Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 20/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, khó khăn trong sản xuất dẫn đến tình trạng phải đóng cửa doanh nghiệp (DN), một số đơn vị khác duy trì hoạt động nhưng ở mức cầm chừng và không đảm bảo công suất. Đại bộ phận người lao động mất việc và không có thu nhập.

Như vậy, những người dân đã khó khăn trước đây do giãn cách xã hội kéo dài thì nay lại tiếp tục khó khăn, đồng thời những trường hợp trước đây có cuộc sống cơ bản nhưng do dịch bệnh kéo dài, cũng trở thành những người khó khăn.

Lãnh đạo TP nhận thấy, đây là bộ phận rất quan trọng, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của TP dù có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay là người lưu trú. Trong thời gian bình thường, họ đóng góp cho sự phát triển của TP; lúc khó khăn, không vì lý do gì mà TP không quan tâm, hỗ trợ các đối tượng này.

{keywords}
Lãnh đạo TP.HCM trao quà cho một hộ dân khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Như Sỹ 

Vì những lý do trên, nguyên tắc hỗ trợ của gói hỗ trợ thứ 3 là đảm bảo những người khó khăn đều phải được chăm lo. Khó khăn cũ càng khó khăn, khó khăn mới bổ sung thêm vào. Đảm bảo chia đúng, chia đủ, lập danh sách không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt hộ khẩu thường trú, tạm trú hay lưu trú. Đặc biệt, không để xảy ra hiện tượng trục lợi cá nhân khi thực thi chính sách.

Số lượng người dự kiến hỗ trợ của gói 3 là 7,3 triệu người, mức hỗ trợ 1 triệu/người. Tổng kinh phí khoảng 7.300 tỷ. Trước đó, tổng kinh phí cho gói hỗ trợ số 1 và số 2 của TP.HCM là khoảng 6.000 tỷ.

‘Có người ngồi nhà làm việc vẫn nhận trợ cấp’

Theo Phó Chủ tịch TP.HCM, bốn nhóm đối tượng được hỗ trợ bao gồm:

-Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo và người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.

-Người lao động có hoàn cảnh thực sự khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách kéo dài. Đang thực tế có mặt tại địa phường, xã, thị trấn bao gồm cả những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế nên không thể có mặt tại địa phương.

-Người phụ thuộc của những đối tượng nhóm 2 bao gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng hoặc các con ở nhà nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc và đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát hoặc ở khu cách ly, bệnh viện.

-Người lưu trú tạm thời tại các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thực sự khó khăn trong thời gian TP giãn cách và đang có mặt tại các địa bàn phường, xã, thị trấn.

“Đối tượng của gói hỗ trợ thứ 3 không khác so với gói 2, nhưng số lượng tăng lên nhiều vì hỗ trợ tính bằng người chứ không tính bằng hộ. Gói 3 sẽ loại trừ những người được hưởng lương từ quỹ tiền lương của các DN bởi có trường hợp đang đóng cửa làm việc ở nhà vẫn nhận hỗ trợ nên phải lọc ra. Tuy nhiên, cũng có người nằm trong diện vẫn từ chối nhận hỗ trợ vì thấy không cần thiết”, ông Hoan nói.

Mục tiêu của chính quyền TP là tránh bất công bằng trong quá trình hỗ trợ để nhiều người hưởng được chính sách. Do vậy, gói hỗ trợ này được thực hiện chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách. Cấp phường sẽ có Hội đồng xét duyệt, khu phố có Tổ kiểm tra, rà soát danh sách ở từng địa bàn. TP.HCM cũng sử dụng trường dữ liệu của Bảo hiểm xã hội, lọc một phần cơ bản những đối tượng không thuộc diện hỗ trợ.

Trần Chung

TP.HCM: Dân hỏi ‘làm sao để được nhận gói 1,5 triệu nhanh nhất?”

TP.HCM: Dân hỏi ‘làm sao để được nhận gói 1,5 triệu nhanh nhất?”

Ngày 8/9, nhiều bạn đọc tiếp tục phản ánh đến báo VietNamNet về việc chưa nhận được gói hỗ trợ và lo không biết phải chờ đợi bao lâu khi giãn cách kéo dài, cuộc sống ngày càng khó khăn.