Lãnh đạo TP giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi theo quy định của Luật Kiến trúc.
Trước đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có văn bản báo cáo UBND TP về các vấn đề liên quan đến phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Cụ thể, Sở đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi, làm rõ, từ đó đề xuất triển khai thực hiện tiếp việc tuyển chọn (hoặc thi tuyển) phương án kiến trúc cầu.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc chỉ có một đơn vị tư vấn chuyên ngành về giao thông (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – TEDI) nghiên cứu đề xuất các phương án về kiến trúc cầu là chưa hợp lý mà cần có sự hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có uy tín (kể cả quốc tế).
Một phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương |
Về hình thức kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, do vị trí, vai trò công trình cầu Trần Hưng Đạo trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và giao thông khu vực rất đặc biệt nên Hội mong muốn đây là công trình tạo điểm nhấn về kiến trúc.
Kiến trúc cầu cần mang tinh thần mới, trở thành một biểu tượng của thời đại, phản ánh được tư tưởng của thời kỳ khai sinh ra nó; là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ hiện đại, giàu bản sắc trong thời kỳ phát triển mới, hướng tới tương lai. Cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại, không nên lặp lại phong cách kiến trúc kiểu Pháp hay Đông Dương…
Từ đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét hai phương án: tổ chức thi tuyển rộng rãi (thời gian thực hiện khoảng 2,5 tháng và có sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc quốc tế) hoặc nếu tiếp tục thực hiện tuyển chọn thì mời các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế đề xuất thêm các phương án thiết kế kiến trúc để tuyển chọn bổ sung. Hội sẵn sàng tham gia để lựa chọn được phương án tối ưu.
Về phía Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP thì đề nghị đẩy nhanh tiến độ lựa chọn phương án kiến trúc, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc tổ chức thi tuyển sẽ kéo dài thời gian nghiên cứu, ảnh hưởng đến tiến độ của việc lập hồ sơ đề xuất, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Căn cứ ý kiến các đơn vị dự họp, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất TP tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, phương án này có ưu điểm là thu hút được nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo của nhiều đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho Hội đồng chấm tuyển có nhiều lựa chọn phương án tối ưu, đáp ứng mong muốn của dư luận, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng với phương án kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương.
Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư đã khẳng định không có phong cách kiến trúc cổ điển “xứ Đông Dương”, không thể khoác lên cho cây cầu Trần Hưng Đạo một định danh tuỳ tiện không có trong nghiên cứu.
Theo thiết kế cơ sở, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu 6 làn xe cơ giới. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025. |
Hương Quỳnh
Hội Kiến trúc sư: Cầu Trần Hưng Đạo pha trộn hỗn tạp kiến trúc thời trung cổ
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTS) không nên tiếp tục vận dụng yếu tố quá độ quy định pháp luật theo hình thức tuyển chọn mà nên thực hiện thi tuyển kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc với dự án cầu Trần Hưng Đạo.