Mấy ngày qua, dư luận cả nước bàn tán chuyện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) liên quan đến việc giáo viên chủ nhiệm lựa chọn học sinh giỏi tham gia, học sinh yếu nghỉ học ở nhà.

Vụ việc xuất phát từ tin nhắn của nhà trường gửi phụ huynh với nội dung: Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học.

Thông tin từ tin nhắn là rất rõ ràng, không gây mập mờ, khó hiểu cho người nhận: Có một cuộc thi giáo viên giỏi sẽ tổ chức tại trường; Giáo viên chủ nhiệm lựa chọn học sinh tham dự; Giáo viên chủ nhiệm dặn dò các em trước; Những em không được lựa chọn sẽ nghỉ học.

Điều đáng chú ý là “giáo viên chủ nhiệm được quyền lựa chọn học sinh”. Một lớp bốn năm chục em nhưng chỉ có 20 em được tham dự thì liệu có giáo viên chủ nhiệm nào lại đi chọn học sinh yếu kém? Ai dám làm “mất mặt” nhà trường lúc này? Danh dự, uy tín của nhà trường là trên hết, như chính giáo viên đã thừa nhận với báo chí.

Và đương nhiên quá nửa số học sinh trong lớp “bị loại” thì không chỉ có học sinh yếu kém mà cả học sinh khá giỏi bởi vì, trong thực tế số học sinh yếu kém trong một lớp chiếm tỉ lệ rất thấp vì lí do gì thì ai cũng biết. 

{keywords}
Ảnh minh họa: TTO

“Dạy giỏi” phải là nỗ lực không ngừng

Để tổ chức một cuộc thi GVG cấp Sở, phải lên kế hoạch chuẩn bị từ lâu, phải điều động một lượng lớn giáo viên, cán bộ quản lí tham gia, cùng với cơ sở vật chất trường sở tại nơi tổ chức thi.

Để có 2 tiết dạy thi theo qui định, người đi thi phải mất ăn mất ngủ hàng tháng trời cho việc soạn giáo án, tổ chuyên môn phải duyệt “kịch bản”, học sinh phải được gà bài trước, tổ chức dạy thử nhiều lần. Cá nhân người thi, thậm chí cả lãnh đạo trường phải lo lót các mối quan hệ vì danh dự, vì bộ mặt nhà trường bởi đã đi thi thì không thể về không.

Các tiết dạy thi vì thế nặng về tính chất diễn, hình thức phô trương, không phản ánh đúng bản chất dạy học. Suy cho cùng, đấy là sự lừa dối – một bài học đau đớn mang tên thành tích, mà người phải hứng chịu hậu quả chính là “học sinh thân yêu” của chúng ta.

Tại các trường được chọn làm địa điểm tổ chức thi, việc thực hiện kế hoạch chuyên môn bị đảo lộn.

Ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, toàn trường có 1.892 học sinh, số học sinh đi học trong những ngày thi giáo viên giỏi là 1.229 em, số nghỉ học là 663 em. Có một số lớp số học sinh phải nghỉ học chiếm phân nửa sĩ số.

Nếu tiết dạy thi theo đúng lịch trình qui định thì nhà trường phải tổ chức học bù cho số em đã nghỉ học vì cuộc thi.

Không biết tự bao giờ, danh hiệu “giáo viên giỏi” trở thành cái giấy thông hành khiến nhiều giáo viên bằng mọi cách phải đoạt cho bằng được mà không cần phải là người dạy giỏi thực sự.

Chúng ta đã sai lầm khi đánh giá một nhà giáo chỉ qua 45 phút của một tiết dạy thi và mấy câu hỏi lí thuyết chỉ cần chịu khó đọc trước là thuộc làu.

Chúng ta cũng đã quá sai lầm khi mặc nhiên công nhận giá trị vượt thời gian của cái danh hiệu mà người thầy có được không phải bằng tâm huyết nghề nghiệp và trí tuệ sắc sảo, để rồi chỉ một lần thi trở thành “giáo viên giỏi” suốt đời.

Bởi thế, những cuộc thi giáo viên dạy giỏi không được như kì vọng, không còn là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ nhằm “tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm...”[1]

Giải phóng trí tuệ người Thầy

Đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc tổ chức thi giáo viên giỏi, từ các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo trường phổ thông, các thầy cô giáo cho đến dư luận xã hội. Tựu trung lại, đa phần đều đồng thuận đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên; dũng cảm bỏ thi giáo viên giỏi vì không còn phù hợp với hiện tại.

Tại cuộc gặp giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:

"Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".

Gần đây, trước phản ánh của dư luận về Hội thi GVG ở Hải Phòng, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng khẳng định, nội dung và hình thức cuộc thi không còn phù hợp.

Vậy là, dưới đã đồng thuận, trên đã thông. Những cuộc thi không đem lại tác động sư phạm tích cực như thi giáo viên giỏi cần phải được rà soát lại và sớm bãi bỏ.

Đó là giải pháp tốt nhất để giải phóng sức lao động và trí tuệ người thầy, để họ dồn tâm huyết cho chuyên môn dạy chữ dạy người thay vì “phải chạy theo thành tích, dù vẫn biết bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy - trò không ra trò”, thậm chí phải đồng lõa với cái xấu trong nghề làm thầy”.[2]

Nguyễn Duy Xuân

------

[1]. Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên

[2]. Bộ GD-ĐT khẳng định thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp, Báo Thanh niên, 16/01/2019.