Sáng 17/9, tại tỉnh Hòa Bình đã diễn ra lễ bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông giữa Quỹ Thiện tâm (tập đoàn Vingroup) và UBND xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thuỷ, Hòa Bình).

Hệ thống này gồm 17 bộ thu phát thanh với 46 loa công suất 30W/loa, 1 micro để bàn, 1 bộ máy vi tính và phần mềm quản trị, biên tập nội dung. Hệ thống có phạm vi phủ sóng toàn bộ 15 thôn trong xã Phú Nghĩa. Toàn bộ các thiết bị do Công ty TNHH Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sản xuất, lắp đặt. 

{keywords}
Lễ bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông giữa Quỹ Thiện tâm (tập đoàn Vingroup) và UBND xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thuỷ, Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt

Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông là giải pháp công nghệ mới được triển khai nhằm chuyển đổi số cho các đài truyền thanh cơ sở. So với phương thức truyền thanh có dây và truyền thanh không dây FM vốn được sử dụng từ trước đến nay, truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông có nhiều ưu điểm vượt trội. 

Hệ thống truyền thanh thế hệ mới sử dụng công nghệ số, không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh. Hệ thống này cũng khắc phục được các lỗi thường xảy ra với hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết. 

{keywords}
Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông xã Phú Nghĩa bao gồm 17 bộ thu phát thanh với 46 loa công suất 30W/loa. Ảnh: Trọng Đạt

Người vận hành hệ thống truyền thanh có thể ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh, kiểm duyệt chương trình từ xa, chuyển tải chương trình trên hệ thống từ trung ương đến địa phương và quản lý lịch phát sóng tự động.

{keywords}
Một cụm loa trong tổng số 17 cụm loa của hệ thống đài truyền thanh thế hệ mới vừa được đưa vào khai thác. Ảnh: Trọng Đạt
{keywords}
Hộp kỹ thuật đặt dưới mỗi cụm loa sẽ hỗ trợ việc kết nối và truyền tín hiệu không dây thông qua WiFi hoặc mạng di động 3G, 4G. Ảnh: Trọng Đạt

Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông còn có khả năng chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Việc đưa vào vận hành hệ thống này sẽ giúp giải quyết được bải toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.

{keywords}
Người vận hành hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông có thể sản xuất nội dung, hẹn giờ phát thanh và kiểm duyệt chương trình từ xa. Ảnh: Văn Quân

Chia sẻ tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao tầm quan trọng của các hệ thống truyền thanh cơ sở đối với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. 

Do vậy, trong bối cảnh của cuộc CMCN lần thứ 4, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, hệ thống truyền thanh cơ sở cần chuyển mình, thực hiện chuyển đổi số để phổ biến thông tin nhanh, đầy đủ và chính xác nhất.

Hệ thống truyền thanh tại xã Phú Nghĩa là một trong ba mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được Bộ TT&TT tổ chức xây dựng. Trong đó, đài truyền thanh xã Phú Nghĩa là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của những địa phương có địa hình đồi núi, dân cư sinh sống thưa thớt. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao tầm quan trọng của các hệ thống truyền thanh cơ sở đối với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Ảnh: Trọng Đạt

Ngoài đài truyền thanh xã Phú Nghĩa, còn có mô hình điểm khu vực đồng bằng đặt tại xã Hồng Phong (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và mô hình điểm khu vực đô thị đặt tại phường Trần Phú (thành phố Hải Dương). 

Đây là một phần trong Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT” theo quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua những mô hình điểm này, các địa phương trên cả nước có thể tham khảo, áp dụng để từng bước thay thế hệ thống truyền thanh cũ trên địa bàn nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở. 

Trọng Đạt