ATM-Oxy với thông điệp “Trao oxy-nối dài sự sống” ra đời ở TP.HCM, bắt đầu hoạt động từ ngày 2/8 sau thời gian ấp ủ ý tưởng chưa đầy một tuần.
Anh Hoàng Tuấn Anh - Cha đẻ ATM gạo và ATM-Oxy |
Cùng với nhóm tình nguyện viên PHGSmarthome và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Thành đoàn TP.HCM, anh Tuấn Anh đã bắt đầu chương trình đầy ý nghĩa của mình.
ATM - Oxy với cách thức hoạt động là cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị Covid-19 sớm hồi phục.
Nhận được cuộc gọi kêu cứu của người bệnh, các tình nguyện viện lập tức mang bình oxy tới tận nơi cho họ |
Những ATM-Oxy đặt trụ sở của quận đoàn tại 6 quận, huyện là: quận 7, quận 8, quận 9, quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh đã đi vào hoạt động.
Phương thức và thời gian hoạt động của ATM-Oxy cũng tuân theo thời gian thành phố cho phép ra đường. Thời gian tiếp nhận thông tin của người bệnh sẽ liên tục 24/24, nhưng việc vận chuyển tới nhà người bệnh chỉ được các tình nguyện viên thực hiện từ 8h sáng đến 17h hàng ngày, do thành phố đang thực hiện lệnh cấm ra đường từ 18h.
Theo anh Hoàng Tuấn Anh, hiện tại, các F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà nên không thể đem bình oxy đi đổi. Đặc biệt, trong giai đoạn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, số lượng giao hàng công nghệ cũng hạn chế, xe tải của các trung tâm sang chiết oxy đã quá tải, nhiều đơn vị đầu cơ đẩy giá bình lên cao.
Từ thực tế trên, việc tìm kiếm, mua, đổi bình oxy trở nên nan giải, nhất là với gia đình có người bệnh. Vì thế, ATM-Oxy ra đời với hy vọng sẽ góp phần giúp bệnh nhân, các F0 cách ly tại nhà giảm được khó khăn.
Bình oxy được các tình nguyện viên giao tận vào khu cách ly |
Cũng theo anh Hoàng Tuấn Anh, hiện tại ở các bệnh viện, thông thường 5-7 ngày mới thay vỏ bình oxy một lần nên sẽ có 5-6 bình để không. ATM-Oxy sẽ tăng cường đội xe đổi oxy hàng ngày cho các bệnh viện để nâng cao công xuất sử dụng bình lên 3-4 lần.
“ATM-Oxy cũng triển khai đổi bình oxy miễn phí tại nhà cho bệnh nhân, các F0; hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện; cho các bệnh viện mượn máy thở”, người sáng lập ATM-Oxy khẳng định.
Trong thời gian tới, nhóm tình nguyện viên PHGSmarthome sẽ cùng Thành đoàn TP.HCM lập trạm ATM-Oxy miễn phí tại tất cả quận, huyện và TP. Thủ Đức. Hội doanh nhân trẻ sẽ đứng ra huy động 900 bình oxy.
Chương trình ATM-Oxy sẽ giúp nhiều người bệnh đang trong tình trạng cấp thiết khi cách ly tại nhà.
Bình oxy được phân bổ về các trạm ATM |
Ngoài việc hỗ trợ bệnh nhân, các F0 tại nhà, trong giai đoạn 2, ATM-Oxy dự định hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 đến 10.000 bình.
Còn giai đoạn 3, ATM-Oxy sẽ cho các bệnh viện mượn tới sau này TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh, giảm dịch bệnh thì có thể hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước.
Do vừa đi vào hoạt động, hiện nay ATM-Oxy mới có 90 bình loại 8 lít, đặt đều tại 6 trạm ở 6 quận huyện của thành phố.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho hay, việc triển khai mô hình ATM- Oxy này là rất tốt, giúp cho người bệnh trong trường hợp cấp thiết khi họ chưa kịp đến các cơ sở y tế hoặc lực lượng y tế chưa thể tiếp cận.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cần phải có nhân viên y tế đi kèm để thực hiện các thao tác y tế trong việc hỗ trợ người bệnh lắp hệ thống oxy thở và kiểm tra hoạt động.
Về ý tưởng hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện, bác sỹ Khanh cho rằng việc làm này là rất tốt, bởi hiện nay các bệnh viện dã chiến đang cần nhiều bình oxy.
Trước đó, ngày 18/12/2020, bốn nhân vật truyền cảm hứng của năm 2020 do độc giả VietNamNet bình chọn đã được vinh danh. Danh sách “Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2020” đã gọi tên cô giáo Trương Thị Nhượng, "cha đẻ" ATM gạo miễn phí - Hoàng Tuấn Anh, sinh viên Ngô Minh Hiếu và nguyên Chủ tịch xã Bắc Trạch, Quảng Bình - Phan Thanh Miên (đã mất). |
Thanh Phương
ATM gạo 'tái xuất' hỗ trợ người dân trong khu cách ly ở TP.HCM
“ATM gạo” ở TP.HCM hoạt động trở lại nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi phải cách ly.