Đã hơn một ngày nay, với cương vị người đứng đầu cơ quan, tôi phải tiếp nhận và xử lý rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn thể hiện lo lắng, thậm chí là lo sợ, than vãn về tình trạng cách ly để phòng dịch Covid - 19. Có lẽ chưa bao giờ việc xử lý lại dồn dập, thậm chí có đôi lúc lúng túng đến như vậy!

Xử lý khủng hoảng chắc luôn cần đến những kỹ năng nhất định và có lẽ, dịch bệnh Covid- 19 sẽ cung cấp một bài học lớn cho mọi người có liên quan về xử lý khủng hoảng, vượt qua khó khăn trong những thời điểm cụ thể của cuộc sống.

{keywords}
Cách ly, dù không ai muốn, là bắt buộc vì người thân, cộng đồng

Tôi biết rằng, dù muốn hay không, cuộc sống luôn bất an, lo lắng! Giống như muôn vàn thứ khác, bất an, lo lắng cũng có những mặt tích cực của nó. Đó là những cảm giác khiến con người cảnh giác hơn với những nguy hiểm xung quanh mình, từ đó giúp chúng ta thận trọng hơn và nhờ vậy, có khả năng sinh tồn cao hơn. Cách ly thể hiện một phần sự lo lắng đó và cũng có giá trị tích cực ở phương diện đó.

Có hai nguyên tắc trong bối cảnh dịch bệnh: Thứ nhất là tính mạng con người là quan trọng nhất. Chính vì thế, các quyền lợi, nghĩa vụ hay bất kỳ hành động xã hội hay cá nhân nào cũng phải được xếp sau quyền được sống của mỗi con người. Từ nguyên tắc này, chúng ta có thể hiểu hơn lý do tại sao nhiều các hoạt động trong xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hoá hay xã hội đều phải tạm dừng để nhường cho việc không chế bệnh tật. Và tất cả đều nhận được sự đồng thuận cao!

Thứ hai, các cá nhân phải có nghĩa vụ bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Đây chính là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân. Vì thế, việc các cá nhân có nguy cơ lây nhiễm, dù ở mức độ đáng báo động hay ít nguy hiểm, cũng cần phải được cách ly, là một cách tiếp cận phù hợp.

Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm rất nhiều! Cách ly như thế nào là cả một câu chuyện phức tạp, và khi nó liên quan đến lo lắng thì câu chuyện lại càng trở nên khó khăn hơn. Trừ trường hợp đã mắc bệnh (F0), trường hợp ít hơn 1 chút là F1, thì việc cách ly các nhóm đối tượng F2 trở đi là tương đối khó khăn khi mà nguy cơ nhiễm bệnh chưa hoàn toàn rõ ràng.

Nhóm chúng tôi thuộc cảnh báo F3, dù ít nguy cơ lây nhiễm nhưng vẫn vào dạng cần phải cách ly. Khi chúng ta biết mình thuộc đối tượng bị cách ly, thường là chúng ta đã tiếp xúc với khá nhiều người, đặc biệt là những người thân trong gia đình.

Trấn an tinh thần của mọi người không phải lúc nào cũng là chuyện dễ khi mà những thông tin dồn dập từ bên ngoài vào đang khiến mọi người hoang mang, một lần nữa, người ngay cạnh mình lại bị cách ly! Mọi lý giải để giải thích tại sao lại để chuyện đó xảy ra vào lúc này và với bản thân mình cũng khó thuyết phục hơn!

Ai trong số những người nhiễm bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh cũng đều cảm thấy áy náy, có lỗi với gia đình, người thân, bè bạn và cộng đồng. Tất cả họ đều cần có sự cảm thông của mọi người để vượt qua hoàn cảnh éo le này.

Các thông tin liên quan đến dịch bệnh được lật tung để tìm liên hệ với bản thân mình. Những triệu chứng nào có thể xuất hiện, cách nào có thể phòng chống, đường dây nóng nào có thể liên hệ, công việc sẽ được giải quyết ra sao nếu không thể đến cơ quan, và cả cách nào để tránh lây nhiễm thêm nữa, hay thậm chí cách nào để đi ở ẩn ở đâu đó mà không ảnh hưởng đến người khác đều được tính toán…

Những nhóm trên mạng được lập ra để chia sẻ tình hình: từ nhiệt độ cơ thể ngày đo tối thiểu 2 lần đến các triệu chứng bệnh khác. Cách ổn định công việc, tinh thần được bàn luận. Có thể có nhiều tai hại nhưng dịch COVID-19 lại là dịp để chúng ta thực sự trải nghiệm cơ hội đối mặt với khó khăn, khủng hoảng.

Sẽ không dễ dàng và thoải mái gì, nhưng trong đời cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Vượt qua khó khăn, có nghĩa là chúng ta đã làm được điều gì đó thực sự có ý nghĩa!

Tôi thích một câu nói của ai đó rằng: “Trong cuộc sống luôn có một quãng thời gian ngập tràn lo lắng, nhưng ngoài việc dũng cảm đối mặt thì chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác”. Việc cách ly, dù không ai mong muốn, được xem như sự thể hiện trách nhiệm đối với người thân, cộng đồng. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Cuộc hội tụ của những phong cách hội hoạ có tiếng

Cuộc hội tụ của những phong cách hội hoạ có tiếng

Đa diện - triển lãm lần thứ 4 của nhóm hoạ sĩ là cuộc hội tụ những gương mặt làng hoạ đã có tiếng trong làng mỹ thuật.