- Nhiều người cho rằng, họ không có kinh nghiệm chuyên môn, nếu tự xử lý sẽ dễ gây ra sai phạm. Chính vậy nên sẽ gọi và chờ xe cứu thương tới.
Câu chuyện cháu bé còn dấu hiệu sống sau vụ tai nạn trên phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) sáng 29/2 nhưng phải nằm hơn 20 phút chờ đi cấp cứu và cuối cùng không qua khỏi đã gây ra nhiều tranh cãi trong những ngày qua.
Vậy, khi gặp một tai nạn, những người có mặt sẽ chở nạn nhân đi cấp cứu ngay hay chờ cán bộ y tế đến?
Không biết sơ cứu
Theo chị Thu Thủy (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm): Tùy theo tình trạng mức độ của tai nạn, nếu nạn nhân bị nhẹ thì tôi sẽ đưa đi viện, còn nặng thì phải gọi y tế vì mình đâu có chuyên môn sâu về việc này. Sau khi gọi xe cấp cứu, phải đề nghị mọi người không xúm lại đông để lấy không khí cho người bị tai nạn.
"Nhưng cũng phải nói rằng, nhiều người gặp tai nạn mà thấy máu me thì sợ, chả dám đến gần, "chạy mất dép". Người đứng xem thì nhiều, còn ra giúp đỡ thì ít lắm, vì ai cũng sợ phiền phức. Giờ ai chả thế, trừ khi là người nhà mình" - chị Thủy nói.
Hiện trường vụ tai nạn trên phố Ái Mộ làm 3 người chết |
"Đó có phải là sự thờ ơ, vô cảm không?" - "Không phải là vô cảm mà ai đủ bản lĩnh? Cơ bản những người như thế là tinh thần thép. Mà có chuyện gì công an điều tra mình lại phải tường trình, mệt mỏi và phiền phức lắm", chị Thủy nói.
Theo Việt Thanh - sinh viên một trường Cao đẳng tại Hà Nội, nếu gặp tai nạn sẽ gọi xe cấp cứu và nhờ người dân xung quanh tìm bác sĩ gần nhất để đến sơ cứu.
'Cần phân ra nhiều tình huống để xử lý. Em không có kinh nghiệm trong việc sơ cứu người cần cấp cứu vì không phải ngành học và cũng chưa từng trực tiếp tiếp xúc.
Trong trường hợp nạn nhân bị nặng mà lúc đó chỉ có một mình thì chỉ có thể chờ xe cấp cứu tới, vì nếu mình đưa nạn nhân lên xe không đúng cách có thể còn nguy hiểm hơn cho họ", Thanh nói.
Chị Diệu Thúy (quận Đống Đa) thì cho hay, chị sẽ gọi điện cho số cứu thương, mô tả tình trạng của bệnh nhân và hỏi xem sẽ làm thế nào để sơ cứu trong thời gian đợi xe cấp cứu tới.
Sợ "tai bay vạ gió"
Rất nhiều người cũng trả lời tương tự vì không có chuyên môn, nếu tự xử lý sẽ dễ gây sai phạm.
Thậm chí ông Nguyễn Văn Liêm (Mỹ Đình) cho hay, đưa đi cấp cứu cũng phải tùy hoàn cảnh khi đó thế nào. Nhiều người vì giúp nạn nhân có thể bị hiểu lầm là mình gây tai nạn rồi "tai bay vạ gió".
"Tôi từng gặp cảnh 2 xe máy đâm nhau, khi đó một nạn nhân đang kêu la ầm ĩ, xe cứu thương thì chưa đến, sẵn có ô tô tôi liền chở họ đến viện luôn.
Đến bệnh viện xong thì người nhà kéo vào định đánh vì tưởng tôi gây ra tai nạn. Lúc đó công an cũng hỏi, cũng bảo làm việc, rất mất thời gian. Trong khi ý thức xã hội chưa cao thì sẽ rất ngại làm những việc tương tự", ông Liêm nói.
Một ý kiến khác thì cho hay: "Cũng cần đề phòng vì có nhiều người vụ lợi điều tốt làm điều xấu, đôi khi lại mất tiền bạc".
Tuy vậy, theo chia sẻ của chị Phạm Trang (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) thì: "Sông có lúc, người có khúc. Cứu người là quan trọng, mình cứ làm việc tốt, không may có lúc mình hoặc người thân gặp nạn thì ta lại sẽ được người khác giúp đỡ".
Hồng Nhì