ Sea Games thành công nhất trong lịch sử với 98 tấm huy chương vàng, chỉ đứng thứ 2 sau nước chủ nhà và lần đầu tiên là 2 đội tuyển bóng đá nam nữ đạt huy chương vàng. Trong đó, giấc mơ mấy chục năm về huy chương vàng của bóng đá nam Việt Nam đã thành sự thật. 

5 yếu tố làm nên chuyện

Tổng bí thư, Chủ tịch nước luôn căn dặn: "Tuyệt nhiên không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế". Những gì kết quả của năm 2019 đã là "của ngày hôm qua", vậy còn ngày mai, năm 2020 và những năm tiếp, diện mạo về một đất nước Việt Nam sẽ như thế nào?
 
Chúng ta đã có năm 2019, GDP bình quân đạt gần 2.800 USD/người, gấp 1,32 lần năm 2015. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vượt 3.000 USD, đạt mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020 đề ra.

Chúng ta hoạch định chiến lược cho 10 năm tới với mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại có thu nhập ở nhóm nước trung bình cao trên thế giới với GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt 8.000 - 9.000 USD/người.

Đến năm 2045, dấu mốc 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có mức thu nhập cao trên thế giới.

Đấy chính là ước mơ của Việt Nam, giấc mơ Việt Nam trong 10 năm tới cũng như trong một vài thế kỷ tới.

Đó là giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, giấc mơ Việt Nam hùng cường, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ.
 
Để giấc mơ trở thành hiện thực, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam cần phải làm những gì?
 
Chúng ta sẽ phải tiếp tục có những giải pháp và tổ chức thực thi tốt hơn để thực hiện tiếp tục 3 đột phá chiến lược về thể chế phát triển kinh tế, về kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng thời, chúng ta phải nhấn mạnh 2 yếu tố mà chúng ta phải coi như những mũi đột phá trong thời gian tới.

Đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, tinh thần Việt Nam, phát huy khơi dậy được ý chí khát vọng tự hào của con người Việt Nam.

3 đột phá chiến lược và 2 yếu tố nói trên là 5 yếu tố giúp chúng ta sẽ làm nên chuyện.

Một vấn đề mà tôi luôn luôn chiêm nghiệm là, nếu chúng ta không huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; nếu sự nghiệp đổi mới này mà không có sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân và nếu thành tựu của đổi mới mà người dân không được hưởng thì chúng ta sẽ không thành công.

Chúng ta thành công được như ngày nay chính là sự nghiệp đổi mới của chúng ta, công việc của chúng ta được nhân dân đồng tình và thành tựu của đổi mới người dân của chúng ta được thụ hưởng, kể cả về vật chất và tinh thần.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh bộn bề những sự kiện sẽ rất sôi động trong và ngoài nước của năm nay đòi hỏi “năm 2020 phải tốt hơn năm 2019” như Thủ tướng đã hứa với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tôi tin rằng dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của bác Hồ; với những thành tựu chúng ta đã đạt được, biết phát huy những tiềm năng, lợi thế, chúng ta tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế; với sự đồng lòng đoàn kết của toàn đảng, toàn quân, toàn dân trong và ngoài nước thì giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng hoàn toàn có thể đạt được.

Giấc mơ Việt Nam hùng cường và thịnh vượng là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Tôi cũng như mọi người đều phải có trách nhiệm để biến giấc mơ thành hiện thực.

Gần đây, khi tôi tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trên thế giới do Thủ tướng Hà Lan làm chủ tọa, họ nói với tôi rằng: "Tại hội nghị có Việt Nam là một ngôi sao kinh tế đang lên nên xin mời đại diện lãnh đạo Việt Nam, Phó Thủ tướng Việt Nam phát biểu trước".

Tôi đã nói với họ: “Việt Nam có thực sự là ngôi sao kinh tế đang lên hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của quý vị nhưng đúng là quốc kỳ của chúng tôi có một ngôi sao vàng. Với một ngôi sao vàng trong trái tim thì chúng tôi sẽ làm bài toán thần kỳ về Việt Nam, về kinh tế của Việt Nam cũng như về đất nước Việt Nam”.

Câu nói đó cũng xuất phát từ trái tim và từ tình cảm sâu thẳm của tôi và đã nhận được sự đồng tình, tán thưởng của tất cả các đại biểu tham dự phiên họp đặc biệt đó.

Thu Hằng

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi chợ tết, trả tiền mua thực phẩm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi chợ tết, trả tiền mua thực phẩm

Sáng 30 Tết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi khảo sát, nắm tình hình thị trường, chợ Tết Nguyên đán Canh Tý cuối năm tại chợ Vinh và siêu thị Nghệ An.