Để có được một môi trường giáo dục lý tưởng và hiệu quả, cần rất nhiều nỗ lực, triết lý giáo dục phù hợp, thậm chí những cuộc cải cách táo bạo và minh triết về giáo dục. 

Bộ GD&ĐT đang dự thảo thông tư quy định điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó quy định rõ 7 hành vi học sinh không được làm. Những hành vi này phần nào thể hiện những thực trạng đang diễn ra trong học đường và sự lo lắng của các nhà giáo dục.

Câu chuyện về kỉ luật học đường và thành tích học tập hay đầu ra của giáo dục có lẽ luôn là điều trăn trở, tốn tâm sức của các học giả về giáo dục, các nhà nghiên cứu tâm lý học đường, giấy mực của báo chí và phản biện của xã hội trong bối cảnh đặt Việt Nam cần những công dân tương lai là nguồn nhân lực chất lượng cao.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Không thể phủ nhận nội quy hay quy định của trường học được đưa ra để đảm bảo sự an toàn và phúc lợi tốt hơn cho học sinh. Một cách khác là thúc đẩy hành vi tốt của học sinh và duy trì hình ảnh tốt đẹp của trường học, cùng những giá trị đạo đức và hành vi mong đợi. Cha mẹ gửi con đến trường không chỉ học kiến thức mà cả các giá trị đạo đức. Thực hiện các quy định của trường học sẽ giúp học sinh hình thành tính cách và các phát huy các giá trị đạo đức được mong đợi.

Thực tế, việc duy trì tương tác nhằm gây cảm hứng học tập, xây dựng và hình thành các giá trị đạo đức cũng như điều hướng cảm xúc phù hợp cho học sinh luôn là mục tiêu lý tưởng với các nhà giáo dục và nhà trường. Song song với đó, việc thi hành kỉ luật trong các quy định ở trường học có thể ảnh hưởng ngược lại tới mối quan hệ thầy trò. Môi trường giáo dục càng lý tưởng là môi trường tự do, cởi mở, có thể nói là ít quy định, vùng cấm với người học.

{keywords}
Học kỳ vất vả của những học sinh cuối cấp

Trong việc giáo dục giá trị, có hai cách tiếp cận chung thường được đề cập đến. Cách tiếp cận truyền thống nhấn mạnh đến việc truyền tải đạo đức của người lớn về xã hội thông qua việc giảng dạy trực tiếp, khuyên nhủ, sử dụng phần thưởng và hình phạt.

Cách tiếp cận tiến bộ, hay còn gọi là “kiến tạo”, nhấn mạnh học sinh tích cực xây dựng ý nghĩa đạo đức, phát triển cá nhân thông qua quá trình tương tác xã hội dựa trên các nguyên tắc công bằng và quan tâm đến phúc lợi của người khác.

Giáo dục kiến tạo là tạo môi trường nhân văn và hướng người học tự trưởng thành. Ở đó, trường học là nơi tiếp thị các giá trị chứ không phải nhắc đi nhắc lại những điều cấm đoán. Trong thuyết đối kháng tâm lý, trẻ con cảm thấy bị nhắc lại những điều cấm, kị một cách thô bạo, đe doạ khoảng tự do của mình thì sẽ dễ phản ứng bằng cách đi đến lập trường ngược lại (hiệu ứng Boomerang). Thay đổi hành vi và thực trạng xã hội không phải bằng cách cứ “cấm” và quy định hành vi.

Ví dụ, mục tiêu cơ bản đề ra cho giáo dục Phần Lan, một mô hình giáo dục hình mẫu trên thế giới, là hỗ trợ sự phát triển của học sinh, giúp họ trở thành những con người có trách nhiệm và đạo đức trong xã hội, và cung cấp cho họ kiến thức cũng như kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Nhiều trường học ở Phần Lan áp dụng các phương pháp giáo dục dân chủ tăng cường khả năng tiếp cận quyết định cuộc sống của học sinh.

Một nhóm các học giả Hinton, Miyamoto và Della-Chiesa (2008) khẳng định: “Việc học tập có thể hiệu quả hơn nếu các nhà giáo dục giúp giảm thiểu căng thẳng và sợ hãi ở trường, dạy học sinh các chiến lược điều tiết cảm xúc và cung cấp một môi trường học tập tích cực thúc đẩy sự phát triển của học sinh”.

Trường học lý tưởng là môi trường xây dựng không gian học tập an toàn cho học sinh. Trường học lý tưởng là môi trường thu hút người dạy quan tâm đến việc học của học sinh và điều chỉnh việc truyền thụ tri thức phù hợp với học sinh. Trường học lý tưởng là dẫn dắt người học ứng xử phù hợp và nhân rộng giá trị nhân văn.

Nhìn lại 5 điều Bác Hồ dạy được dán trên các lớp học ở khắp đất nước hình chữ S, chúng ta luôn thấy vẻ đẹp của những điều học sinh cần hướng tới, những công dân tương lai. Nhiều nhà giáo dục sẽ nghĩ như tôi, học sinh hay người học hướng tới và làm được điều đó là đủ: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh; Thật thà, dũng cảm”. 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn luôn là bài học quý giá để rèn luyện và noi theo.

Quy định đối với người học chính là thể hiện vẻ đẹp của trường học và triết lý giáo dục hướng tới. Những điều chúng ta mong đợi hay lo lắng không thể cứ mang vào quy định “cấm” là xong.

Dự thảo thông tư quy định điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó quy định 7 hành vi học sinh không được làm:

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện và các chất kích thích khác.

4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

 
5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

7. Các hoạt động vi phạm pháp luật.

Phạm Hải Chung

Khi nền giáo dục lâm nguy

Khi nền giáo dục lâm nguy

Gian dối trong giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực yếu kém, sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ quan chức, sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách,... là tấm gương phản chiếu bất ổn của ngành giáo dục nói riêng và quốc gia nói chung.