Sáng sớm, đường dây nóng của nhóm thiện nguyện Giang Kim Cúc và Cộng sự đổ chuông liên hồi. Đầu dây bên kia giọng một người phụ nữ nấc nghẹn cầu cứu nhóm tới lo hậu sự giúp cho mẹ mình. Ngay lập tức, Phan Quế Chi và các thành viên vội vã mặc quần áo bảo hộ, chuẩn bị các vật dụng cần thiết.

Chưa đầy 1 tiếng sau, nhóm đã có mặt tại nhà người đã khuất. Họ nhanh chóng xuống xe, người đeo bình xịt khuẩn, người mang theo bao đựng xác, tốp khênh áo quan lặng lẽ tiến hành công việc.

{keywords}
Nhận được điện thoại cầu cứu, Quế Chi và cộng sự vội mặc đồ bảo hộ để tới lo hậu sự cho người vừa qua đời

Vốn là tiếp viên hàng không của hãng Bamboo Airways nhưng do dịch bệnh, các hãng đều giảm tần suất khai thác tối đa nên vài tháng nay Chi nghỉ ở nhà. Là người thường xuyên làm từ thiện từ 6 năm nay nên khi khu nhà cô ở gỡ phong tỏa, Chi lập tức tham gia vào nhóm Giang Kim Cúc.

{keywords}
Cộng sự phun khử khuẩn cho Quế Chi sau khi khâm liệm cho người đã khuất

Khi mới vào, Chi được phân công theo xe cấp cứu 0 đồng để hỗ trợ, đưa các bệnh nhân F0 đi cấp cứu. Số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, Chi và các cộng sự chạy xe liên tục từ sáng tới đêm, đưa hàng chục ca bệnh nặng tới bệnh viện kịp thời.

Từ cuối tháng 7, nhận thấy nhiều người mất vì Covid-19, trong khi lực lượng lo hậu sự cho họ đã quá tải, nhóm thiện nguyện Giang Kim Cúc quyết định chuyển sang hỗ trợ mai táng 0 đồng.

Chưa từng tiếp xúc với người chết, ngay từ lần đầu tham gia vào công việc mai táng, Chi không hề thấy sợ hãi mà chỉ thấy xót xa, bởi đa số những người mất vì Covid-19 đều không có người thân bên cạnh, cô độc trong chuyến đi cuối cùng của cuộc đời.

“Tôi đã lớn lên trên mảnh đất này, trong tình yêu thương của mọi người nên tôi nghĩ đã đến lúc mình trả ơn cho đất nước và những con người nơi đây”, cô lý giải về việc mình tham gia vào công tác thiện nguyện.

Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, số lượng người chết ngày càng gia tăng khiến Chi và các cộng sự căng mình từ sáng đến tối. Nhiều khi không có thời gian nghỉ để ăn cơm, cô và mọi người tranh thủ ăn ổ bánh mỳ trên xe.

Chi được phân công lo thủ tục giấy tờ, thỉnh thoảng khai thị cho người mất, kiểm đếm vật tư cho công tác tẩm liệm và đi thiêu.

{keywords}
Nữ tiếp viên hàng không Phan Quế Chi trên chuyến bay của mình

Chi kể, cách đây vài hôm, khi sư thầy đang khai thị cho một người phụ nữ, người con gọi video nức nở nói với sư thầy: “Thầy ơI ! Kéo túi tử thi ra cho con nhìn kỹ xem có phải mẹ con không Thầy, mẹ con mất 2 ngày nay ở trong đó rồi ạ. Ba con thì mất cách đó 4 ngày rồi, anh con đang hấp hối nữa. Cho con nhìn mặt mẹ con lần cuối nha Thầy.” Nghe những lời này của con nạn nhân, cả đội không ai kìm được nước mắt vì xót xa cho hoàn cảnh đau thương của gia đình họ.

Chi và mọi người trong nhóm biết rất rõ nguy hiểm luôn rình rập nhưng họ không sợ hãi, họ đến để lo việc mai táng hoàn toàn bằng cái tâm, bằng tình yêu thương của mình.

{keywords}
 Phan Quế Chi xinh đẹp ở đời thường

Chi nói, cô coi những người đã chết như người thân của mình nên không còn thấy sợ hãi, lo lắng.

“Tôi rất xót xa khi mỗi ngày chứng kiến quá nhiều sự mất mát đau thương của đồng bào mình. Đúng thật là công việc khá nguy hiểm nhưng nếu mình không làm thì ai sẽ làm. Vì thế mình cũng chẳng nghĩ gì nhiều, cứ lao ra làm được gì cho đồng bào thì làm”, Quế Chi tâm sự.

Chi và nhóm thiện nguyện của cô luôn cầu nguyện mình được nhàn nhã hơn, bởi nếu nhóm của Chi nhàn nhã nghĩa là Sài Gòn đã bớt đau thương, bớt đi những người xấu số.

Thanh Phương 

Chiến thắng Covid-19, chàng trai tiếp tục lái xe cấp cứu 0 đồng đi giúp bệnh nhân

Chiến thắng Covid-19, chàng trai tiếp tục lái xe cấp cứu 0 đồng đi giúp bệnh nhân

Mỗi khi nhận điện thoại cầu cứu từ người thân của các F0, tài xế Nghĩa luôn tìm cách có mặt nhanh nhất, bởi anh hiểu những người cần đến xe cấp cứu là lúc họ cần tới viện nhanh bằng phút, bằng giây.