Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Minh Sang, lái xe Tiểu đoàn Thiết giáp, Bộ Tư lệnh TP.HCM, không may có đến 3 người thân là cha, mẹ và cha vợ đều mất vì Covid-19.

Là người anh cả trong đội công tác đặc biệt, Đại úy Sang đã có những chia sẻ về nỗi niềm của một người con, nhưng cũng là người lính làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân, thi hài, tro cốt người mất do Covid-19.

Đại úy Sang kể, trước tình hình số ca nhiễm và tử vong tăng cao hồi tháng 8, anh được Bộ Tư lệnh TP, Tiểu đoàn Thiết giáp giao nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt này.

{keywords}
Đại úy Lê Minh Sang được Quân khu 7 tặng bằng khen về những nỗ lực của mình.

“Tôi nhận thức sâu sắc, hơn bao giờ hết, cần phải góp công sức nhỏ bé của mình để giúp những gia đình có người thân không may mất vì Covid-19 yên tâm hơn và vơi bớt nỗi tang thương, mất mát”, Đại úy Sang nói.

Theo Đại úy Sang, anh nhận thức, thấu suốt quan điểm “ở đâu khó, ở đó có bộ đội”, “vì nhân dân phục vụ”, dù trong điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn (phải ở nhà thuê, vợ bị mất việc vì Covid-19, ở nhà chăm mẹ già và 2 con nhỏ), nhưng anh đã động viên gia đình; xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch với quyết tâm chính trị cao nhất.

Có thể nói, việc tiếp nhận, bảo quản, khâm liệm các thi hài thực sự là một nhiệm vụ rất mới, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt đối với những người chưa bao giờ thực hiện lần nào thì càng khó khăn.

Anh Sang kể, trong bộ đồ bảo hộ kín nhiều giờ liền, dưới cái nóng 40 độ, toàn thân ướt sũng mồ hôi; hay khi hoàn thành ca vận chuyển lại tắm mình trong dung dịch sát khuẩn, nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, anh và đồng đội đã làm việc quên mình, làm ngày làm đêm, dầm mưa dãi nắng.

“Nhiều tình huống khó khăn, phức tạp, nhưng có lẽ điều làm chúng tôi khó có thể quên được là những ngày vận chuyển hàng trăm thi thể, có những em nhỏ và người ra đi khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi”, anh Sang ngậm ngùi nói.

Người anh cả can trường

Khi được hỏi về nỗi đau riêng, giọng Đại úy Lê Minh Sang trùng hẳn xuống, nhiều quãng nói đứt đoạn như nghẹn lại. Anh cho biết, trong thời gian thực hiện nhiệm anh nhận được tin cha, mẹ, anh, chị, em ruột của mình đều bị dương tính với Covid-19.

“Những nỗi lo giằng xé tâm can... Có những đêm thức trắng, có những phút giây nghẹn đắng khi cha tôi, mẹ tôi và cha vợ tôi lần lượt qua đời vì Covid-19”, anh Sang nói.

{keywords}
Tro cốt người mất vì Covid-19 được quân đội đưa về tận nhà. Ảnh: Thanh Tùng

Đại úy Sang cũng chia sẻ, cùng một lúc 3 tháng mất 3 người thân yêu nhất, nhiều lúc cũng cảm thấy buồn lắm, nhưng cố gắng vượt qua.  

Nhất là, trong quá trình làm nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, như khi đi khâm liệm có 2 mẹ con bị Covid-19 mà mất.

“Từ những sự mất mát đó, dù rất buồn nhưng tôi luôn nỗ lực cố gắng, đồng thời động viên anh em làm tốt công việc đặc biệt này”, anh Sang bày tỏ.

Chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt, anh Sang cho biết, trước khi đi bộ đội anh có theo những đội làm công tác hỏa táng, tang lễ nên việc tiếp xúc với người mất có phần dạn dĩ. Nhưng đây là những người mất vì Covid-19 thì rất khó khăn, vì không thấy được con virus như thế nào.

“Là người anh cả, tôi phải động viên và làm công tác tư tưởng cho anh em rất nhiều. Có những chiến sĩ còn rất trẻ, chưa từng tiếp xúc với người mất bao giờ, nên khi vào nhiệm vụ, họ hoang mang lắm, không biết làm cách nào. Tôi đã phải làm trước, làm mẫu rồi anh em làm theo”, anh Sang bộc bạch.

Một áp lực nữa là các thao tác phải được tiến hành nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất và không sơ suất. Muốn vậy phải cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu bàn giao, tiếp nhận, từ cái tên, con số...

Anh Sang nghẹn giọng nói: “Đặt những người mất đó như mẹ mình mất, mình không về thăm được, không được nhìn mặt mẹ như thế nào. Từ đó, chúng tôi hết sức cẩn thận, dò kỹ để không bị nhầm lẫn và làm nhanh nhất để sớm đưa tro cốt họ về với người thân được chu đáo, nghĩa tình”.

"Mong sớm chiến thắng đại dịch Covid-19 để những chuyến xe đặc biệt của chúng tôi không còn phải lăn bánh, để tất cả chúng ta không còn phải chứng kiến những mất mát đau thương của nhân dân.

Tôi cũng tin tưởng rằng ở dưới suối vàng cha, mẹ của tôi cũng luôn tự hào về tôi; những người thân của tôi cũng sẻ chia, thấu hiểu với nhiệm vụ của một người lính trong quân đội, trong cuộc chiến này luôn đặt “sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết”, Đại úy Lê Minh Sang chia sẻ.

 

Lực lượng này là lực lượng thép

Trao đổi với PV VietNamNet, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, lực lượng này rất khó khăn. Họ phải đảm nhận khối lượng công việc một ngày rất lớn, với môi trường đặc biệt như vậy mà không một ai kêu ca, thoái thác nhiệm vụ. Chưa có ai tỏ ra mệt mỏi, phải thay thế lực lượng.

Gần 400 người, theo Bộ Tư lệnh TP.HCM trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thì lực lượng này gần như không thể thay thế.

Có điểm nữa là, làm việc với cường độ cao như vậy nhưng đòi hỏi rất chính xác. Từ việc bảo quản thi hài đến việc đánh số, sử dụng thẻ QR code riêng bằng thép, để nhận biết, có chế độ theo dõi và bàn giao, được thực hiện rất cẩn thận và nghiêm ngặt, để tránh tình trạng nhầm lẫn. Đây là một trong những yêu cầu cao nhất, vì đó là vấn đề tâm linh, không được phép để xảy ra sai sót.

 

Thu Anh

Bộ đội Quân khu 7 giúp dân chống dịch, làm nhiều việc chưa từng làm

Bộ đội Quân khu 7 giúp dân chống dịch, làm nhiều việc chưa từng làm

Nhiều chiến sĩ gia đình rất khó khăn, thậm chí mất cha, mẹ do nhiễm Covid-19, nhưng không một ai băn khoăn, chần chừ, tình nguyện ra trận và làm bất cứ nhiệm vụ gì, kể cả những việc vốn chưa từng làm, không dám làm.