Ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ, mới có 8 mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ ở tỉnh với tổng diện tích 40ha, vừa kết thúc vụ thử nghiệm đầu tiên.

"Tôi thấy nhiều cái rất hay, như thân cây lúa cứng cáp, chuột phá hoại lúa giảm hẳn, dưới  ruộng cá bơi lội tung tăng hàng đàn, hình ảnh nhiều năm rồi chưa nhìn thấy ở quê hương chị Hai 5 tấn”, ông nói.

{keywords}
Cán bộ khuyến nông theo sát, xuống tận ruộng hướng dẫn bà con làm lúa hữu cơ

Đến ngày thu hoạch, nông dân ai cũng phấn khởi vì năng suất không thua kém gì so với làm lúa theo kiểu truyền thống mà giá cao hơn 15-20%. Hay nhất là gặt xong nông dân bán lúa luôn tại ruộng, thu tiền tươi, chẳng cần phải phơi phóng gì nữa.

Ông Xuyên cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, cân bằng được môi trường sinh thái, đảm bảo được sức khoẻ cho người sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm làm ra có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được người tiêu dùng tin tưởng.

Song, ông cũng phải thừa nhận rằng, làm nông nghiệp hữu cơ, mà cụ thể là lúa hữu cơ theo mô hình liên kết “3 nhà” không phải chuyện dễ.

Ông tâm sự, ở Thái Bình lúa là cây trồng chủ lực, nhưng bao năm nay vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, kéo theo sản phẩm gạo làm ra giá bán không cao, chỉ loanh quanh 10.000 đồng/kg. Sang Hàn Quốc tôi thấy trong siêu thị họ bán gạo hữu cơ khoảng 60.000 đồng/kg, chỉ mơ đến một ngày mình được như họ.

{keywords}
Vụ đầu tiên có nhiều khó khăn nhưng tỉnh Thái Bình đã bước đầu thành công với mô hình trồng lúa hữu cơ

Năm 2017, nghe thông tin tại Quảng Trị có những cánh đồng lúa hữu cơ lớn, đem lại năng suất cao, được bao tiêu đầu ra, nông dân có lãi, sản phẩm gạo bán ra thị trường có thương hiệu riêng,… tỉnh Thái Bình cử ngay đoàn vào “mục sở thị”, xem họ làm thế nào, mình có học tập được không. 

Sau chuyến đi đó, tỉnh kết nối, mời được DN làm nông nghiệp hữu cơ trong Vũng Tàu về Thái Bình liên kết với bà con nông dân làm lúa gạo theo chuỗi hữu cơ.

Phát hoảng khi nông dân dọa phun thuốc trừ sâu

Lúc phổ biến về mô hình thử nghiệm trồng lúa hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp, bà con nông dân hưởng ứng ngay. Bởi, giống, phân bón được doanh nghiệp cấp, quy trình canh tác làm theo họ hướng dẫn, lúa được DN thu mua tại bờ với giá cam kết từ đầu vụ. 

Chưa kể, họ còn bảo hiểm năng suất cho cây lúa, tức nếu làm lúa hữu cơ mà bị sâu bệnh dẫn đến năng suất không cao bằng sản xuất lúa thường, họ sẽ sẵn sàng đến bù phần sản lượng thiếu hụt đó cho bà con. Song, trong quá trình làm tuyệt đối không được phun thuốc bảo vệ thực vật cũng như bón phân hoá học. Phân hữu cơ phải bón đúng quy trình và liều lượng họ hướng dẫn.

Nghe có vẻ dễ, sản xuất hữu cơ mà như thế này thì ai chẳng làm được, bà con gật đồng 100% đồng ý tham gia. Theo đó, tỉnh xây dựng được 8 mô hình lúa hữa cơ phân bố ở khắp các huyện để trồng thử nghiệm, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, bắt tay vào làm, lúa đang phát triển thì bị sâu bệnh. Bà con nông dân hoang mang, lo lắng vì làm lúa truyền thống mà gặp sâu bệnh rầy nâu nếu không phun thuốc thì coi như mất mùa, năng suất sẽ giảm hẳn. Ở đây làm lúa hữu cơ lại chỉ bón phân, vậy giờ sâu bệnh làm thế nào để chữa? 

{keywords}
Bà con nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá cao

Suốt ruột, một số bà con ngỏ ý xin phun một lượt thuốc trừ sâu chữa bệnh cho lúa. Anh em cán bộ khuyến nông nghe thấy tin này hoảng lắm. Chỉ một người phun thuốc thôi thì hỏng cả cánh đồng hữu cơ, lại còn bị DN phạt do vi phạm hợp đồng.

Làm hữu cơ là phải làm đồng bộ, không thể hộ làm hộ không. Chỉ một hộ vi phạm thôi thì sự cố gắng, công sức của hàng trăm hộ dân khác trên cánh đồng ấy coi như đổ sông đổ biển hết. Thế nên, khi hay tin dân “mặc cả” xin phun thuốc, Sở NN&PTNT đã phải chỉ đạo anh em khuyến nông xuống tận ruộng canh. Lại đi thuyết phục từng hộ dân kiên trì, tuyệt đối không phun bất cứ loại thuốc trừ sâu bệnh nào, kể cả thuốc sinh học.

Cán bộ phải đi đến các hộ dân động viên bà con cố làm thử một vụ. Nếu năng suất không cao cũng được công ty đền bù nên không cần lo lắng chuyện mất mùa hay được mùa. Cũng may, vụ đầu tiên thành công, nông dân có lãi cao, rất phấn khởi.

Ông Xuyên tiết lộ, vụ tới sẽ tiếp tục thử nghiệm, nhưng thay bằng 40ha lúa hữu cơ như ban đầu, tỉnh sẽ mở rộng mô hình lên 600ha. 

“Làm nhỏ bước đầu đã thành công rồi thì giờ mở rộng mô hình thử nghiệm tiếp xem có ổn không. Nếu ổn sẽ tiến tới cánh đồng mẫu lớn và xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ của tỉnh”, ông nói.

Chuyện lạ thế kỷ 21: Cả làng học trồng lúa như thời ông bà mình

Chuyện lạ thế kỷ 21: Cả làng học trồng lúa như thời ông bà mình

Để người nông dân từ bỏ thói quen làm chủ những mảnh ruộng nhỏ thành công nhân liên kết trong chuỗi sản xuất gạo hữu cơ, cán bộ khuyến nông ở Quảng Trị đã mất 2 tháng trời thuyết phục.

Tâm An - Thái Bình