Khi tôi viết bài này, 4,77 triệu người Israel đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin; 3,44 triệu trong số đó đã hoàn tất cả 2 mũi tiêm, tức là có 55,1% dân số Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều phòng Covid-19

{keywords}
55,1% dân số Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: Timesofisrael

Nhưng không có nhiều quốc gia may mắn như vậy. Israel là một trường hợp đặc biệt, dân số quy mô nhỏ và khả năng tài chính to lớn, trong khi nhiều nước nghèo ở châu Phi có thể chỉ bắt đầu tiêm chủng vào năm sau. 

Các nước giàu có, chỉ với 16% dân số toàn thế giới đã mua tới 60% nguồn cung cấp vắc-xin trên toàn thế giới, có quốc gia thậm chí đã đặt mua số lượng nhiều hơn số dân của mình. Canada mua cho 453,1% dân số, Anh mua 270,3%, Úc mua 225,1%, Mỹ mua 182,8% dân số. 

Trong khi hầu hết các quốc gia đang phát triển đang “dài cổ” chờ được “phân phối” vắc-xin do liên minh COVAX phân bổ.  

Ốc đảo miễn dịch 

Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin đã trở thành một thứ đáng báo động, khi các chính trị gia dù trước đó vẫn chỉ trích Tổng thống Mỹ thứ 45 về chủ thuyết “nước Mỹ trên hết” của ông, đã chỉ dành mọi tập trung cho việc có được vắc-xin và tiêm chủng cho dân chúng của mình.

Ngay cả Biden, người được quảng bá và tuyên bố, sẽ đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, cũng chỉ tập trung vào việc tiêm chủng cho dân Mỹ, gia cố một “ốc đảo miễn dịch” cho họ. 

Một nghiên cứu mới của Economist Intelligence Unit ước tính rằng Hoa Kỳ, Anh, Israel và EU sẽ vẫn đạt được “phạm vi tiêm chủng rộng rãi" vào cuối năm 2021, trong khi các nước đang phát triển sẽ không may mắn như vậy. Cũng theo báo cáo này, 84 trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không tiêm đủ vắc-xin để đạt được miễn dịch cho đến 2024.

{keywords}
Tiêm vắc-xin Covid-19 thử nghiệm cho một tình nguyện viên tại bang Florida, Mỹ

Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc tổ chức Y tế thế giới, trong một bài viết hồi đầu tháng 2 đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) đã thẳng thắn phê phán: “Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin không chỉ là sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức. Nó còn tự đánh bại về mặt dịch tễ và phản tác dụng về mặt lâm sàng”. 

Thực tế là, sự hợp tác một cách yếu kém ở các quốc gia đang là một rào cản lớn để có thể triển khai tiêm chủng vắc-xin trên toàn thế giới ở quy mô có thể kiềm chế và chấm dứt được đại dịch. 

Công bằng vắc-xin chỉ là khẩu hiệu

Công bằng vắc-xin trở thành một khẩu hiệu nhưng chỉ là một khẩu hiệu mà thôi, lẽ ra đây phải là công cụ để bảo vệ mọi người dân trên khắp thế giới, ở quốc gia giàu và nghèo, thành thị và nông thôn, tăng cường khả năng ngăn chặn Covid-19 của cộng đồng quốc tế. 

Tiếc thay, thực tế hôm nay không diễn ra như vậy, liên minh COVAX đang vật lộn chỉ để mua đủ liều vắc-xin cho 20% dân số của các nước có thu nhập thấp vào cuối năm 2021, một mục tiêu không mấy lạc quan.

{keywords}
Các tình nguyện viên chờ đợi để được kiểm tra tại cơ sở thử nghiệm vắc-xin ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP

Viễn cảnh bất bình đẳng vắc-xin đã rõ ràng và có thể thấy được. Trong khi trẻ em ở nhiều nước đang buộc phải ở nhà, nhiều em bị thất học trở thành lao động trẻ em và những cô dâu trẻ con, thì Israel đã bắt đầu thiết lập các hành lang để công dân có thể du lịch, đi lại với một số quốc gia sau khi tiêm chủng. 

Hộ chiếu vắc-xin sẽ trở nên quan trọng để phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội. Bất bình đẳng trong tiếp cận với vắc-xin, cùng với đại dịch nói chung, sẽ tàn phá nhiều quốc gia nghèo và công dân của họ. 

Trong một báo cáo công bố tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng, cuộc suy thoái vì đại dịch Covid-19 có thể đẩy khoảng 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực giai đoạn 2020-2021. Theo ước tính của mạng lưới di cư LHQ, năm 2019, 164 triệu người di cư làm việc ở các nước giàu có gửi về nhà cho người thân ở những vùng nghèo hơn - đã hỗ trợ khoảng 800 triệu người và tổng trị giá 554 tỷ USD.

Vào năm 2020, con số này dự kiến sẽ giảm 1/5, mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Châu Âu và Trung Á dự kiến sẽ phải chịu mức giảm gần 28% trong mức lương từ các nước khác gửi về nước, trong khi châu Phi cận Sahara giảm 23%. Nam Á có vẻ sẽ giảm 22%, trong khi Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh và Caribe có thể giảm hơn 19%. 

Cuối tháng 2, WHO tuyên bố trên toàn cầu, số ca tiêm chủng Covid-19 hiện đã vượt qua số ca nhiễm được thống kê. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, “hơn 3/4 số lượng tiêm chủng đó chỉ ở 10 quốc gia chiếm gần 60% GDP toàn cầu”. Khoảng 130 quốc gia, nơi sinh sống của 2,5 tỷ người, vẫn chưa sử dụng 1 liều vắc-xin nào kể từ ngày 5/2. Trong khi theo báo cáo của WHO, “một số quốc gia đã tiêm vắc-xin cho tỷ lệ lớn dân số của họ, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng thấp hơn hoặc tử vong". 

Do đó, chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin này sẽ dẫn đến việc nhiều nước không được tiếp cận rộng rãi với vắc-xin, thậm chí đến năm 2023. 

Vòng luẩn quẩn 

Nếu việc tiêm chủng theo cách thiếu hợp tác như hiện nay, thì còn lâu mới có thể đến mức kiềm chế được dịch bệnh. Các nhà khoa học đã nhắc đến một kịch bản ảm đạm khác, khi nhiều biến thể mới phát triển và lây lan sang chính những người có thể đã miễn dịch với chủng virus trước đó, thậm chí chủng mới có thể tàn khốc hơn. 

Thế giới sẽ lại rơi vào một vòng luẩn quẩn.

{keywords}
Một số nhà nghiên cứu trên thế giới, thậm chí đã gọi tình trạng tiếp cận vắc-xin hiện nay là một dạng phân biệt chủng tộc mới

Không chỉ các quốc gia đang phát triển gánh chịu hậu quả của việc không được tiêm chủng hợp lý, một nghiên cứu của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) thực hiện cuối mùa xuân năm ngoái chỉ ra rằng, nếu các nước tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận thiếu hợp tác để phân phối vắc-xin, thiệt hại về GDP toàn cầu có thể lên đến 9,2 nghìn tỷ USD. 

Một kịch bản lạc quan hơn cho thấy, mức thiệt hại có thể giảm xuống còn 4,4 nghìn tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế tiên tiến sẽ gánh chịu 53%, tức là khoảng 48,7 nghìn tỷ hoặc 2,4 nghìn tỷ trong đánh giá lạc quan. Nghiên cứu của ICC cũng khuyến nghị rằng, nguồn đầu tư cho việc tiếp cận vắc-xin công bằng nên được xem xét như một cơ hội đầu tư lớn, và các quốc gia tiên tiến có động lực kinh tế rõ ràng để tăng tốc độ phân phối vắc-xin trên cơ sở phối hợp toàn cầu, giảm thiểu khả năng tác động tiêu cực cú sốc cung - cầu ở các nước thế giới thứ ba dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn ở chính các nước tiên tiến. 

Một số nhà nghiên cứu trên thế giới, thậm chí đã gọi tình trạng tiếp cận vắc-xin hiện nay là một dạng phân biệt chủng tộc mới (và tôi cũng đồng tình với cách đánh giá này), đặc trưng bởi việc ưu tiên tiếp cận vắc-xin cho một số nước và một số người. Phần lớn ưu tiên này dựa trên sự giàu có và địa lý, tạo ra cuộc khủng hoảng nguồn cung trên toàn cầu. 

Giữa một đại dịch toàn cầu, điều đó có nghĩa là không một ai có được sự an toàn, viễn cảnh miễn dịch cả thế giới bị đe dọa.

Kỳ tới: Một con đường khác cho vắc-xin Covid-19

Phạm Quang Vinh

Công nghệ sẽ phá vỡ các trường đại học tự mãn

Công nghệ sẽ phá vỡ các trường đại học tự mãn

Các trường ĐH sẽ cần nhanh chóng thay đổi và thích ứng với tình cảnh mới. Trường ĐH sẽ tồn tại, nhưng không phải với sức mạnh như thời trước đại dịch Covid-19.