- Khi sếp chưa "tài" về quản lý, thì làm sao là "bà đỡ" người tài, chưa nói là chuyện tiêu cực trong công tác quản lý nó càng làm thui chột động lực làm việc của người tài.
>> Đừng bỏ núi tiền hút nhân tài về "cắp ô"
Vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết về việc thu hút nhân tài. Đây có thể được xem như một quyết sách lớn nhằm phát triển Thủ đô những năm tới, nhất là khi đã có Luật Thủ đô làm điểm tựa.
Coi thường người tài, đất nước suy vong
Thu hút nhân tài từ xa xưa, là truyền thống của các bậc quân vương. Còn nhớ khi vừa đánh tan mấy chục vạn quân xâm lược Minh, Đức Thái tổ Lê Lợi đã ban chiếu cầu hiền, thu hút nhân tài. Vua coi những người hiền là rường cột phát triển đất nước, nhất là khi đất nước vừa qua khỏi chiến tranh tàn phá.
Đời Vua Lê Thánh Tông, việc chiêu hiền đãi sỹ trở thành chính sách lớn. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mẽ, nguyên khí suy thì thế nước yếu kém". Đó chính là qui luật muôn đời mà cựu thần Thân Nhân Trung được Lê Thánh Tông sai soạn thảo và khắc vào bia đá tại Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Câu nói ấy trở thành bất hủ, thành đường hướng, kim chỉ nam cho sự phát triển.
Sau Cách mạng tháng Tám, tiếp bước truyền thống của dân tộc, Bác Hồ đã ra chiếu cầu hiền thu hút nhân tài. Không những ban chiếu mà Người còn có chính sách trọng dụng cả như người tài của chế độ cũ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là ví dụ điển hình cho việc trọng dụng nhân tài. Và trong kháng chiến nhiều trí thức tình nguyện bỏ lại trời Tây phồn hoa, khoác ba lô tham gia kháng chiến. Chính lớp trí thức đó như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Hồ Đắc Di... đã trở thành rường cột của đất nước sau này.
Lịch sử đã chứng minh, khi coi thường trí thức "đốt sách giết nhà nho" thì đất nước sẽ suy vong. Nói trí thức là nói một bộ phận tinh hoa, là những người nhận thức và làm theo qui luật. Chỉ có thể nhận thức và tác động đúng thì mới thúc đẩy xã hội phát triển.
Lại nói về chính sách chiêu hiền đãi sỹ của Hà Nội. Đối tượng thu hút được xác định là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động, như tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành thành phố đang có nhu cầu.
Không kể lĩnh vực nào, vấn đề là người đó là có tài thực sự và là những lĩnh vực mà Hà Nội đang cần thì đều được trọng dụng.
Chính sách của Hà Nội cũng rất cụ thể. Dự kiến Hà Nội sẽ thu hút, đãi ngộ những người tài nêu trên bằng nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, như tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển. Hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận. Ngoài ra còn nhiều ưu đãi khác như hỗ trợ kinh phí đào tạo, hỗ trợ bảo vệ luận án ...cũng đặc biệt quan tâm và có mức đề ra rất chi tiết.
Câu truyền miệng trong dân gian "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ", sau cùng mới là "trí tuệ". Ảnh minh họa |
Đất cho người tài "dụng võ"
Thu hút người tài mới chỉ là bước đầu, hay có thể nói là điều kiện cần, vấn đề là tạo môi trường để người tài phát huy tài năng của mình là vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay.
Môi trường bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất. Môi trường là có đất để người tài thi thố tài năng. Mặt thứ hai vô cùng quan trọng đó là những người quản lý, hay nói cụ thể là phải có người biết sử dụng và đánh giá đúng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để người tài phát huy.
Nói về cơ sở rõ ràng ở ta chưa có điều kiện. Có tài nhưng không có đất để "dụng võ" thì tài năng không thể phát huy. Ngô Bảo Châu liệu có trở thành nhà toán học Ngô Bảo Châu như hiện nay nếu như không có môi trường nghiên cứu khoa học và đồng nghiệp tốt, tạo "đất" cho sáng tạo nảy nở? Nguyễn Văn Hiệu chỉ có thể trở thành viện sỹ khi có môi trường những năm tháng tuổi trẻ ở Liên Xô. Nhiều nhà khoa học của ta hiện nay ở nước ngoài cũng vậy. Họ có điều kiện để phát huy tài năng.
Những người tài thường có cá tính, trung thực, dám nghĩ dám làm...Chính tính cách này thường hay xung đột với người làm lãnh đạo, những người chỉ quen nghe mệnh lệnh, và quen nhận sự phục tùng.
Một thực tế là người tài chúng ta không phải là quá thiếu. Chúng ta thường nói về công tác cán bộ trong thời gian qua, chính cách bố trí sử dụng không đúng năng lực đã làm thui chột tài năng.
Thu hút người tài cũng cần có ràng buộc. Người tài ở ta đã là thực chất chưa còn là vấn đề bàn cãi. Sự thật trong đội ngũ cán bộ hiện nay nhiều người là giáo sư, tiến sỹ nhưng chất lượng như thế nào thì thực tiễn đã có câu trả lời. Ngay cả hội đồng chấm luận án cũng chưa hẳn đã thực chất. Mới đây rộ lên chuyện ở Đại học Sư phạm Hà Nội trong lĩnh vực Văn học khi có một vị nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thơ "rác rưởi", thế mà vị này vẫn bảo vệ thành công trước Hội đồng khoa học nhà trường.
Bà đỡ "người tài"?
Đãi ngộ bao giờ cũng đi kèm với sự cam kết, đó là điều kiện là ràng buộc. Ở các nước tiên tiến đều có sự ràng buộc chặt chẽ. Không ai cấp tiền không bao giờ.
Sử dụng người tài ở Hà Nội chưa cần điều kiện ưu đãi vẫn thu hút. Bởi Hà Nội, T/p Hồ Chí Minh là vốn là nơi nhiều người tài muốn cống hiến, nhưng người tài liệu có thể chen chân với "con ông cháu cha" hay không là chuyện khác. Câu truyền miệng trong dân gian "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ", sau cùng mới là "trí tuệ". Đó là một thực tế mà cảm thấy xót xa.
Một chính sách phải kèm theo cả những điều kiện đảm bảo để nó trở thành hiện thực mới là chính sách đúng và hoàn chỉnh. Hà Nội đã có chính sách ưu đãi và sử dụng nhân tài, tuy nhiên mới chỉ là bước khởi đầu. Làm sao để người tài phát huy và góp sức đưa Thủ đô phát triển mới là đích cuối cùng. Vì vậy đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội, các ban ngành còn phải làm nhiều hơn, đó chính là tạo môi trường để người tài phát huy tài năng của mình.
Môi trường bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất để thực hành nghiên cứu khoa học, môi trường là giành đất để người tài thi thố tài năng và đòi hỏi người quản lý nhân tài, hay nói cụ thể hơn là phải có người tạo điều kiện và đánh giá đúng. Đây là vấn đề quan hệ hai chiều.
Nói về cơ sở rõ ràng ở ta chưa có điều kiện. Có tài nhưng không có đất để "dụng võ" thì tài năng không thể phát huy.
Ngay cả "bà đỡ" để tài năng phát triển cũng đáng bàn. Đó là người quản lý, hay cấp trên của tài năng, và đây thực sự là câu chuyện dài. Khi cấp trên chưa "tài" trong năng lực quản lý, thì làm sao là "bà đỡ" người tài, chưa nói là chuyện tiêu cực trong công tác quản lý càng làm thui chột sự sáng tạo của đội ngũ người tài.
Quản lý cũng phải "tài" thì mới có sự tương thích. Một vài bánh xe mới thay vào bộ máy rệu rã cũng không làm được gì.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, hãy tạo mọi điều kiện để trí thức trở thành lực lượng sản xuất chính để đưa Hà Nội có bước đột phá, bước phát triển mới.
Nguyễn Đăng Tấn