Phát biểu tại hội nghị Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải sáng nay (13/7), Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở thời điểm tổng kết nhiệm kỳ, tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng. Có thể nói trong rất nhiều thành tựu, công tác dân vận là một trong những thành tựu ấn tượng của nhiệm kỳ này".

{keywords}
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Trách nhiệm, tấm lòng của hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng để hòa giải thành công

Mỗi câu chuyện hòa giải là kỷ niệm ấn tượng, xúc động

Ông Bình đánh giá các ý kiến tham luận tại hội nghị rất chất lượng, thực chất, hết sức tâm huyết và khẳng định tính ưu việt của chế độ. "Mỗi một câu chuyện hòa giải đều là những kỷ niệm ấn tượng, xúc động và khó quên trong cuộc đời làm hòa giải viên và chúng tôi đánh giá rất cao".

Chánh án TAND tối cao cho rằng, hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả các xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp, thậm chí các xung đột chính trị.

Chính vì vậy, trên cơ sở triển khai chỉ thị của Đảng, tổng kết thực tiễn xét xử và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Tòa án đã tiến hành thí điểm hòa giải tại một số địa phương. Với kết quả rất tính cực của thiết chế hòa giải, Tòa án đã xây dựng Luật Hòa giải và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao (hơn 90%). Luật có hiệu lực từ 1/1/2021.

Ông Bình kỳ vọng, với sự ra đời của luật này sẽ có một thiết chế hòa giải mới để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đã gửi đến Tòa án nếu như không hòa giải được thì phải mở phiên tòa xét xử.

“Có thể nói thực chất hòa giải của tòa án chính là công tác dân vận. Để hòa giải thành công không chỉ có hiểu biết pháp luật, có chuyên môn sâu mà điều quan trọng là phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm.

Tất cả vụ án hòa giải thành công đều có phương pháp dân vận khéo, vận động chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ cảm thông của các bên tranh chấp", ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

{keywords}
Hội nghị Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải sáng 13/7. Ảnh: Đình Nam

Để thiết chế hòa giải tại tòa án cũng như hòa giải cơ sở và hòa giải trong tố tụng thành công, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh đến trách nhiệm, tấm lòng của hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng để thành công.

Đề cập đến công việc trong thời gian tới, ông Bình đề nghị tất cả tòa án, đặc biệt là các thẩm phán phải xem nhiệm vụ hòa giải như là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trong không chỉ giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà giải quyết các nhiệm vụ dân vận của Đảng.

"Chính vì vậy các thẩm phán phải tham gia đầy đủ tất cả thiết chế hòa giải từ hòa giải cơ sở đến hòa giải tại tòa án đến thiết chế hòa giải theo tố tụng", Chánh án TAND tối cao nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý thời gian còn lại để triển khai Luật Hòa giải chỉ còn mấy tháng,  để đưa luật vào cuộc sống, rất nhiều việc phải làm, đề nghị Ban Dân vận các địa phương, các cấp ủy quan tâm chỉ đạo để đưa bộ luật này vào cuộc sống.

Hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%

Báo cáo của Ban cán sự đảng TAND tối cao về công tác dân vận trong hoà giải tại toà án cho biết, trong tố tụng dân sự, TAND gắn với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Báo cáo nêu rõ, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự cũng là một trong những giải pháp mà Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TAND tối cao đã đề ra và quán triệt đến các cấp tòa án để tích cực triển khai thực hiện.

Theo thống kê của TAND tối cao, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm.

Cụ thể, năm 2016, các tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ, bằng 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết. Năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%. Năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%. Năm 2019 là 201.995 vụ, đạt tỷ lệ 52,1%.

Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và nhà nước; xây dựng tình làng, nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

TAND tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8/2018).

Sau đó mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019). Tại 16 tỉnh, thành phố đã thành lập được 124 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND.

Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm tại Hải Phòng, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%; và gần 10 tháng tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%.

Kết quả thí điểm này được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới...

Thu Hằng

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lên tiếng trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lên tiếng trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải

“Câu chuyện đặt ra là có oan sai? Tôi sẽ trả lời câu hỏi Hồ Duy Hải có oan sai, có phạm tội hay không?”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội.