XEM CLIP:

Cuộc họp triển khai thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách toàn thành phố do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì từ 19h30 tối 8/7. Cuộc họp báo diễn ra khi các lực lượng đã vào vị trí, chuẩn bị thực hiện các biện pháp theo cấp độ của Chỉ thị 16 về giãn cách toàn TP.

Khoanh vùng triệt để, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng

Chủ trì cuộc họp báo, Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức thông tin nhanh về việc đã tổ chức xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời cho biết những công việc đã, đang triển khai trong thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

{keywords}
Các lực lượng chức năng tập trung dập dịch trong cộng đồng

 Ông Đức thông tin, trưa ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16.

Văn bản trên nêu rõ, căn cứ vào tình hình dịch, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở có kế thừa, có đổi mới. Việc triển khai các biện pháp trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần. Thành phố không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội, và hướng tới mục tiêu nhằm khoanh vùng triệt để, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng.

UBND TP chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, sở ngành… thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, trong đó nhấn mạnh phải tận dụng 15 ngày giãn cách để kiểm soát phòng, chống dịch, đẩy lùi dịch, đưa thành phố quay lại cuộc sống bình thường mới.

Theo ông Đức, thành phố thực hiện giãn cách xã hội diện rộng, nhưng vẫn duy trì các hoạt động thiết yếu và sản xuất (nếu bảo đảm an toàn).

Ông Đức nhấn mạnh, tinh thần là ngưng các hoạt động không cần thiết, dừng các cuộc họp không cần thiết, không nhận hồ sơ trực tiếp mà qua trực tuyến (trừ các trường hợp có quy định riêng).

Tuy nhiên, trong duy trì giao thông dù hạn chế trên đường nhưng vẫn phải bảo đảm lưu thông hàng hóa, vận chuyển hàng hóa thiết yếu để duy trì đời sống người dân.

Thành phố tiếp tục cho phép các siêu thị, cửa hàng hoạt động bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân. Các hoạt động y tế, đảm bảo an ninh trật tự phải được vận hành ở mức cao nhất. 

Ông Đức cũng cho biết, trong văn bản chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế và các sở, ngành có nhiệm vụ tập trung chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, các cơ sở chữa bệnh, cách ly đảm bảo cho các tình huống xấu.

Ngoài ra, mặc dù đang thực hiện giãn cách, nhưng Sở Y tế vẫn phải thực hiện nhiệm vụ triển khai tiêm vắc xin cho người dân an toàn, đúng tiến độ, đạt mục tiêu 2/3 dân số được tiêm trong năm nay.

Cấm bán đồ ăn mang về, cho phát cơm từ thiện nếu giãn cách 

Tại cuộc họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt những câu hỏi người dân quan tâm, liên quan đến nhu cầu sinh hoạt, buôn bán của người dân.

Cụ thể, việc dừng hoạt động dịch vụ ăn uống mang về có đi kèm với yêu cầu đóng cửa quán?. Đáp lời, ông Đức khẳng định, với dịch vụ ăn uống mang về, thành phố đã nói rõ rồi. Trước đây trong Chỉ thị 10 của thành phố chỉ cấm ăn uống tại chỗ, nay cấm thêm cả mua hàng ăn mang về.

Về hoạt động của các cửa hàng tạp hóa, ông Đức khẳng định, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa vẫn được hoạt động, nhưng không chở người. Ông cũng nói rõ, chỉ những dịch vụ thiết yếu mới được hoạt động.

{keywords}
TP.HCM cấm hoạt động dịch vụ ăn uống bán mang về

"Tạp hóa nếu bán hàng hóa thiết yếu thì được hoạt động, bán hàng hóa không thiết yếu thì ngưng", ông Đức nhấn mạnh.

Về thông tin hoạt động phát cơm thiện nguyện, liệu có phải dừng lại?, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nếu việc phát cơm từ thiện được thực hiện ngăn nắp, trật tự và thực hiện giãn cách, không quá 2 người thì được phép duy trì.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, với Chỉ thị 16 mà thành phố thực hiện, sẽ có nhiều hoạt động ràng buộc, vì vậy, ông mong người dân chia sẻ, ủng hộ.

Phóng viên báo VietNamNet đặt câu hỏi: Trong nhiều đợt giãn cách xã hội, UBND TP có nêu địa phương nào để bùng phát dịch thì thủ trường sở, ngành… phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch TP. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy xử lý trách nhiệm dù một số địa phương để bùng phát dịch?

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, vấn đề quy định trách nhiệm với các sở, ngành đã nêu rất rõ. Tuy nhiên, khi xảy ra bùng phát dịch là tình huống không ai mong muốn, chúng tôi sẽ xem xét nếu thiếu trách nhiệm, sao nhãng để sự cố xảy ra thì phải xử lý. Tuy nhiên, ông Đức cũng khẳng định, việc xử lý trách nhiệm sẽ được cân nhắc vào thời điểm phù hợp.

Doanh nghiệp có nguy cơ cao buộc dừng hoạt động 

Phóng viên tiếp tục nêu câu hỏi thành phố có tính đến việc dừng hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp khi dịch tấn công vào?, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện dịch có ở các khu và được công bố từng ngày, tuy nhiên chúng ta đang kiểm soát được.

Theo ông, chủng virus Ấn Độ có tốc độ lây rất lớn. Ông ví dụ khi ngồi gần nhau trong phòng kín, nếu có F0 sẽ lây lan rất nhanh. Do đó, các DN an toàn thì vừa cách ly, vừa sản xuất, phải phân ca, chia kíp để hoạt động.

Ông Đức cũng thông tin, thực tế có DN đã bị yêu cầu dừng hoạt động vì thiếu tiêu chí an toàn, có nguy cơ cao. DN muốn hoạt động trở lại thì phải cải thiện và chứng minh với tổ công tác là đã đảm bảo được các tiêu chí an toàn, khi đó mới cho hoạt động lại.

Hiện nay, TP cũng rất mong sự hợp tác từ phía DN để thường xuyên kiểm tra sức khỏe, test nhanh cho người lao động, sớm phát hiện nguồn lây, chặn dịch.

Về thực hiện giải quyết hành chính, ông Đức cho biết, khi giãn cách xã hội thì hoạt động chậm lại, đương nhiên ảnh hưởng đến việc xử lý các hồ sơ. Tuy nhiên với sự quyết tâm của TP và ứng dụng công nghệ thông tin, khi đó sẽ bù lại năng suất lao động, cố gắng giải quyết tốt nhất nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ sẽ ưu tiên giải quyết những gì bức thiết nhất, trường hợp có xảy ra chậm trễ, rất mong người dân thông cảm. Theo ông, đây là thời điểm TP vừa thực hiện song song nhiệm vụ chống dịch, vừa duy trì các hoạt động đến mức tối đa.

Nói thêm về nhu cầu bán hàng, mua hàng, ông Đức cho biết, nhu cầu thì rất nhiều, nhưng vì an toàn cho TP, cho người dân, để sớm đưa TP trở lại cuộc sống bình thường, vì mục tiêu đó, trước khi quyết định thành phố cũng rất cân nhắc.

"Những lĩnh vực cấm hoạt động thì chúng tôi mong người dân chia sẻ, vì phải thực hiện điều đó để đạt mục tiêu quan trọng là chặn và đẩy lùi dịch", ông Đức nói.

{keywords}
Người dân TP.HCM ra đường chiều nay, trước giờ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Trương Thanh Tùng

7 lực lượng tham gia ở mỗi chốt kiểm soát

Về giao thông đi và đến thành phố, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở GTVT cho biết, kể từ ngày 9/7, các loại xe bị cấm theo tinh thần văn bản hướng dẫn của Chỉ thị 16 sẽ ngưng hoạt động.

Các xe liên tỉnh không đi qua địa bàn thành phố. Dừng tất cả xe hai bánh shipper, xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống. Chỉ còn xe hai bánh chở hàng được phép hoạt động, nhưng phải bảo đảm an toàn chống dịch.

Với xe đưa rước công nhân, chuyên gia… được phép hoạt động. Hai hãng xe Mai Linh và Vinasun được cấp phép theo số lượng trực và chở người đi và đến bệnh viện.

Đối với xe tải chở hàng hóa, kinh doanh trên địa bàn thành phố vẫn được hoạt động bình thường, bảo đảm an toàn xe chở hàng hóa, nhu yếu phầm đi và đến thành phố. Sở GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành liên quan cung cấp danh sách các nhóm xe…vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng hóa sản xuất kinh doanh thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.

Các xe được phép lưu thông khi đi qua chốt phải dừng lại kiểm tra y tế, trước đó các doanh nghiệp kiểm soát và quản lý trước. Sở Công Thương và hệ thống siêu thị, Sở GTVT tiếp nhận danh sách, cấp mã QR để quản lý việc lưu thông. Khi xe có mã QR sẽ được tổ chức đi theo các luồng xanh để tránh ùn ứ. Sở GTVT đang triển khai gấp việc cấp mã QR này.
 
Đại diện phòng CSGT cũng cho biết, người dân ra đường phải theo đúng đối tượng và đúng theo quy định. Lực lượng công an sẽ có đội tuần tra tăng cường kiểm tra thường xuyên.
 
Cơ quan công an cũng cho biết sẽ triển khai 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố ở khu vực giáp ranh với các tỉnh và khu vực xung quanh thành phố. Tại mỗi chốt như vậy, sẽ có 7 lực lượng phối hợp giữ chốt để kiểm soát.

{keywords}
Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP.HCM

Trước đó, chiều 7/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã công bố việc áp dụng giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, tính từ 0h ngày 9/7, để kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19. 

Theo đó, Chủ tịch TP kêu gọi người dân đồng hành, thông cảm khi TP buộc phải giãn cách xã hội thời gian dài (15 ngày, chưa kể các đợt trước đó hơn 30 ngày), để phòng, chống dịch. 

Sáng nay (8/7), Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong đã ký, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16. 

Theo hướng dẫn, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch trên địa bàn TP, trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng; không cầu toàn, không nóng vội’’ nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng, UBND TP chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung như sau:

Thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần của Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7 theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn;  quận, huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận, huyện và TP Thủ Đức…

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. TP sẽ xử phạt người ra đường nếu không có lý do chính đáng.

Nhiều dịch vụ như bán hàng ăn uống mang về, bán vé số, xe ôm công nghệ... cũng bị cấm trong thời gian 15 ngày giãn cách. 

Chủ tịch TP yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên trong việc cách ly xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện triệt để đối với từng địa bàn, khu vực quản lý.

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch để đạt kết quả cao nhất.

>>>Xem thêm tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM mới nhất.

TP.HCM cấm dịch vụ ăn uống bán mang về khi giãn cách xã hội

TP.HCM cấm dịch vụ ăn uống bán mang về khi giãn cách xã hội

Trong hướng dẫn mới nhất về giãn cách xã hội, TP.HCM cấm các hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo; tạm dừng các dịch vụ bán đồ ăn mang về …

Hồ Văn