VietNamNet phỏng vấn Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội, xung quanh vụ việc quận Long Biên lấp hàng loạt ao hồ để thực hiện dự án, san lấp lấy mặt bằng đấu giá quyền sử dụng đất với lý do thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.

- Trong câu chuyện gần 100 hộ dân phường Ngọc Thụy có đơn kiến nghị chính quyền sở tại giữ lại ao hồ tự nhiên để làm đẹp cảnh quan, điều hòa cho khu dân cư, nhưng quận Long Biên lại nói việc san lấp hồ là phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, rồi sẽ xây dựng các hồ điều hòa mới để thay thế, ông nghĩ sao?

{keywords}
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội

Theo thông tin báo chí, UBND quận Long Biên đang thực hiện dự án đã có những công tác chuẩn bị Quy hoạch chi tiết lập dự án.

Theo Luật Quy hoạch Thủ đô thì cần thông báo và trao đổi với các bên liên quan, ở đây bao gồm các hộ dân hiện đang sinh sống trong khu vực triển khai dự án.

Cũng theo Luật này, người dân đang thực hiện Điều 12 của Luật QHĐT 2017 về “Quyền tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch”. UBND quận Long Biên là cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, thực hiện và điều chỉnh quy hoạch phải tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch; tạo điều kiện cho cá nhân tham gia ý kiến về hoạt động quy hoạch”.

{keywords}
Hồ Bà Đồ (tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) chuẩn bị bị san lấp để phân lô, đấu giá đất ở

Nếu lý do lấp ao hồ tự nhiên để đào hồ điều hòa mới “chưa nhận được đồng thuận cao” và có thể điều chỉnh theo nguyện vọng của chính người dân có quyền lợi liên quan trực tiếp thì nên chăng các bên cùng ngồi lại bàn bạc cho thấu đáo sao cho lợi ích của các bên hài hoà cũng là cách làm mới, miễn là đừng xung đột tới những nhiệm vụ quan trọng như hạ tầng quốc gia, thành phố, an ninh quốc phòng...

Bản chất triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng khu dân cư cũng là cụ thể hoá sự quan tâm của các cấp chính quyền với ấm no hạnh phúc của người dân.

Không lẽ thay vì đem lại hạnh phúc cho dân lại biến thành cuộc làm nhân dân lo lắng, bất bình? Tất nhiên, người dân cũng cần có ý thức xây dựng chung tay cùng chính quyền chứ không thể lợi ích một chiều.

- Theo quận Long Biên, việc lấp các ao hồ tự nhiên do những hồ cũ không có hạ tầng kỹ thuật thoát nước, hệ thống cống thoát nước. Theo ông, nếu giữ lại hồ tự nhiên cũ, cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước để đấu nối hệ thống hồ cũ có phù hợp?

{keywords}
Hàng chục ao hồ tự nhiên của quận Long Biên "biến mất"

Như vậy là thể hiện trách nhiệm giải trình của UBND quận Long Biên. Tuy nhiên, thông tin này cho thấy lập luận mới một chiều từ cơ quan quản lý, trong khi người dân lại có ý kiến khác.

Trong tình huống chưa có tiếng nói chung thì nên chăng các thông tin liên quan cần được công bố công khai.

Từ các thông tin quy hoạch, dự án đầu tư, các thuyết minh kỹ thuật, khảo sát môi trường tự nhiên xã hội và có thêm cả các số liệu đầu tư tiền bạc rõ ràng, các bên cùng đưa ra các lập luận và cử ra các chuyên gia thì sẽ có những kết quả rất thuyết phục.

Nếu có đầy đủ các dữ liệu đầu vào, người dân có thể trông cậy các tổ chức tư vấn có chức năng đại diện tranh biện khoa học, thiện chí.

- Giải pháp giữ lại, cải tạo công năng các hồ cũ, theo ông có hợp lý, và có tiết kiệm ngân sách cho nhà nước?

Cá nhân tôi cho rằng chưa biết lợi - thiệt, tiết kiệm hay lãng phí tiền nhà nước hay tiền dân, chỉ riêng việc các bên liên quan lợi ích trực tiếp cùng bàn thảo đi đến thống nhất đã mang lại một khung cảnh dân chủ văn minh, tăng tình thân hữu trong dân cư, người dân với các cấp chính quyền địa phương rồi.

{keywords}
Tuyến đường 40m đi qua khu đất nông nghiệp, ao hồ "xen kẹt" đang được cho là lý do để chuyển đổi những khu đất này thành đất ở

Bàn bạc công khai, công bằng có gì là khó đâu, vừa thấu tình (chính quyền và người dân đồng thuận) lại đạt lý (theo quy định của Luật).

Còn giải pháp kỹ thuật thì vô cùng phong phú, linh hoạt, có nhiều cách thức để đạt được mục tiêu, có điều muốn có giải pháp hay thì phải có chuyên gia giỏi, chi phí tương xứng.

Giải pháp tồi nhất chính là giải pháp cứng nhắc do các nhà quy hoạch nghiệp dư thực hiện theo mệnh lệnh - họ làm cho xong chuyện nên vẽ ra thì dễ, mang ra làm là rất khó, hiệu quả thấp.

- Hà Nội đã từng có giai đoạn ao hồ tự nhiên bị lấn chiếm, san lấp hàng loạt, đến năm 2010, Thành ủy Hà Nội ban hành chủ trương rà soát, giữ lại những ao hồ tự nhiên để bảo vệ cảnh quan. Với 10 năm triển khai chủ trương vào thực tế, giá trị mang lại ra sao, những ao hồ tự nhiên nào đã được giữ lại qua chủ trương này, thưa ông?

{keywords}
Hồ Đầm Sen được người dân phường Ngọc Thụy quyết tâm giữ lại từ năm 2011

Cách đây hơn chục năm, các kiến trúc sư, những người hoạt động bảo vệ môi trường (nhất là di sản sông hồ Hà Nội) đã vô cùng phấn khởi, hào hứng đón nhận chủ trương này. Và thực tế đã có nhiều dự án cải tạo sông hồ Hà Nội được công bố triển khai rầm rộ, nhất là 2 địa phương Long Biên, Gia Lâm.

Tuy vậy, giống như tất cả các phong trào mạnh lúc đầu nhưng còn sớm rơi vào quên lãng, có nơi còn suy thoái nhanh hơn. Ví như bán đảo hồ Hoàng Cầu, trước cải tạo là nơi để trẻ nhỏ chơi trò, có lối đi dạo cho người già, nhưng sau cải tạo lại mọc ra cái nhà hàng tư nhân, báo đài nói mãi không chuyển, bây giờ vẫn lù lù ở đó.

Có thẻ nói một điểm yếu là phong trào phát ra thì to, động vào thì yếu hoặc biến tướng và hầu như không có ai nghĩ chuyện thống kê, kiểm đếm sau bao năm ao hồ tự nhiên còn hay mất.

Cái nhìn ra rõ nhất là năm nào cũng nói bảo vệ sông hồ, tiền đầu tư hàng năm không ngàn tỷ thì trăm tỷ, nhưng hầu hết hồ sông Hà Nội đều ô nhiễm, mặc cho rắc bột Rydoxy 3C, thả thiên nga, bè thuỷ sinh, sục khí, bio rector…, cá vẫn chết cả trăm tấn và rất nhiều sông hồ không con gì sống nổi.

Xin cảm ơn ông!

Kiên Trung thực hiện

Hàng chục ao, hồ tự nhiên của quận Long Biên 'biến mất'

Hàng chục ao, hồ tự nhiên của quận Long Biên 'biến mất'

Không riêng hồ tự nhiên 8.000m2 sắp bị lấp để phân lô bán nền theo... quy hoạch, nhiều ao, hồ trên địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) đã bị san lấp và bán hàng trăm triệu đồng/m2.