“Đường xưa còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũ sẽ mầu nhiệm biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại…”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tang lễ theo nghi thức tâm tang sẽ kéo dài trong 7 ngày |
Theo di huấn, các nhà sư tại Tổ đình Từ Hiếu và tăng thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Sau lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng), xá lợi của Thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp.
Không xây bảo tháp chính là điều Thiền sư căn dặn. "Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!
Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì”. Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì”. Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn”.
Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy...".
Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy |
Trong khoá tu mùa hè ngày 24/7/2012 tại xóm Thượng, Làng Mai (trích buổi vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh), Thiền sư đã trả lời về sự sống và cái chết. Thiền sư nói: “Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống.
Điều này cần phải quán chiếu kỹ mới có thể hiểu được. Trong đạo Bụt, chúng ta nói về tính tương tức của vạn vật, nghĩa là không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ. Chúng ta phải tương tức với những thành phần khác. Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Nếu bên phải không có đó thì bên trái cũng không thể có mặt. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái.
Cũng vì vậy mà khi Thượng Đế truyền lệnh: "Ánh sáng, hãy xuất hiện đi !" thì ánh sáng thưa rằng: "Con phải đợi, thưa Thượng Đế! Con phải đợi!". Thượng Đế nghe vậy liền hỏi: "Ngươi còn đợi cái gì nữa?". Ánh sáng đáp: "Dạ, con đang đợi bóng tối đến để biểu hiện cùng một lúc". Bởi vì ánh sáng và bóng tối tương tức với nhau. Khi đó, Thượng Đế mới bảo rằng: "Bóng tối đã xuất hiện rồi". Ánh sáng đáp: "Vậy thì con cũng đã có mặt ở đó rồi!".
Điều này cũng đúng với các cặp đối lập như: tốt - xấu, trước - sau, ở đây - ở đó, anh - tôi. Tôi không thể nào có mặt ở đó nếu không có anh. Cũng giống như hoa sen kia không thể nào có mặt nếu không có bùn. Không có bùn thì cũng không có sen. Cũng tương tự như vậy, hạnh phúc sẽ không thể nào có được nếu không có khổ đau, cũng như không thể nào có sự sống nếu không có cái chết…”.
Thầy cùng tăng ni xem sách tại Làng Mai Thái Lan ngày 3/1/2020 |
Trong khóa tu cho người Việt ở Washington, có người hỏi: “Chúng con tu theo Tịnh độ. Khi niệm Bụt A Di Đà chúng con biết khi chết chúng con sẽ về đâu?”. Sư ông Làng Mai trả lời:
“Không phải chỉ khi nào xác thân ta tan hoại và những tác dụng tâm lý của ta không còn biểu hiện nữa thì ta mới về với đất Mẹ. Sự thật là ta đang về với đất Mẹ trong từng giây từng phút. Mỗi khi thở, mỗi khi bước đi là chúng ta đang trở về. Khi chúng ta gãi, những tế bào khô rớt xuống đất là ta đã trở về đất Mẹ. Luôn luôn có những cái cho vào và cho ra đang xảy ra, vì vậy chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ sau khi xác thân tan hoại rồi ta mới trở về. Chúng ta đang trở về và trở ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày.
Con người tự hào mình là những chiến sĩ dũng cảm, nhưng trái đất mới là một chiến sĩ dũng cảm đã trải qua 4 tỷ năm kiên nhẫn, hào hùng chờ đợi cho tới khi sự sống phát hiện. Nói về tình thương, chúng ta thấy đất Mẹ đã cho ra đời không biết bao nhiêu chủng loại và đã tìm cách để nuôi dưỡng các chủng loại đó.
Đất Mẹ cho ta ra đời, cho ta không khí để thở, cho ta nước để uống, thực phẩm để ăn, cho ta cây cỏ để trị liệu, tình thương đó là một tình thương rất lớn. Ta có thể nhận diện hành tinh của ta là một bà mẹ. Đất Mẹ luôn luôn có đó và đón ta trở về với hai bàn tay từ mẫu, để rồi sẽ đưa chúng ta ra đời trở lại. Chúng ta có một bà mẹ tuyệt vời và xinh đẹp như vậy mà không biết trân quý, chúng ta đi tìm một bà mẹ khác trong đầu óc tưởng tượng của chúng ta.
Đất Mẹ đã đưa chúng ta ra đời một lần, khi chúng ta trở về, đất Mẹ sẽ đưa hai tay ra ôm lấy và sẽ đưa chúng ta ra đời muôn vạn lần khác. Không có gì mà ta phải lo sợ”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tận hưởng khoảnh khắc với trẻ em và tăng đoàn. Ảnh chụp mùa Xuân 2014 tại Làng Mai |
GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Australia, trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, và Thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.
Mục sư Martin Luther King từng đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, ông là một trong những người tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu.
An Nhiên
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hiện đại mà sâu đậm bản sắc
Trở về Việt Nam, Sư ông sẽ được hít thở mùi lá thông của đồi Dương Xuân, sớm chiều nghe tiếng chuông tiếng mõ…