Thứ năm tuần trước (thứ tư ở Mỹ), tôi có lẽ không phải là người duy nhất chờ đợi một thứ trong bài phát biểu của Tổng thống Biden trước lưỡng viện quốc hội.

Tôi kỳ vọng, bởi theo thông lệ, các tổng thống sẽ không đọc thông điệp liên bang trong năm đầu tiên nhậm chức. Hẳn là phải có gì đó mới mẻ khi ông Biden từng hứa nước Mỹ sẽ hội nhập trở lại với thế giới, một thế giới đang quay cuồng trong đại dịch và cần cam kết, hành động mạnh mẽ từ mọi quốc gia. 

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Dù dịch bệnh đang hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở Ấn Độ, Brazil và các nước thế giới thứ ba, bài phát biểu của Biden đã không đề cập gì đến việc nước Mỹ sẽ đóng góp, hỗ trợ gì cho cuộc chiến toàn cầu. 

Sự nhượng bộ của Tổng thống Biden

Gregg Gonsalves, một nhà dịch tễ học tại ĐH Yale bình luận: “Biden đã mang đến sự tuyệt vọng cho hàng triệu người sẽ phải chờ đợi nhiều năm để được tiêm chủng vắc-xin. Chúng ta phải tiêu diệt bệnh dịch Covid này ngay bây giờ, không phải vào năm 2022, 2023 hay 2024. Hiện tại, Biden đang dựa vào cam kết chia sẻ 60 triệu liều AstraZeneca (từ kho dự trữ của Mỹ) trong khi hàng tỷ người đang cần vắc-xin, thay vì thúc đẩy một chính sách táo bạo”.  

Một chính sách táo bạo mà các chuyên gia như Gregg nhắc đến chính là việc chuyển giao nhanh chóng sáng chế và các bí quyết kỹ thuật cho những quốc gia có nhu cầu, mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin toàn cầu. 

{keywords}
Tiêm vắc-xin tại Bucharest, Romania. Ảnh: AP

Các chuyên gia y tế toàn cầu nhấn mạnh đến việc chính phủ Mỹ đã chi tiêu tiền thuế của dân để đầu tư phát triển các vắc-xin. Mỹ đã tài trợ 100% cho việc tiêm thử nghiệm lâm sàng của Moderna, Pfizer cũng được phát triển với khoản tài trợ 1,95 tỉ USD từ chính phủ, cùng với đó là các hợp đồng mua trước đảm bảo lợi nhuận cho các nhà sản xuất vắc-xin này. Những điều này lẽ ra cho phép chính phủ Mỹ có thể chi phối mạnh mẽ hơn trong việc chia sẻ các giấy phép và bí quyết sản xuất. 

Viện y tế quốc gia (NIH) cũng đang sở hữu một số sáng chế về vắc-xin và Barney Graham, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu vắc-xin của NIH thậm chí đã nói với Financial Times tuần trước: "Mọi thứ được đưa ra từ một phòng thí nghiệm của chính phủ sẽ tuân thủ một giấy phép không độc quyền để nó không thể bị ngăn chặn bởi một công ty nào”. 

Khi tranh cử, vào tháng 7 năm ngoái, Biden từng cam kết sẽ “hoàn toàn, tích cực” không để quyền sở hữu trí tuệ ngăn cản việc đưa vắc-xin ra thế giới. Lúc ấy, Biden thậm chí chỉ trích Trump rằng việc bảo vệ các bằng sáng chế thiếu “bất kỳ phẩm giá nào của con người”. 

Nhưng rốt cuộc, Biden đã nhượng bộ, tránh đối đầu với ngành dược phẩm, báo chí Mỹ đã không thể tìm kiếm được câu trả lời rõ ràng từ chính quyền về việc từ bỏ bằng sáng chế.

Thay vào đó, các cơ quan của chính quyền Mỹ viện dẫn việc đóng góp 4 tỷ USD cho sáng kiến COVAX và việc Biden sẽ gửi 60 triệu liều AstraZeneca cho các quốc gia có nhu cầu.

Những thứ đó chắc chắn là không đủ, ngay cả mục tiêu tương đối thận trọng của COVAX là tiêm chủng cho 20% dân số thế giới ở mỗi quốc gia, đủ cho các nhóm nguy cơ cao và nhân viên y tế, cũng đang bị đe dọa. 

Hôm 15/4, Phó tổng thư ký LHQ Amina Mohammed kêu gọi thêm 2 tỷ USD vào tháng 6 để có được 2 tỷ liều, nhưng lúc đó Ấn Độ chưa có lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin. Còn bây giờ, COVAX sẽ không chỉ thiếu tiền mà sẽ thiếu cả người cung cấp nữa. 

Tháng 10 năm ngoái, Nam Phi và Ấn Độ đã đề xuất lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) việc miễn trừ giấy phép với các sáng chế trong trường hợp khẩn cấp quốc gia dựa trên tuyên bố Doha về Hiệp định các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Tuyên bố này được phát triển dựa trên những trải nghiệm đầy đau khổ của thế giới từ cuộc khủng hoảng HIV/AIDS khi các quốc gia không có được các loại thuốc điều trị phù hợp vì hạn chế bởi các bằng sáng chế trong nhiều năm. 

'Bóng ma' mới 

Đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ nhận được sự ủng hộ của 140 quốc gia, nhưng trong đó không có những quốc gia chủ chốt đang nắm giữ các sáng chế đó, đặc biệt là Mỹ. Chính quyền Mỹ đã cố gắng né tránh, và các ông lớn dược phẩm như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson không làm gì nhiều khi không nhận được những tín hiệu phù hợp từ Washington. 

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hôm 17/2. Ảnh: Reuters

Đề xuất TRIPS cũng nhận được sự tán đồng của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) AdhanomTedros và Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. Tedros cảnh báo cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” sẽ làm hại Mỹ. 

Các chuyên gia về đối ngoại cũng có cái nhìn bi quan tương tự, khi họ thấy Trung Quốc và Nga đang hưởng lợi từ chính sách ngoại giao vắc-xin của các quốc gia này và sự chần chừ của Mỹ. Đã có nhiều lời than phiền công khai về sự tiếp cận yếu ớt của chính quyền Biden đối với việc triển khai vắc-xin ra toàn cầu, đặc biệt cạnh tranh và củng cố giá trị, hiệu quả của trật tự thế giới theo các tiêu chí mà chính quyền Mỹ quan tâm. 

Hố sâu ngăn cách các quốc gia toàn cầu càng thêm rộng lớn, và xuất hiện một bóng ma mới đe dọa thế giới: bóng ma về các thoả thuận địa chính trị toàn cầu khi nó bị chi phối bởi mối quan hệ khách hàng mua vắc-xin, xác định bởi sự bất cân xứng trong cung ứng toàn cầu. 

Rốt cuộc, có vẻ như chính sự chi phối địa chính trị đã làm thay đổi cách tiếp cận của chính quyền Mỹ. Những gì Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai mang đến phiên họp của TRIPS một tuần sau bài phát biểu thất vọng của Tổng thống Biden đã làm không ít người lạc quan. 

Một tuyên bố ngắn được chia sẻ trên trang web của Đại diện thương mại Mỹ và Twitter của bà Katherine Tai, viết: “Chính quyền rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vắc-xin Covid-19. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán dựa trên văn bản tại WTO để biến điều đó thành hiện thực. Các cuộc đàm phán sẽ mất thời gian do tính chất dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan”. 

{keywords}
Trong 1 xe buýt được biến thành địa điểm tiêm vắc-xin di động tại London, Anh ngày 14/2. Ảnh: Reuters 

Không có các chi tiết được chia sẻ thêm để có thể bình luận, cho dù điều này thôi cũng làm không ít người thở phào. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom, trên Twitter của ông, đã ngay lập tức coi đây là “một khoảnh khắc vĩ đại trong cuộc chiến chống Covid-19” và đánh giá “nó phản ánh sự khôn ngoan và tinh thần lãnh đạo” của Mỹ.

GS Matthew Kavanagh (Trung tâm sáng kiến chính trị và y tế toàn cầu, ĐH Georgetown) gọi tuyên bố này là “một thay đổi lớn và quan trọng trong địa chính trị của cách tiếp cận” và cho rằng quan điểm thay đổi của Mỹ sẽ kéo theo một loạt các đồng minh, đặc biệt sẽ thúc đẩy châu Âu ủng hộ sáng kiến này. 

Thế giới hỗn độn trong sự chờ đợi vắc-xin

Nhưng mọi thứ có vẻ không dễ dàng như vậy. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay lập tức phản đối quan điểm của Mỹ. Theo bà, cách tiếp cận này sẽ có thể tạo ra “những tổn hại nghiêm trọng” cho việc sản xuất vắc-xin.

Ngay cả tuyên bố của bà Catherine Tai cũng khó khăn để hiểu, Mỹ có thể sẽ từ bỏ bảo hộ các sáng chế đối với vắc-xin Covid-19, nhưng không nhắc đến các sáng chế với phương pháp (và thuốc) điều trị hoặc chẩn đoán.

{keywords}
Trong một trung tâm vắc-xin ở Paris, Pháp ngày 6/5. Ảnh: AP

Kananagh, một GS về luật và khoa học chính trị, nghi ngờ: “Ma quỷ sẽ nằm trong các chi tiết (của việc từ bỏ). Liệu Mỹ sẽ bảo đảm quyền miễn trừ rộng rãi và thực sự cung cấp sự an toàn pháp lý để có thêm nhiều nhà sản xuất vắc-xin cũng như chẩn đoán điều trị hay không, hay họ sẽ thông qua một sự từ bỏ rất hẹp không đáp ứng được đòi hỏi tại thời điểm đại dịch”. 

Cổ phiếu các công ty dược phẩm như Moderna và Pfizer đã bắt đầu giảm sau tuyên bố của bà Tai, nhưng người ta tin, các công ty này rồi sẽ tìm cách chống lại các nỗ lực của chính quyền.

Ngay trong chính quyền Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuần trước cho biết, các quan chức đang cân nhắc liệu có nên thúc đẩy sản xuất vắc-xin của Mỹ với mục tiêu xuất khẩu thay vì chuyển giao các bí quyết ra nước ngoài hay không.

Và những quan điểm hỗn độn như vậy, cùng với cơ chế quan liêu dựa trên sự đồng thuận của WTO có lẽ sẽ khiến kéo dài thời gian đi đến một thoả thuận. Phiên đàm phán chỉ dự kiến bắt đầu vào tháng 6, và khi đó, có lẽ đại dịch ở những nơi như Ấn Độ hay Brazil đã lên đến đỉnh điểm. 

Thiết lập quyền miễn trừ với sáng chế chỉ là bước đi cần. Để mở rộng chuỗi cung cấp toàn cầu dựa trên các giấy phép mở, sẽ còn cần đến sự hỗ trợ của chính các nhà sản xuất vắc-xin về bí quyết công nghệ. 

GS Gregg Gonsalves nói với tạp chí Chính sách đối ngoại: “Chúng tôi cần văn bản của sự miễn trừ này phải minh bạch và công khai”; “Chúng tôi cần chuyển giao công nghệ ngay bây giờ và Mỹ sử dụng 16 tỷ USD đã trích lập (trong kế hoạch ngân sách 1,9 nghìn tỷ của Biden) để tạo nền tảng mở rộng quy mô sản xuất trong nước và quốc tế”. 

Chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuỗi sản xuất vắc-xin toàn cầu để cung cấp cho thế giới thật ra cũng sẽ bảo vệ cho chính nước Mỹ và các quốc gia đang phát triển, nhưng có vẻ, chính sự thiếu hợp tác sẽ khiến con đường này trở nên dài hơn. Không ai sẽ được lợi trong sự trì hoãn này, ngoài các công ty dược phẩm.

Phạm Quang Vinh

Buộc các công ty dược chia sẻ sáng chế vắc-xin: Ý tưởng xa vời

Buộc các công ty dược chia sẻ sáng chế vắc-xin: Ý tưởng xa vời

Những nước phát triển dẫn đầu trong sản xuất vắc-xin chịu áp lực nặng nề về việc buộc công ty dược phẩm tư nhân chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để tăng nguồn cung toàn cầu. 

Hộ chiếu vắc xin và nỗi lo bị Big Tech lợi dụng

Hộ chiếu vắc xin và nỗi lo bị Big Tech lợi dụng

Các quốc gia khắp thế giới, WHO, WEF, EU và các doanh nghiệp tư nhân đang gấp rút tung ra hộ chiếu vắc xin. Tuy nhiên, các nước cũng chưa đưa ra được yêu cầu chung về mặt đạo đức và pháp lý.