"Nhiều khu vực trước kia là nông thôn hẻo lánh, giờ trở thành khu đô thị hiện đại, cảm tưởng như khu đô thị tầm cỡ khu vực, thế giới rồi... Gương mặt Thủ đô đẹp lên nhiều, hoành tráng lên, rạng rỡ, quy mô, bề thế, nề nếp hơn", ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.

LTS: Tròn 05 năm kể từ ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội có diện tích lớn gấp 03 lần trước đây, dân số cũng tăng lên đáng kể.

Quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô 05 năm trước từng gây ra những tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, hiệu quả của quyết định nói trên đang được chứng minh trong thực tế.

Bên cạnh đổi thay về diện mạo, quy mô, HN cũng đối mặt giải quyết những vấn đề phức tạp, nóng bỏng, bức xúc đang nảy sinh trong quá trình phát triển.

Chuyên trang Tuần Việt Nam, báo VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến thảo luận về chặng đường mà HN vừa đi qua, cũng như hình dung về diện mạo Thủ đô tương lai.

Tham gia bàn tròn số này là 03 khách mời: ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - Bộ Xây dựng.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Như một thành phố khác

Nhà báo Kim Dung: Kể từ khi Thủ đô HN mở rộng, vấn đề hài hòa trong quy hoạch đô thị là bài toán đầu tiên, để tạo nên một tổng thể chung. Sau 05 năm, bài toán quy hoạch này được giải như thế nào? Xin mời ông Hồ Quang Lợi khái quát lại những thành tựu nổi bật?

Ông Hồ Quang Lợi: Tại Hội nghị đánh giá kết quả 05 năm mở rộng địa giới hành chính, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nhắc đến 02 câu thơ của Tố Hữu: "Năm năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều". Quả thực những ai trong 05 năm vừa qua không về HN, bây giờ trở lại sẽ thấy như một thành phố khác.

Nhiều khu vực trước kia là vùng nông thôn hẻo lánh, giờ trở thành khu đô thị hiện đại, cảm tưởng như khu đô thị tầm cỡ khu vực, thế giới rồi. Đó là thành tựu rất nổi bật. Gương mặt Thủ đô đẹp lên rất nhiều, hoành tráng lên, rạng rỡ, quy mô, bề thế, nề nếp hơn.

Kinh tế có những bước phát triển đáng mừng. Về tốc độ phát triển kinh tế, HN gấp 1,5 đến 1,6 lần so với các tỉnh trong cả nước, với mức bình quân 05 năm qua là 9,5%. Trong khi trước sát nhập, Hà Tây không phải là một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao.

{keywords}
Ông Hồ Quang Lợi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước khi hợp nhất, thu nhập kinh tế quốc dân tính theo đầu người của HN là 2.000 USD, và Hà Tây là 520 USD. Năm 2013, tính chung cả Thủ đô mở rộng, tức là cộng cả Hà Tây, thu nhập quốc dân trung bình đã tăng lên là 2.275 USD.

Thu ngân sách của HN năm 2007, trước ngày hợp nhất, mới có 57.000 tỷ. Năm 2012 đã lên 146.500 tỷ, chiếm khoảng 20% thu ngân sách cả nước.

Những con số cho thấy HN thực sự là một trong 02 đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, đủ sức mạnh tạo động lực phát triển hài hòa với các tỉnh xung quanh.

Nông thôn HN cũng khởi sắc rất nhiều trong một cuộc cách mạng. Hệ thống đường giao thông không chỉ được xây dựng trong làng mà còn đi ra đồng.

Dân số HN khi hợp nhất khoảng 6,4- 6,5 triệu, sau đó tăng rất nhanh và theo một thống kê mới nhất, đã lên 7,3 triệu. Điều này cho thấy Thủ đô phải là mảnh đất tốt thì mới quy tụ được nguồn lực, kể cả của quốc tế. Cho nên, việc dân số tăng nhanh tất nhiên đặt ra những vấn đề rất lớn về mặt kinh tế, xã hội nhưng nó cũng chứng tỏ HN vẫn là một mảnh đất sinh lợi mà người ta muốn đến làm ăn.

Năm năm vừa rồi trở thành một thời kỳ sát hạch nghiêm khắc với quyết định mở rộng Thủ đô. HN thật sự đã thay đổi rất nhiều và là thay đổi tích cực.

5 năm =  cả trăm năm

Nhà báo Kim Dung: Xét riêng về bộ mặt giao thông, sau 05 năm, đâu là những thành tựu, dấu ấn nổi bật?

Ông Hồ Quang Lợi: Giao thông vốn là một vấn đề rất lớn của HN. Trong 05 năm qua, chúng ta có những nỗ lực lớn để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trước hết là giao thông.

Ví dụ hệ thống cầu cống, trước đây 100 năm, thành phố chỉ có một cây cầu bắc qua sông Hồng là cầu Long Biên, sau đó là cầu Chương Dương, oằn mình chở biết bao nhiêu người, phương tiện.

Mấy năm gần đây ta đã xây được cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và giờ đang xây cầu Nhật Tân là cầu dây văng lớn nhất ĐNÁ.

Như vậy, HN đã có 5- 6 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng. Dự kiến trong 4, 5 năm nữa sẽ có cả chục cây cầu. Đó là một hình ảnh quá đẹp về Thủ đô trên đường phát triển.

Tiếp đến là hệ thống đường. Ta có đại lộ Thăng Long dài 30 cây số, rộng 140m, là đại lộ đẹp và hiện đại nhất VN hiện nay. Rồi hệ thống vành đai 3 là đường vành đai trên cao đầu tiên của VN, có thể nói là đạt quy chuẩn tốt.

Tương lai, chúng ta sẽ có 08 tuyến đường sắt đô thị, với tổng cộng khoảng hơn 300 km, có đoạn đi trên mặt bằng, có đoạn đi trên cao, có đoạn đi dưới đất, có đoạn "chui" qua sông Hồng.

Ông Ngô Trung Hải: Như ông Hồ Quang Lợi đã nói, tương lai HN sẽ có 10 cây cầu. Nhưng trước mắt đã có thêm 02 cây cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì đi vào hoạt động và sắp tới cầu Nhật Tân hợp long. Sau 05 năm chúng ta có 03 cầu mới là một thành quả xứng tầm cả trăm năm.

{keywords}
Ông Ngô Trung Hải. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vành đai 3 đã làm xong cầu cạn trên cao. Bây giờ khi ra khỏi HN không còn ùn tắc nhiều nữa. Dấu ấn giải quyết ùn tắc nổi bật trong 02 năm nay là xử lý được rất cơ bản một số nút ách tắc giao thông. Hà Nội có chừng 60 điểm ách tắc, nhưng trước mắt chúng ta cần giải quyết 10 điểm ách tắc lớn.

Tương lai những nút trong vành đai 2 trở vào cố gắng "làm ngầm" nhưng chi phí và thời gian thi công là thách thức cho nên sẽ được giải quyết dần trong tương lai. Ở các đô thị châu Âu, tại những khu phố cổ, các nút giao thông đó đều phải làm hầm chui, ngầm. Còn hiện nay, chúng ta làm cầu tạm khoảng 100 -200 tỷ/ 01 cầu, và chỉ mới 4, 5 cầu thôi đã giúp xử lý ùn tắc rất nhiều.

Nhà báo Kim Dung: Để giải quyết được tất cả những nút ách tác giao thông, HN cần tới bao nhiêu tiền nữa?

Ông Ngô Trung Hải: Theo tính toán, chỉ trên 2 nghìn tỷ là chúng ta có thể giải quyết gần hết những nút giao cắt hiện nay. Không cần thay đổi giờ giấc sinh hoạt, học tập, làm việc của người dân thì HN cũng đã thông thoáng rất nhiều, mặc dù quản lý giao thông vẫn là bài toán đặt ra cho các đô thị lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở ngay cả các đô thị đã phát triển.

Các vành đai, trục lớn của HN, ví dụ vành đai 4 hiện đã xong hết các thiết kế cơ sở. Nếu có vành đai 4, các tỉnh xung quanh HN đều có thể về HN và vận chuyển hàng hóa, hành khách trơn tru hơn thuận tiện hơn và vành đai 3 sẽ giảm áp lực đáng kể.

Về giao thông công cộng, HN sẽ có 08 tuyến đường sắt đô thị. Có 02 tuyến đường đang lập dự án khả thi và có vốn đầu tư. Năm năm nữa các tuyến đó đi vào vận hành, chắc chắn lượng phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy.... sẽ được giảm bớt trước tiên, dần dần phương tiện giao thông công cộng sẽ chiếm gần 60% lưu lượng giao thông trong thành phố.

Ngoài ra các trục hướng tâm đã hoàn thiện như trục Lê Văn Lương nối dài đã thông tuyến, trục Lê Trọng Tấn (gọi là Trục 3,5) đã hình thành khá đẹp tạo nhiều khu ở mới của Hà Nội.

Phải nói rằng, những cải thiện về giao thông đóng góp vào hình ảnh của HN rất rõ nét.

Thủ đô to nên làm gì cũng hoành tráng

Nhà báo Kim Dung: Nếu so sánh với một số nước khi mở rộng Thủ đô, tốc độ 05 năm vừa qua của HN có nhanh không? Với tư cách là cơ quan giám sát, xin mời ý kiến ông Lê Như Tiến?

Ông Lê Như Tiến: Tôi là người bấm nút tán thành việc mở rộng HN vì nhận thấy "áo" Thủ đô mặc đã chật, cần có không gian, diện tích, nguồn lực.

Tuy nhiên, với những bước đi trên con đường thực hiện Nghị quyết 15 về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội của QH, tôi thấy cũng phải nhìn hai mặt. Những thành tựu là rất căn bản và cần được khẳng định như anh Hồ Quang Lợi đã tổng kết. Quốc hội và TƯ đánh giá rất cao những thành tựu này.

Nhưng HN là trái tim cả nước, HN vì cả nước, cả nước vì HN, nên tính hội tụ và lan tỏa của HN cũng cần một tầm nhìn vĩ mô tương xứng. Hội tụ là hướng tâm, các nguồn lực của toàn quốc cũng như của vùng, khu vực hướng về mình.

Còn lan tỏa tức là ly tâm, phải làm sao sức ảnh hưởng của Thủ đô lan tỏa đến các khu vực xung quanh, để cho các vệ tinh phát triển lên cao cùng với mình. Đó mới gọi là vị trí đầu tàu. Và tôi thấy ở mặt này HN còn cần nỗ lực hơn nữa.

Cũng như lãnh đạo thành phố đã nói, HN phải phấn đấu hơn nữa để xứng với tầm vóc, tiềm năng của mình.

Thứ nữa, các thành phố vệ tinh thực ra chưa hình thành và tác động rõ nét đến HN, nội đô và nội đô có tác dụng ngược lại với các thành phố này thế nào cũng chưa thấy rõ.

{keywords}
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn nhiều thách thức khác cần giải quyết, chẳng hạn vấn đề thực hiện quy hoạch. Đã gọi là đô thị thì yếu tố đô thị phải nhiều hơn. Nhưng khi Hà Nội hợp nhất, rõ ràng tỷ lệ nông nghiệp cao hơn nhiều, khoảng 75%. Có nghĩa là không phải đô thị hóa lên, mà tỷ lệ nông nghiệp, nông thôn tăng lên. Như vậy, cần làm sao hình thành các thành phố vệ tinh để tỷ lệ đô thị hóa lớn hơn, và có tác động trở lại với nội đô.

Tình trạng ùn tắc giao thông chưa xử lý được. Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp dẫn đến những hiện tượng như xô đổ cổng trường thực nghiệm cũng là một ví dụ cho thấy cần cân đối giữa phát triển đô thị với phát triển văn hóa, GD, y tế. Rồi một số vấn đề y đức rộ lên gần đây.

Một tâm lý mà HN cần đề phòng là dựa vào thế Thủ đô to nên làm cái gì cũng hoành tráng. Chẳng hạn câu chuyện xây sân vận động "khủng" của một số huyện ngoại thành vừa qua, trong lúc QH đang bàn và thông qua luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tư tưởng "hoành tráng hóa" các công trình của HN mà không phù hợp với điều kiện kinh tế và đem lại hiệu quả sử dụng thì cũng là một lãng phí.

Trong lĩnh vực văn hóa, người HN vẫn được tiếng thanh lịch Tràng An, nhưng du khách lại phải chịu nạn chặt chém, hết taxi rồi khách sạn, nhà hàng...

Như vậy tôi thấy, một mặt chúng ta thừa nhận những thành tựu, ưu thế, những cái đã làm được. Nhưng mặt khác cũng phải thấy được những vấn đề rất lớn còn bộn bề.

Mới đây TP.HCM đã có một phiên họp bất thường để kiến nghị xây dựng chính quyền đô thị. Vậy bản thân HN với vị trí Thủ đô, một đô thị đặc biệt, có xây dựng CQĐT với theo mô hình mới không, hay vẫn loay hoay với mô hình cũ.

Thêm nữa, QH đã thông qua Luật Thủ đô cũng nhằm tạo điều kiện cho HN có một cơ chế rất đặc thù, từ kinh tế đến nguồn nhân lực, cho đến hiệu quả phát huy. Vì vậy HN phải căn cứ vào những ưu thế của mình và những chủ trương rất ưu đãi từ TƯ để tận dụng thời cơ ấy.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của HN cũng không phải dẫn đầu cả nước. Trong khi đó, nhiều thành phố không có được ưu thế như HN nhưng GDP tăng trưởng rất mạnh, văn hóa xã hội cũng phát triển rất tốt, như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh, v.v... Như vậy HN cần nhìn mình, nhưng cũng cần nhìn ra xung quanh và so sánh với một số thủ đô các nước.

Nhà báo Kim Dung: Tôi xin chia sẻ ý kiến với ông Lê Như Tiến. Nói như ông Hồ Quang Lợi, và ông Ngô Trung Hải, HN là "đất lành, chim đậu" nên người dân đổ về HN rất đông. Thế nhưng mặt khác nó cũng tạo nên những thách thức không nhỏ với HN như áp lực việc làm, ách tắc giao thông, trong khi các tỉnh xung quanh cần đóng vai trò "đô thị vệ tinh" tốt hơn. Và các đô thị này cần được hỗ trợ để có sự phát triển, nâng tầm lên, vừa là sự phát triền công bằng, vừa góp phần hỗ trợ HN trong quy hoạch, trong giao thông. Ý kiến của ông Hồ Quang Lợi thế nào?

Ông Hồ Quang Lợi: Tôi muốn bàn luận thêm về nhận định của anh Lê Như Tiến, về việc bên cạnh những thành tựu thì cũng còn nhiều vấn đề lớn cần đánh giá đúng mức.

Xin được chia sẻ là thực ra lãnh đạo HN rất nghiêm túc về vấn đề này. Trong các cuộc họp của lãnh đạo HN hầu như không bao giờ nói đến thành tích, mà đều tập trung vào những việc cần làm, những thiếu sót, khó khăn, bàn giải pháp. Hà Nội hoàn toàn không ngủ quên trên chiến thắng, hoàn toàn không phải chỉ thấy thành tựu mà không thấy khó khăn, thiếu sót.

Lãnh đạo HN cũng đã dần dần hình thành một phong cách quản lý mới, rất sát việc. Đó là chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, khó, mới, bức xúc, trực tiếp liên quan đến đời sống người dân, bàn thống nhất trong lãnh đạo, cấp ủy, rồi từ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất trong bộ máy. Sau đó kiểm tra giám sát kịp thời, có gì không nên, không đúng là uốn nắn.

Hà Nội mở rộng bề bộn cả núi công việc, khó khăn, chưa có tiền lệ. Để có một HN như ngày hôm nay là cả nỗ lực vượt bậc. Việc "xóa bỏ" bộ máy hành chính của cả 01 tỉnh, 01 huyện và 04 xã chỉ qua 01 quyết định đâu phải đơn giản. Rồi đưa bộ máy đó đưa vào guồng máy lớn của Thủ đô để nó chuyển động nhịp nhàng, không xảy ra đứt gãy nào, cũng phải có cả một nghệ thuật lãnh đạo.

(Còn nữa)

  • Tuần Việt Nam