Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 9/11, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội (đoàn Hà Nội), cho biết một trong những dấu ấn của ngành công an 2021 là đã hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ trong thời gian ngắn đã cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.

Ông nhấn mạnh, đây là 2 dự án lớn về công nghệ thông tin có phạm vi toàn quốc, triển khai trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, đã hoạt động đúng tiến độ chỉ sau 1 năm.

Tại hội nghị tổng kết 2 dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá đây là một trong những hình mẫu về đầu tư công hiện nay.

"Nếu như dự án nào cũng được triển khai với tính thần quyết liệt, dứt điểm như thế này thì đầu tư công của chúng ta sẽ rất hiệu quả"- ông Trung nói.

{keywords}
Người dân Hà Nội được công an làm căn cước công dân điện tử. Ảnh: Phạm Hải

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho rằng rằng việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế, xã hội số...

"Vì đây là dữ liệu gốc rất chính xác về công dân Việt Nam với gần 100 triệu thông tin được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên bởi trên 50.000 cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã trên toàn quốc", ông phân tích.

Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an triển khai gắn mã số định danh cá nhân cho 100% công dân toàn quốc, mã số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân gắn chip.

Hơn 50 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip với độ bảo mật cao, có thể tích hợp nhiều thông tin mở ra nhiều cơ hội để phát triển tiện ích phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế, xã hội.

Theo Giám đốc Công an Hà Nội, trong phòng, chống dịch cho thấy hiệu quả bởi từ dữ liệu gốc các ngành đã kết nối dữ liệu tiêm chủng để phát triển, thống nhất các ứng dụng, khắc phục tình trạng "loạn" ứng dụng chống dịch.

Nghị quyết 128 của Chính phủ xác định kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người mắc Covid-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất ứng dụng với mã QR trên thẻ căn cước công dân hoặc hình thức phù hợp với người chưa có thẻ căn cước công dân phục vụ đi lại của người dân và phòng chống dịch.

Ông bày tỏ, đây là chủ trương đúng đắn cần được các ngành khẩn trương triển khai.

Dẫn chứng cụ thể, lãnh đạo Công an TP Hà Nội thông tin Bộ trưởng Công an và Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thống nhất ứng dụng thẻ căn cước công dân có tích hợp dữ liệu tiêm chủng để kiểm soát người đến SVĐ Mỹ Đình trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 11/11 tới đây.

"Điều này sẽ mang lại sự tiện lợi lớn và là bài học để quản lý các hoạt động xã hội khác trong điều kiện bình thường mới", ông cho biết. Ngoài ra, tiềm năng của 2 dự án này là rất lớn có thể phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, chuyển đổi số...

Xây dựng chiến lược truyền thông về chống dịch

ĐB Đặng Xuân Phương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) bày tỏ quan tâm đến chiến lược thông tin truyền thông về dịch bệnh. Ông cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá xác đáng về lĩnh vực này vì sự ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

{keywords}
ĐB Đặng Xuân Phương

Theo ông, Chính phủ có chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như phục hồi kinh tế; truyền tải nhanh nhất đến mọi người dân thông qua các thông điệp ngắn, gọn, rõ.

Các thông điệp phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, ông Phương cho rằng cần xây dựng hình ảnh lãnh đạo khi tham gia chống dịch.

Ngoài ra, theo ông Phương, sản phẩm thông tin giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng là món ăn tinh thần không thể thiếu với mọi người dân. Nhưng hiện nay các sản phẩm này đang được phát tràn lan trên các nền tảng số xuyên quốc gia gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các kênh truyền hình trong nước.

Để khắc phục, nhiều đài trong nước chọn phát chương trình nước ngoài phù hợp với thị hiếu để thu hút người xem vào giờ vàng, giúp tăng doanh thu quảng cáo. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan cần phải quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng phim, chương trình giải trí trong nước, để hướng tới xuất khẩu.

ĐB Phạm Nam Tiến (Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ban Nội chính Trung ương), nhắc đến tác động của đại dịch trong lĩnh vực thông tin truyền thông, nhiều báo phải cắt giảm, thậm chí phải tạm ngừng sản xuất báo giấy. Nhưng các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò của mình trong cuộc chiến chống dịch.

{keywords}
ĐB Phạm Nam Tiến

Bên cạnh dịch Covid-19 chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch khác lây lan nhanh không kém, đó là tin giả, thông tin sai sự thật. Báo chí góp phần tích cực vạch trần tung tin giả, làm tốt nhiệm vụ trong việc phòng chống dịch.

Nêu thực tế thông tin xấu, độc trên mạng xã hội còn khó kiểm soát, ông Tiến cũng nhìn nhận còn chưa có sự thống nhất thông tin cho báo chí.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa làm tốt công tác thông tin và tuyên truyền, ban hành văn bản hướng dẫn làm người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng.

Đặc biệt, còn thiếu vắng kế hoạch tổng thể và quan điểm ứng phó với dịch ở tầm quốc gia, nhiều địa phương chủ động làm theo điều kiện ở địa phương mình mà không có sự hợp tác với địa phương khác. Các số liệu chuyên môn ít chất liệu, ít phân tích khiến thông tin nhiều trường hợp gây ra sự hoang mang. Những yếu tố đó làm công tác truyền thông trở nên bị động.

Trần Thường - Hương Quỳnh