Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) chiều nay, Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ là cấm hình thức này.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UB Thường vụ QH trình 2 phương án để QH xem xét, quyết định.
Phương án 1: Giữ quy định như dự thảo luật, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Phương án 2: Không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như luật Đầu tư hiện hành.
Đòi nợ bằng vũ lực
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, trên thực tế, gần như trong tất cả các trường hợp chủ nợ yêu cầu con nợ trả tiền, nhưng con nợ không có tiền hoặc là có tiền nhưng không chịu trả thì chủ nợ mới nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê.
ĐB Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Minh Quang |
Theo bà, thông thường cái mà chủ nợ thường nghĩ đến và hướng tới là việc dùng hành vi bạo lực, đe dọa dùng bạo lực để đòi tiền hoặc chỉ để “dằn mặt” cho bõ tức.
Nữ ĐB dẫn báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, TP trực thuộc TƯ có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 DN đăng ký.
Quá trình hoạt động, nhiều DN không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội.
Bà Hoa đánh giá, quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch "đòi nợ thuê" như đang diễn ra, trên thực tế hiện nay thực chất là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy định.
Với những lý do nêu ra, ĐB Phương Hoa đồng ý với phương án là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng tán thành với phương án cấm hình thức này.
Theo ĐB Sơn, có một lập luận cho rằng nếu như người dân đi đòi nợ theo một con đường hợp pháp thì lại không lấy được nợ. Vì vậy, họ tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê.
Ông cho rằng, chúng ta phải rà soát lại hệ thống pháp luật và các hoạt động của các cơ quan tư pháp Nhà nước liên quan đến việc này để phục vụ cho người dân tốt hơn.
Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng và An ninh Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân bày tỏ quan ngại về dịch vụ đòi nợ thuê vì thực tế thời gian vừa qua, đa số các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm xã hội đen.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đóng góp của loại ngành nghề này vào ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội không đáng bao nhiêu.
ĐB Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: Minh Quang |
Bà Xuân cho hay, hiện nay, trong hệ thống pháp luật của chúng ta đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình. Đây cũng là các thiết chế xử lý khi có tranh chấp.
“Tại sao chúng ta lại không hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh, đúng quy định pháp luật của hoạt động đòi nợ này?”, nữ Thiếu tướng đặt câu hỏi.
ĐB bày tỏ chưa yên tâm bấm nút nếu chọn phương án 2 và cũng tha thiết đề nghị QH cân nhắc khi chọn phương án 1.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói không thể không cấm đòi nợ thuê. Bởi, nhân viên toàn là xăm trổ, công cụ lao động là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.
"Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì gây hoang mang xã hội, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội", ông Bộ lo ngại.
'Chưa quản đã cấm'
Tranh luận về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng không nên cấm: "Chỉ nên đặt vấn đề cấm khi đó là giải pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để quản lý thì mới cấm...
Nghị định quản lý dịch vụ đòi nợ thuê có từ năm 2007 đến nay đã được 13 năm, có nhiều điểm bất cập, không phù hợp để kiểm soát tác động tiêu cực của hoạt động này".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Minh Quang |
ĐB Quảng Trị đặt ra 2 vấn đề, thứ nhất quan trọng người chủ trì, người chịu trách nhiệm quản lý. Trong dịch vụ đòi nợ, phát sinh lớn nhất là tình trạng bạo lực, quấy rối, những cán bộ ngành tài chính rất khó xử lý được.
Thứ 2, cơ quan cấp phép dịch vụ đòi nợ thuê, giống như cấp phép DN thông thường rất dễ đáp ứng.
"Đáng lý, cơ quan công an nên đứng ra làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý, tương tự như dịch vụ cầm đồ, bảo vệ. Nhưng nghị định lại không nhắc gì đến trách nhiệm phối hợp của cơ quan công an, do đó cần thiết đưa ngành dịch vụ này về cho công an quản lý", ông Đồng nói.
ĐB bày tỏ, bản chất của vấn đề tìm thấy sự cân bằng, nếu quản lý chặt quá thì dịch vụ không phát huy được hiệu quả, ngược lại nếu thả lỏng như hiện nay thì gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
"Nhiều người nói không quản được thì cấm nhưng tôi xin đính chính lại là chưa quản đã cấm trong khi đó trên thế giới chưa nước nào cấm hoạt động này, quan trọng là tìm được điểm nào quản lý phù hợp, hài hòa và cân bằng".
Theo ông Đồng, cần giao nhiệm vụ rõ ràng cho Bộ Công an quản lý trong thời gian tới.
Hương Quỳnh - Trần Thường
Bộ Công an phối hợp với Nhật điều tra nghi vấn cán bộ nhận hối lộ 5,4 tỷ
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, phía Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản điều tra, làm rõ nghi vấn công ty Tenma hối lộ 5,4 tỷ cho cán bộ, công chức ở Bắc Ninh.