Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quy định số 07 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố”.

Quy định gồm 8 điều nêu rõ mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc và 4 điều dành cho các quy định cụ thể.

Quy định nhằm tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; đồng thời thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng...

{keywords}
Hà Nội yêu cầu cán bộ diện luân chuyển phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ. Ảnh minh họa

Về quan điểm, nguyên tắc, Ban Thường vụ Thành ủy quy định, việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ phải bảo đảm đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị thành phố; phù hợp tình hình thực tiễn, cân đối, hài hòa, vừa bồi dưỡng, rèn luyện, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, vừa giữ được sự ổn định và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ, tăng cường phát hiện, điều động cán bộ có năng lực, kết quả công tác tốt, có chiều hướng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ; đồng thời, kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển, điều động để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển, điều động chủ yếu bố trí làm cấp trưởng. Cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó.

Cũng theo quy định, thành phố định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với các chức danh cán bộ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của địa phương, cơ quan, đơn vị; được thực hiện công khai, theo kế hoạch. Nghiêm cấm lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ.

Về luân chuyển dọc, thành phố sẽ luân chuyển cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển, chưa kinh qua lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hiện đang công tác tại các ban, ngành, sở, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố về các quận, huyện, thị xã; từ cấp trên xuống cấp dưới.

Đối với luân chuyển ngang, thành phố sẽ luân chuyển cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển giữa các ban, ngành, sở, cơ quan, đơn vị; các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố; giữa các xã, phường, thị trấn thuộc cùng quận, huyện, thị xã; giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị ngang cấp trong hệ thống chính trị.

Cán bộ diện luân chuyển phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển. Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của cán bộ, cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc phạm vi quản lý. Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ.

Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này; đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, biểu dương, khen thưởng đối với những nơi làm tốt và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm; định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy sơ kết, tổng kết theo quy định.

Hương Quỳnh

Hà Nội: Không được lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác để trù dập

Hà Nội: Không được lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác để trù dập

Hà Nội yêu cầu không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.