Kỷ luật nhiều cán bộ 

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (hai Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. 

Qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và hơn 897ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung hoàn thành thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. 

Những số liệu được đưa ra tại phiên họp phiên thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nói lên quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống đối với căn bệnh tưởng như đã di căn. 

"Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đánh giá chung của Ủy ban, cơ quan đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình chống tham nhũng tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi. 

Cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo suốt thời gian qua đã được đông đảo nhân dân nhiệt liệt ủng hộ, tin tưởng. 

Tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống". 

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. 

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Việc thanh tra, kiểm tra Dự án gang thép Thái Nguyên, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; bổ sung nhiều vụ việc vào diện trực tiếp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó có vụ Công ty Nhật Cường; đưa ra xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG... là những ví dụ minh chứng. 

Tham nhũng từng được xác định qua nhiều kỳ đại hội nhưng phải đến gần đây, tình hình chống tham nhũng mới có những chuyển biến tích cực do quyết tâm cao độ của lãnh đạo cấp cao. 

Tham nhũng uy hiếp sự tồn vong của chế độ 

Cách đây gần 1/4 thế kỷ, Ban lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ ra nghị quyết chống tham nhũng số 14-NQ/TW ngày 15-5-1996, trong đó nhấn mạnh: “[…] cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra tràn lan, phổ biến, thậm chí có địa phương, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn trước. Tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm xói mòn bản chất của Đảng và Nhà nước, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta”. Như vây, cũng cách đây gần 1/4 thế kỷ, Đảng đã thừa nhận tham nhũng đang hiện hữu chứ không còn là “nguy cơ”. 

Sau Nghị quyết số 14-NQ/TW đã có thêm rất nhiều Nghị quyết trung ương, nhiều văn bản của lãnh đạo cấp cao về vấn đề này. Gần như tất cả các văn bản đó đều toát lên tinh thần đánh giá tình trạng tham nhũng, hậu quả nghiêm trọng của nó đối với sự tồn vong của đảng, của chế độ…; nguyên nhân gây ra tham nhũng lần nào cũng bắt đầu bằng nguyên nhân do cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; đến các nhóm giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là kiểm điểm, kiểm thảo, kê khai tài sản, xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng. 

Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế trong nền kinh tế chuyển đổi, nơi tài sản công đang được cổ phần hóa, hay chuyển giao cho khu vực tư nhân, tình trạng tham nhũng đã nảy nở. Tham nhũng lan rộng đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, xảy ra phổ biến hơn gấp nhiều nhiều lần; là quy mô từng vụ tham nhũng lớn hơn gấp nhiều lần; phương thức, phương cách tham nhũng tinh vi hơn gấp rất rất nhiều lần; là tiền và quyền đã quyện chặt vào nhau hơn bao giờ hết. Quyền-tiền đã trở thành những giá trị đánh bạt đạo đức, kỷ cương và pháp luật.  Thảm trạng này đã phổ biến hết sức rộng rãi. 

Và “hậu quả hết sức nghiêm trọng” hay “khôn lường” mà Ban lãnh đạo Đảng nêu ra cách 1/4 thế kỷ đã được nhân lên gấp bội lần; mối lo về “sự tồn vong của chế độ” không những không giảm bớt mà lại còn tăng lên. 

Ai cũng biết xử lý nghiêm khắc nhất có thể các vụ án đích thực tham nhũng là cần thiết, nhưng chỉ tập trung vào “chống” là rất chưa đủ. Chỉ những người có quyền, không nhất thiết phải có chức, mới có điều kiện để tham nhũng. 

Như vậy, nhóm giải pháp quan trọng nhất để “phòng ngừa” tham nhũng là “kiểm soát quyền lực” một cách chi tiết, cụ thể bằng pháp luật như Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói là “phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp”. 

Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế 

Đây là điều mà Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã chỉ đạo rất rõ tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. 

Ông nói: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, 'lợi ích nhóm'; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm”.

Theo ông Vượng, cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy phải đặc biệt chú ý, thành bại là do cán bộ. 

“Thành trì xã hội chủ nghĩa của cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là công tác cán bộ, là người đứng đầu. Nên ta phải hết sức chú ý, phải làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy”, ông nói. 

Ông nêu thực tế trong mấy năm vừa rồi và cả quá trình đổi cho thấy, người đứng đầu có tâm huyết, ngay ngắn, có ý tưởng, quyết tâm, dám nghĩ dám làm thì tình hình khác. Còn nơi nào mất đoàn kết, co mình lại, không dám hành động hoặc hành động vì bản thân mình thì mất đoàn kết và phong trào đi xuống. 

"Hết sức chú ý công tác nhân sự. Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta", Thường trực Ban Bí thư lưu ý. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh them tinh thần này trong Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Ông nói,  toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. 

Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng". 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

Ông kiên quyết: “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!” 

Vũ Minh