Sáng nay (16/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ĐB cho ý kiến là việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GVT chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý

Đề nghị trình luật sang Quốc hội khoá 15

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm chưa tách luật vì “không hợp lý” và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bà đề nghị Chính phủ giải trình tính hợp lý trong quá trình xây dựng 2 luật riêng này.

“Khi cái hợp lý và hợp pháp xung đột với nhau thì tiềm ẩn nhiều hệ luỵ”, bà Thuý nhận định và cho rằng có 3 hệ luỵ dễ nhận thấy.

Đó là kỷ cương phép nước khó được tuân thủ; dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội.

Nữ ĐBQH đoàn Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, quy định hiện hành, ngành giao thông vận tải được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, với 5 mục tiêu “không thể tách rời” là: an toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường.

“Việc tách luật giao thông đường bộ thành 2 hay nhiều luật chỉ có thể thực hiện khi mà yêu cầu đó xuất phát từ đòi hỏi nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành giao thông vận tải để thực hiện tốt hơn 1 hay 2 trong 5 mục tiêu trên”, bà Thuý nhấn mạnh.

Từ đó, bà Thuý đề nghị, dự thảo Luật Giao thông đường bộ nên sửa đổi theo hướng Bộ Giao thông- Vận tải  tiếp tục chủ trì chính trong quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ; đồng thời phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để tránh trùng lặp.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

{keywords}
ĐB Trần Thị Dung

Bà dẫn chứng, việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập, nhất là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ cũng không chỉ ra những bất cập mà cần có sửa đổi bổ sung.

Hay chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo sát hạch liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

“Lực lượng thanh tra giao thông hiện đang gắn liền với giao thông đường bộ, như vậy lực lượng này có tiếp tục tồn tại hoạt động và thực hiện chức năng của mình nữa hay không, nếu không thì trong báo cáo đánh giá tác động cũng không thể hiện rằng lực lượng này làm gì”, ĐB Dung nói.

Theo ĐBQH, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua, tên của luật là dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nay tách thành 2 dự án luật, việc này chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Như vậy liệu tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có còn nguyên nghĩa?

Nữ ĐB tỉnh Điện Biên cũng cho hay, từ nay đến kỳ họp thứ 11 thời gian không nhiều, sẽ không đủ thời gian để làm rõ tất cả vấn đề này, đặc biệt với cơ quan chủ trì thẩm tra. Bà cho rằng cần phải có thời gian nhiều hơn nữa để xem xét đánh giá.

“Cá nhân tôi cho rằng để đảm bảo một cách chắc chắn thì nên để dự án luật này trình Quốc hội khoá 15”, ĐB Dung nêu ý kiến.

Tách luật sẽ trở nên khô cứng và vô nghĩa

ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) thì cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô, ôtô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an là chưa thuyết phục.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Sinh

Theo ông Sinh, hiện nay có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô với hệ thống vật chất trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, phù hợp thực tế. Ngành Giao thông Vận tải đã triển khai đầu tư trang thiết bị hiện đại trong việc cấp, đổi giấy phép lái xe.

Toàn bộ cơ sở vật chất giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông vận tải có nguy cơ lãng phí trong khi Bộ Công an phải đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém ngân sách.

Ông Sinh cũng cho rằng, thực tế hiện nay tất cả các văn bản giấy tờ đều có thể làm giả, vậy thì giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh thư cũng không ngoại lệ.

“Nếu như cứ xuất hiện giấy tờ giả, tiền giả đang thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan này mà lại chuyển sang trách nhiệm của cơ quan quản lý khác thì rất không hợp lý, gây rối xã hội”, ông nói.

Từ tình hình trên, ông Sinh đề nghị Quốc hội không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật”, ông đề nghị.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến, Chính phủ tách luật Giao thông đường bộ làm 2 thì bản thân Chính phủ cũng không thống nhất được và để 2 phương án để Quốc hội thảo luận.

Ông Xuyền cho rằng, Quốc hội không phải là cơ quan làm chính sách mà chỉ nghiên cứu trên hồ sơ dự án luật để đánh giá.

Đại biểu Xuyền cũng cho rằng, nếu tách ra thì trở nên khô cứng và vô nghĩa và đề nghị để luật cho Quốc hội khóa 15.

Mong Quốc hội khóa 14 ban hành luật

Khác với các ĐB trên, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) bày tỏ, việc tách luật được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Thủ tướng cũng có ý kiến đồng ý.

{keywords}
ĐB Nguyễn Tiến Sinh

“Vì vậy tôi ủng hộ lựa chọn của Chính phủ và Thủ tướng vì tôi thấy việc này có lợi cho nhân dân và đất nước”, ĐB Sinh nói.

Trước nhiều ý kiến không đồng ý tách 2 luật, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị chủ tọa kỳ họp xin ý kiến của ĐBQH xem có tách hay không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay Quốc hội mới thảo luận tiếp dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu không đồng ý thì không thảo luận tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc đưa 2 dự án luật thảo luận không vi phạm quy trình. Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội, Quốc hội nhất trí chương trình kỳ họp và thảo luận 2 luật.

Bà cho hay, để có suy nghĩ cho chắc chắn thì chiều nay vẫn thảo luận Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Nhiều người vẫn chưa bày tỏ chính kiến, vẫn còn ý kiến khác nhau. Có thể có những vấn đề liên quan tổ chức bộ máy, năng lực quản lý Nhà nước, cán bộ, nâng cao năng lực quản lý hạ tầng, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước… nên chiều vẫn thảo luận”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói cảm ơn và hết sức lắng nghe ý kiến của các ĐBQH góp ý về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và có những điều liên quan đến Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

{keywords}
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng cho biết, chiều nay các thành viên Chính phủ sẽ có giải trình với Quốc hội kỹ hơn về các vấn đề liên quan.

Trên nền tảng góp ý cả hai luật, Chính phủ và Quốc hội sẽ quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tới.

Về thời điểm ban hành, Bộ trưởng mong Quốc hội xem xét bởi vì nội dung hai luật tương đối đầy đủ, cũng bóc tách từ luật Giao thông đường bộ cũ. Đồng thời mong Quốc hội khóa 14 ban hành luật.

“Nếu để sang Quốc hội khóa 15 thì chúng tôi e rằng có thể kéo dài một năm nữa và như thế thì những vấn đề bất cập hiện nay không được giải quyết”, ông Thể nói.

Đại biểu QH băn khoăn việc chuyển quyền cấp GPLX sang Bộ Công an

Đại biểu QH băn khoăn việc chuyển quyền cấp GPLX sang Bộ Công an

ĐB Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề, nếu để Bộ Công an cấp bằng lái xe, vậy với bằng lái máy bay, tàu hỏa, tàu thuỷ... thì Bộ Công an có làm không?  

Hương Quỳnh