CMCN lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo, việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Mức độ sẵn sàng của Việt Nam với CMCN 4.0 

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cơ sở hạ tầng viễn thông tại Việt Nam hiện được xây dựng khá đồng bộ. Vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước. Trong đó, vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp. Mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020.

Tại Việt Nam, nền kinh tế số đã từng bước được hình thành, phát triển nhanh và ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam hiện xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế số. Công nghệ số cũng đã được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. 

{keywords}
Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 2019). Ảnh: Trọng Đạt

Không chỉ vậy, xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet. Các mô hình kinh doanh mới này đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới. Trong đó, chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.

Nhận xét về mặt hạn chế của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam hiện vẫn ở mức dưới trung bình. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá, Việt Nam đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia về thể chế. 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Nguyễn Văn Bình, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chưa được hình thành đồng bộ. Việt Nam cũng chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0. 

Kinh tế số của Việt Nam có quy mô còn nhỏ. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hiện còn bị động. Quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện vẫn còn chậm, thiếu chủ động. Nước ta cũng chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ 4. 

Việt Nam sẽ không đứng ngoài cuộc CMCN 4.0

Trước thực tế này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. 

Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành nghị quyết về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã bắt đầu từ trước đó.

{keywords}
Đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CMCN 4.0 với Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Điểm lại những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong vòng một năm qua. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc, lên thứ 59. 

Thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị. Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50.

Giáo dục phổ thông Việt Nam xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1000 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhiều trường đại học quy mô lớn, do tư nhân đầu tư phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu tư nhân được thành lập. Nhiều địa phương đã có những bước tiến lớn trong xây dựng đô thị thông minh.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau". Ảnh: Trọng Đạt

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đề cập đến yếu tố khó lường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của con người cũng như cơ chế quản lý rủi ro để chủ động ứng phó với những mặt tiêu cực của CMCN 4.0.

“Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta không chỉ đưa các môn học liên quan nhiều đến khoa học, công nghệ mà phải bắt đầu từ những điểm căn bản nhất, thậm chí tưởng rằng không liên quan đến CMCN 4.0. Đó là giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân, giữa trong nước với ngoài nước. 

Nói về ý nghĩa của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. “Chúng ta không chỉ giải quyết những bài toán của riêng mình mà còn có trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Trọng Đạt