Thị trường Việt Nam đã chín muồi

Chiều 21/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Tọa đàm Đầu tư ICT Vietnam 2020 với chủ đề “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam). Đây là sự kiện bên lề Hội nghị và Triển lãm quốc tế ITU Virtual Digital World 2020, gồm hơn 50 quốc gia tham dự, do Việt Nam đăng cai tổ chức. Năm nay, do đại dịch Covid-19, lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Make in Viet Nam tại địa chỉ https://digitalworld2020.vn 

Tại buổi tọa đàm, câu chuyện chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm thảo luận của các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

{keywords}
 
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm đưa Việt Nam thành quốc gia số ổn định, thịnh vượng, tiên tiến, và xây dựng môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT chia sẻ cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia chương trình “Make in Việt Nam”: “Việt Nam là thị trường có xấp xỉ 100 triệu dân, đang triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, là thị trường lớn cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam mong muốn phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), 5G...

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm.

Việt Nam cũng muốn phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI có thể tham gia quá trình này thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, xây dựng hoặc mở rộng nhà máy, xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Qua đó sẽ tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng phát triển”.

{keywords}
Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam tham gia tọa đàm qua hình thức trực tuyến từ Thái Lan.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, đánh giá cao những hành động tích cực của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số. Nhờ đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã cố gắng tận dụng cơ hội và đã tìm thấy nhiều cơ hội trong thách thức.

{keywords}
Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam tham gia tọa đàm.

Nhấn mạnh cơ hội lớn cho doanh nghiệp nước ngoài thuộc các ngành công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn... trong bối cảnh hơn 50 triệu người dân Việt Nam đã và đang sử dụng smartphone, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới (năm 2019) về lượt tải ứng dụng từ các thiết bị di động, thanh toán di động tăng nhanh..., ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam khẳng định: “Thị trường đang chín muồi cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn sang Việt Nam làm ăn”.

Là một nhà đầu tư mới chuẩn bị bước chân vào Việt Nam, ông Ravi Vajpeyi, Giám đốc HCL Việt Nam (một công ty thuộc tập đoàn phần mềm hàng đầu Ấn Độ) cũng nhận định: “Việt Nam là quyết định đúng đắn để đầu tư CNTT. Chính phủ và Bộ TT&TT có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, lại có chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số quốc gia”.

{keywords}
Ông Ravi Vajpeyi, Giám đốc HCL Việt Nam tham gia buổi tọa đàm từ xa, sau khi vừa bay sang Việt Nam và đang trong một khu cách ly tại Hà Nội.

Được biết, trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, tập đoàn Ấn Độ này đã nghiên cứu rất kỹ về Việt Nam, tham khảo cả nghiên cứu của các bên thứ ba, với mong muốn biến Việt Nam thành một trung tâm trong khu vực ASEAN, phục vụ cả khách hàng toàn cầu.

“Cạnh tranh trong ngành CNTT đang diễn ra khá gay gắt, nhưng tôi tin rằng trong bối cảnh tăng trưởng của ngành CNTT Việt Nam thì sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước cũng tạo lợi thế cho doanh nghiệp nước ngoài vì có thể tìm được đối tác phù hợp hơn cho hoạt động đầu tư. Chúng tôi không quan ngại về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đã có sự cẩn trọng khi đưa ra quyết định đầu tư tại Việt Nam”, ông Ravi Vajpeyi bộc bạch.

{keywords}
 Ông Dennis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam – Myanmar – Campuchia và Lào chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Chứng kiến sự tăng trưởng kỳ diệu, thần kỳ của Việt Nam thời gian qua, ông Dennis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam – Myanmar – Campuchia và Lào, không giấu vẻ tự hào khi Ericsson đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và tích cực chung tay phát triển mạng lưới viễn thông từ 2G, 3G, 4G rồi đến 5G tại quốc gia này.

“Chúng tôi mong tiếp tục được làm việc với các doanh nghiệp sản xuất quy mô quốc tế tại Việt Nam, góp phần vào quá trình chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về trung tâm sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững, tự tin tham gia thị trường toàn cầu, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, trở thành điểm đến thu hút đầu tư mạnh mẽ”, ông Dennis Brunetti nói.

{keywords}
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào và Campuchia chia sẻ tại tọa đàm.

Đại diện cho một tập đoàn lớn đa quốc gia, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào và Campuchia, khuyến nghị Việt Nam phải đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Nam cam kết thời gian tới Qualcomm Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ công nghệ gốc, bản quyền công nghệ, nền tảng công nghệ để giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các startup, tăng cường năng lực, đưa sản phẩm “Make in Vietnam” ra thị trường thế giới.

Tìm những lợi thế cạnh tranh mới

Thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo, công nghệ mới. Các lợi thế trước đây như lao động chi phí rẻ sẽ mất dần. Các quốc gia phải tạo ra lợi thế cạnh tranh mới như các cơ chế thí điểm sand box, đầu tư nhân lực chất lượng cao...

{keywords}
Ông Aurélien Palasse, Giám đốc Ubisoft Việt Nam tham dự buổi tọa đàm từ Đà Nẵng.

Gợi ý về lợi thế mới cho thị trường Việt Nam, ông Aurélien Palasse, Giám đốc Ubisoft Việt Nam phân tích: Việt Nam gần đây có sự tăng trưởng mạnh về nội dung kỹ thuật số, đặc biệt là những nội dung trên thiết bị di động. Sắp tới, khi thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ, sự kết hợp giữa thương mại điện tử với các nội dung số sẽ được tăng cường hơn nữa. Nếu làm tốt việc phát triển các nội dung số trên nền tảng thương mại điện tử, thị trường Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Còn theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam – Myanmar – Campuchia và Lào, trong tương lai, Việt Nam phải tăng cường đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến như 5G, IoT... để tạo lợi thế cạnh tranh. Sẽ có tới 70% những công việc lao động chân tay trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất bị thay thế bởi máy móc. Vì vậy phải tìm ra những việc làm mới. Đây là nhiệm vụ của ngành GD&ĐT, sẽ phải tập trung phát triển nhiều hơn các kỹ năng về đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên ở trường phổ thông, đại học.

{keywords}
Các diễn giả tham dự tọa đàm từ xa qua kết nối Internet.

Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam ghi nhận tốc độ làm việc và sự cầu thị của các cơ quan chính phủ Việt Nam, đã có thái độ tiếp cận mở với phản hồi, góp ý từ các doanh nghiệp. Đây sẽ là một trong những lợi điểm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến thị trường Việt Nam.

Liên quan tới câu chuyện này, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh chia sẻ quan điểm của Chính phủ Việt Nam, coi thể chế và công nghệ là động lực cho chuyển đổi số, trong đó, thể chế phải đi trước nếu có thể. Việt Nam sẽ áp dụng phương thức quản lý mới với những mối quan hệ mới phát sinh, với các mô hình kinh doanh mới. Sẽ dần hình thành văn hóa cho thử nghiệm cái mới. Việc thử nghiệm được kiểm soát chặt chẽ khi hành lang pháp lý chưa sẵn sàng.

{keywords}
Ông Đỗ Công Anh.

“Nhiệm vụ của chúng tôi và mỗi ngành nghề là phải xây dựng ra hành lang pháp lý để cho phép thử nghiệm mô hình mới trong lĩnh vực của mình. Đồng thời rà soát lại các văn bản để sẵn sàng đón nhận mô hình mới, công nghệ mới, để tận dụng hiệu quả, tác động tốt của nó tới xã hội”, ông Công Anh nhấn mạnh.

{keywords}
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ tại tọa đàm.

Minh họa bằng câu chuyện thực tế tại địa phương, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng, một “địa chỉ đỏ” đang nổi lên như một Silicon của khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á, khẳng định: Đà Nẵng đang có những bước đi chủ động trong làn sóng đầu tư công nghệ số tại Việt Nam. Chính quyền Đà Nẵng đã cố gắng liên tục cập nhật văn bản từ Trung ương đến địa phương, kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, để sớm trở thành thành phố công nghệ, góp phần tích cực vào hành trình phát triển công nghệ số của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp thực sự có năng lực, quyết định mở rộng vốn đầu tư thì chính quyền rất trân trọng và sẵn lòng hỗ trợ tối đa.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Tại tọa đàm lần này, các nhà quản lý và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến để trả lời câu hỏi “Bây giờ có phải thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam?”. Tất cả đều thống nhất với quan điểm cho rằng hiện tại đang là thời điểm vàng để đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên nhấn mạnh Việt Nam chính là “điểm đến lý tưởng để lựa chọn hiện nay” khi đang là ngôi sao sáng trong bối cảnh u ám của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam là điểm đến hàng đầu để đầu tư nói chung, đầu tư công nghệ số nói riêng.

Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn như: Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi, coi công nghệ số, ICT là lĩnh vực công nghệ cao cần phát triển; Hệ thống chính trị ổn định; Giá cả cạnh tranh; Cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao để các nhà đầu tư lựa chọn...

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... Các nhà đầu tư sẽ có cơ hội tiếp xúc thị trường khổng lồ nếu đầu tư tại Việt Nam.

{keywords}
Các diễn giả tham dự trực tiếp buổi tọa đàm tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hùng Cường cũng khẳng định đây là thời điểm rất phù hợp để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trước kia, các ngân hàng đầu tư rất nhiều cho các dự án CNTT. Nhưng bây giờ kể cả doanh nghiệp nhỏ cũng sẵn sàng đầu tư cho CNTT. Mới đây, có doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng đầu tư dự án 1 triệu USD để xây dựng nền tảng kết nối B2C.

Dẫn một dự báo quốc tế cho rằng với quy mô dân số 100 triệu dân, số dân trẻ rất lớn (khoảng 70% dưới 50 tuổi), GDP Việt Nam có thể vượt qua Malaysia, Philippines trong năm nay, ông Cường khuyến nghị các nhà đầu tư nước ngoài càng tới Việt Nam sớm thì càng tốt bởi “thời điểm này là thời điểm vàng, hoặc bây giờ hoặc không bao giờ hết”.

Tiếp nối ý kiến của ông Cường, lãnh đạo Ericsson Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng cao hơn: “Không chỉ là chuyện “bây giờ hay không bao giờ” mà là “bây giờ và mãi mãi”. Việt Nam trong tương lai lâu dài sẽ là điểm đến rất lớn cho các nhà đầu tư vì có ổn định chính trị, tầm nhìn dài hạn, chỉ số về làm ăn kinh doanh được cải thiện hàng năm... Chúng tôi mong tiếp tục được đóng góp để Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tốt nhất, nếu không phải là điểm đến đầu tư tốt nhất thế giới”.

Để hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài thêm khởi sắc và gặt hái “nhiều hoa thơm trái ngọt”, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam đề xuất Việt Nam nên tăng cường các kênh thông tin liên lạc, chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư bên ngoài Việt Nam. Thực tế thời gian qua, không ít nhà đầu tư muốn tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nhưng chưa có nguồn thông tin. Việc để các nhà đầu tư nhìn thấy rồi hiểu và tin môi trường kinh doanh là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư từ nước ngoài.

Từ kinh nghiệm thực tiễn phải mất 2 năm mới tuyển đủ số lượng kỹ sư CNTT tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào và Campuchia bày tỏ mong muốn Việt Nam nên tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đang tăng rất nhanh, nhất là kỹ sư mobile, nhân lực có kỹ năng xử lý hình ảnh camera, IoT, AI, machine learning... và nhiều lĩnh vực mới khác.

“Nhu cầu nhân lực tăng nhanh quá. Các công ty công nghệ đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam đều đang tuyển không kịp”, ông Thiều Phương Nam nói.

VietNamNet

Đại dịch Covid-19 khiến cộng đồng công nghệ xích lại gần nhau, đẩy nhanh chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 khiến cộng đồng công nghệ xích lại gần nhau, đẩy nhanh chuyển đổi số

Thông qua trải nghiệm khủng khiếp của đại dịch Covid-19, thế giới đã trực tiếp biết được công nghệ kỹ thuật số không thể thiếu đối với hoạt động của các nền kinh tế, xã hội và cuộc sống cá nhân.