Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP chiều nay, ĐB Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) cho rằng TP nên xây dựng mạng lưới giao thông thông minh, có chức năng cảnh báo cho người dân biết đường tắc.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hệ thống này nếu hoàn thành sẽ có chức năng cảnh báo cho người dân về đoạn ùn tắc, nhưng TP mới xây dựng được bản đồ ngập úng.
Hà Nội phấn đấu trước tháng 6/2020 sẽ xong trung tâm điều hành giao thông thông minh.
Khi đó, sẽ cung cấp bản đồ thực về ùn tắc giao thông cho người dân TP trên điện thoại di động.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Ông chia sẻ, khi bắt đầu xây dựng chương trình mục tiêu công nghệ thông tin của TP, TP đã mời tất cả các tập đoàn, công ty lớn làm công nghệ thông tin. Những tập đoàn lớn như Viettel đồng ý xây dựng trung tâm, FPT đăng ký nghiên cứu giao thông thông minh, CMC nghiên cứu bản đồ số về đất đai.
"Còn công ty Nhật Cường là xây dựng các dịch vụ công. Đây là cái khó nhất vì phải lọ mọ vào trong từ phường, xã, gặp cán bộ để hiểu về quy trình công tác thì mới số hóa được, những cái đó chẳng ai làm”, ông Chung nói.
Xử lý ô nhiễm phải bền vững chứ không phải năm một
Liên quan đến xử lý dòng sông, ao hồ, theo ông Chung, TP đang kêu gọi và có rất nhiều đơn vị tham gia, trong đó có công ty môi trường của Nhật Bản.
Ông Chung cho hay, công ty này được thử nghiệm làm sạch một góc hồ Tây và sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Trong quá trình đó, ông đề nghị, phải mời hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá nghiêm túc.
“Chúng ta đang có các nhóm nhà khoa học khác ở trong nước và quốc tế thực hiện thí điểm ở môi trường thực và cả trong phòng thí nghiệm. Tôi sẽ sớm công bố chương trình này”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Ông Chung cho rằng, từ môi trường thực mới biết nước thải ở các hồ của Hà Nội có những chất gì mới xác định được dùng chất gì để tạo ra phản ứng dây chuyền làm sạch.
Theo báo cáo, trên địa bàn TP hiện có 88/122 hồ, người dân hoàn toàn thấy hết mùi mà từ trước đến nay không làm được.
“Mọi người cứ phản ứng nhưng tôi thấy sản phẩm Redoxy 3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, tập đoàn này đã có 43 năm làm, đang cung cấp sản phẩm đến 55 nước. Các tập đoàn nước ngoài không đơn thuần sản xuất, người ta có những trung tâm nghiên cứu”, lãnh đạo TP nhấn mạnh.
Ông Chung cho hay, sản phẩm Redoxy 3C là do Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thế Hùng đi triển lãm gặp và đưa về. TP cũng cử chuyên gia sang trung tâm nghiên cứu của tập đoàn này.
“Họ sang tận đây lấy mẫu nước của chúng ta về phân tích và đưa ra giải pháp. Khi chúng ta làm thấy hiệu quả”, ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, TP sẽ cố gắng hợp tác với các nhà khoa học ở các nước để đưa ra các giải pháp tốt nhất nhằm xử lý được mùi, xử lý được ô nhiễm nhưng phải bền vững chứ không phải là năm một.
'Vụ nhà máy nước sông Đuống đáng ra không đến mức nóng lên như thế'
Ông Chung cũng thừa nhận công tác tuyên truyền của TP "có vấn đề", và qua các sự cố truyền thông vừa qua mới bộc lộ rõ điểm yếu.
Theo ông Chung, có tâm lý chung là các đơn vị không cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, ngại tiếp xúc nên cuối cùng thông tin bị sai lệch.
“Điển hình như vừa qua, có những sự việc đáng ra không đến mức nóng lên như thế nhưng tôi đánh giá chủ yếu là do truyền thông thôi, từ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông đến nhà máy nước mặt sông Đuống. Tất nhiên đằng sau đó nó thực sự có vấn đề, nhưng tôi tin các cơ quan cũng như người dân sẽ có đánh giá”, ông Chung nói.
Người đứng đầu UBND TP cho biết, trong các cuộc giao ban ông đều quán triệt thủ trưởng các đơn vị, người phát ngôn của TP phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.
“Việc tốt, việc xấu hay những điều chưa làm được thì cũng phải chủ động cung cấp cho phóng viên, báo chí. Trước mắt là có thông tin kịp thời để phản ánh đúng. Thứ nữa là phải chủ động tiếp cận để thông tin chứ không phải bị động”, ông Chung nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề nước sạch, Chủ tịch Hà Nội cho hay, theo tinh thần nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2020 phấn đấu 100% người dân ở đô thị và 50% người dân ở nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Vì vậy, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ này, bên cạnh đề xuất giao một cơ quan quản lý nước là Sở Xây dựng, TP cũng công khai xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị tư nhân vào đầu tư hệ thống cung cấp nước.
Theo ông Chung, đến nay đã có 23 nhà đầu tư vào đầu tư 38 dự án; 75% người dân ở nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị.
“Ngoài sự cố nước sông Đà không nói, duy nhất năm nay, các khu đô thị, chung cư không có tình trạng cắt nước nơi này để cấp nước nơi kia. Chúng ta có đủ nước để cấp cho người dân”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Còn về giá nước, ông Chung nhấn mạnh, từ năm 2013 đến nay là “ổn định, không có tăng giá gì cả”.
Hương Quỳnh
Ông Hoàng Trung Hải: Hà Nội vẫn dùng dịch vụ phần mềm của Nhật Cường
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, các dịch vụ phần mềm do Nhật Cường cung cấp vẫn đang được TP sử dụng.