Tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian qua, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có quy định kiểm soát người đi lại bằng cách yêu cầu phải có xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp test nhanh hoặc PCR.

Giá xét nghiệm có lúc, có nơi bị loạn, nhiều doanh nghiệp hoạt động thiết yếu, nhiều cá nhân công việc bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm đã phải chi khoản tiền lớn cho việc xét nghiệm để đủ điều kiện thông hành.

CQĐT Bộ Công an đang làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit test Covid cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng.

{keywords}
Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt Á

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, để có tiền trích % cho Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương), ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt Á) đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của Công ty Việt Á.

Công ty Việt Á đã lại quả cho Phạm Duy Tuyên 27 tỷ đồng. Đây là số tiền được trích % trên tổng giá trị theo 5 hợp đồng.

Theo lời Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Công ty Việt Á đã bán được số vật tư y tế thu về doanh thu đến 4.000 tỷ đồng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, làm tăng giá xét nghiệm, gây thiệt hại đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân.

Vụ án này đã phần nào làm rõ nguyên nhân quan trọng khiến giá xét nghiệm Covid-19 tăng cao, khiến người xét nghiệm phải trả chi phí rất lớn.

Nỗi khổ lao động nghèo

Vào trung tuần tháng 12, tại một công ty sản xuất linh kiện phần mềm ô tô, nằm trong Khu công nghiệp VSIP I (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), nhiều công nhân tỏ ra bức xúc khi bị trừ tiền phí xét nghiệm RT-PCR Covid-19 vào số tiền lương ít ỏi.

Theo phản ánh của nhiều công nhân tại đây, khi nhận bảng lương tháng 11 vào ngày 10/12, họ "tá hỏa" khi thấy công ty trừ tiền phí xét nghiệm RT-PCR Covid-19 cao hơn bình thường, trong đó có người bị trừ số tiền khoảng 4,5 triệu đồng.

Theo danh sách trừ phí xét nghiệm công ty này đưa ra, hàng chục công nhân làm việc tại các bộ phận bị trừ phí xét nghiệm từ 1,9 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng.

Chị H.T.T. (công nhân sản xuất của công ty) cho biết, khi vào làm việc, chị được phía công ty yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR.

Đến thời điểm đầu tháng 12, chị đã làm xét nghiệm 3 lần, phía công ty cũng thông báo sẽ trừ phí xét nghiệm vào lương của công nhân.

Tuy vậy, nhận bảng lương, chị T. "tá hỏa" khi số tiền phí xét nghiệm bị trừ lên đến 4,5 triệu, gần hết tiền lương tháng của chị.

Còn anh L.V.H. (công nhân công ty) bức xúc cho biết, từ tháng 10 đến tháng 11, anh phải làm xét nghiệm 2 lần mới được vào công ty làm việc. Khi nhận lương anh mới biết mình bị trừ đến 3,2 triệu đồng phí xét nghiệm. Quá bức xúc, anh H. đã nghỉ việc.

Liên quan đến vụ việc doanh nghiệp trừ tiền xét nghiệm vào lương công nhân giá “trên trời” ở Bình Dương, hồ sơ cho thấy, Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam ký hợp đồng với Phòng khám đa khoa An Thuận (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) từ tháng 7/2021 để xét nghiệm cho công nhân của công ty.

Thời gian đầu, mức giá xét nghiệm thỏa thuận giữa hai bên là 1,9 triệu đồng/lần xét nghiệm (bao gồm thuốc và các chi phí phát sinh). Đến tháng 10 và 11, mức giá xét nghiệm hai bên thỏa thuận lại giảm còn 1,5 triệu rồi 1,3 triệu đồng...

Sáng 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhắc đến tình trạng người lao động phải bỏ tiền túi nộp tiền xét nghiệm Covid-19, có người phải nộp 4,5 triệu đồng như báo chí phản ánh ở Bình Dương.

Ông Tùng cũng nhắc đến việc đang gây bức xúc hiện nay là vụ “thổi giá” kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Theo ông, rất nhiều địa phương, kết quả đấu thầu giá kit test của Công ty Việt Á cũng rất cao, trên dưới 500 nghìn/kit.

Trong khi tại thời điểm báo chí phản ánh “loạn giá kit xét nghiệm” có đề cập đến việc, nếu mua của nước ngoài số lượng lớn, có khi chỉ 1-2 USD/1 kit test.

Đã đến lúc dẹp loạn 'sân sau' trong lĩnh vực y tế

Đã đến lúc dẹp loạn 'sân sau' trong lĩnh vực y tế

Thêm một vụ án gây rúng động trong ngành y, cho thấy sự suy thoái về đạo đức của một số cán bộ ngành này và hiện tượng "sân sau", phạm tội có tổ chức là rất rõ ràng.

T.Nhung