Tài trợ vắc-xin

Với một vắc-xin Covid-19 mới, nhiều chính phủ của các quốc gia có thu nhập thấp có thể thấy mình không đủ khả năng tài trợ chi phí mua đủ liều cho dân số (thường là lớn) của họ.

Những nỗ lực gần đây từ các quốc gia giàu có, chẳng hạn như các sáng kiến được thực hiện bởi các quốc gia châu Âu, hàng tỷ cam kết của Quỹ Bill và Melinda Gates, và nhiều hơn nữa; cung cấp một số hy vọng rằng chi phí tiêm chủng cho các nước nghèo có thể được giảm bớt phần nào. Nhưng ngay cả khi đó, các nước này vẫn sẽ phải chi hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ USD để tài trợ đủ liều vắc-xin cho dân số.

{keywords}
Junior Mhlongo, người Nam Phi đầu tiên được tiêm thử vắc-xin Covid-19

“Hầu hết các quốc gia sẽ không thể trả trước nhiều như vậy. Tuy nhiên, họ có thể trả từng phần nhỏ hơn theo thời gian với nguồn tài chính được hỗ trợ bởi các nước giàu hơn. Một cách để cung cấp nguồn tài chính này là thực hiện cấu trúc trái phiếu do các nước OECD hậu thuẫn cho phép huy động tiền trên thị trường vốn. Các nước OECD sau đó sẽ đưa ra cam kết ràng buộc về mặt pháp lý để thanh toán cho các nhà đầu tư bằng các trái phiếu này theo thời gian” (theo Rebecca Weintraub, Prashant Yadav và Seth Berkeley, tạp chí Harvard Business Review).

2 điểm nghẽn cơ cấu trong nước

Có đủ liều lượng vắc-xin thành công để tiêm chủng cho toàn bộ dân số là một vấn đề. Rào cản khác mà chính phủ các nước đang phát triển phải đối mặt liên quan đến khả năng thực hiện chương trình tiêm chủng trong nước công bằng, toàn diện và hiệu quả về chi phí. Để làm được điều này, các quốc gia này sẽ cần giải quyết 2 điểm nghẽn cơ cấu trong nước: trở ngại quan liêu và các vấn đề cơ sở hạ tầng.

Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tham nhũng có thể thấy vắc-xin được cung cấp cho nhóm những người đứng đầu rất lâu trước khi nó được cung cấp cho phần còn lại của dân số. Cơ cấu quan liêu không hiệu quả cũng có thể dẫn đến việc các quan chức quản lý nguồn lực tiêm chủng không tốt. Ví dụ, nếu phần lớn nguồn lực hướng đến một thành phố lớn trong khi các tỉnh nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi vi rút vẫn bị bỏ qua, điều này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Các can thiệp y tế công cộng trên toàn quốc; trong trường hợp này, một nỗ lực để tiêm chủng cho hàng triệu người; ở các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn cũng sẽ phải giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng không đầy đủ. Nếu không có đủ mạng lưới giao thông đường bộ và các nguồn lực để huy động vận tải hàng không, vắc-xin sẽ đến tay nhiều bộ phận dân cư hoặc quá muộn, hoặc hoàn toàn không - tạo ra những rào cản hậu cần nghiêm trọng. Chúng phải được khắc phục để đạt được quyền tiếp cận công bằng với vắc xin.

Lực lượng lao động ngành y tế bị quá tải

Đại dịch đã làm quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới và khiến lực lượng lao động ngành y tế gặp rủi ro nghiêm trọng. Hàng nghìn nhân viên y tế tuyến đầu đã chết vì virus corona, riêng ở Mỹ có hơn 900 người. Ở các nước đang phát triển, đây đã là một vấn đề lớn hơn do tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp hơn nhiều trong các cơ sở y tế của họ, có nghĩa là không phải tất cả bệnh nhân nhiễm virus corona đều được điều trị đầy đủ.

“Với khả năng chăm sóc sức khỏe kém hơn và tất cả đều tập trung vào việc chống lại Covid-19, các quốc gia nghèo hơn cũng có nguy cơ làm suy yếu các chương trình hiện có để tiêm chủng cho người dân chống lại các bệnh khác. Điều này đã xảy ra trên khắp châu Phi, nơi hàng chục triệu trẻ em đang bỏ lỡ việc tiêm chủng. Đầu tư vào thiết bị bảo vệ cá nhân và năng lực thử nghiệm là cần thiết để bảo vệ lực lượng lao động tuyến đầu toàn cầu” (theo Rebecca Weintraub, Prashant Yadav và Seth Berkeley, tạp chí Harvard Business Review).

Xác định những người cần vắc-xin

Nhiều công dân của các nước đang phát triển thiếu danh tính chính thức - ước tính lên đến hơn 1 tỷ người - và nhiều người thường xuyên di chuyển - một số đến các thành phố lớn để có cơ hội việc làm, một số sống du mục và một số chỉ chuyển đến để sống qua ngày.

Bằng cách này hay cách khác, điều này đặt ra một thách thức lớn cho các chính phủ đang cố gắng tiếp cận tất cả dân số thường phân tán của họ. Không có cách nào để xác minh danh tính trong một xã hội phi chính thức, các nhà chức trách sẽ gần như không thể biết ai đã và ai chưa được tiêm chủng. Nguồn cung cấp ban đầu sẽ bị hạn chế, do đó, điều quan trọng là phải chứng nhận rằng mỗi liều đã được sử dụng cho một bệnh nhân thực sự.

“Một giải pháp đầy hứa hẹn cho vấn đề này là triển khai các ID kỹ thuật số sinh trắc học. Các nước giàu và các nước nghèo hơn có thể và nên hợp tác để phát triển một giải pháp sinh trắc học giá cả phải chăng, có thể tương tác và chính xác cho vắc-xin có thể xác định bệnh nhân ngay cả ở nông thôn và ngoại tuyến. 

Ví dụ trường hợp Simprints, một công ty công nghệ của Anh hiện đang hợp tác với NEC viễn thông Nhật Bản để phát triển một hệ thống như vậy, có thể giúp các chính phủ vượt qua các rào cản nhận dạng để đảm bảo rằng vắc-xin được cung cấp cho tất cả mọi người” (theo Rebecca Weintraub, Prashant Yadav và Seth Berkeley, tạp chí Harvard Business Review).

Đảm bảo một chiến lược công bằng - COVAX

Chúng ta không thể phủ nhận được là một chiến lược công bằng cho Covid-19 (nếu đạt được) sẽ khác nhiều và có khả năng sẽ thách thức hơn so với HIV, vì virus dễ lây lan hơn nhiều. Không giống như HIV; nơi mà phần lớn các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân không có nguy cơ lây truyền; virus corona có thể dễ dàng lây lan qua các giọt bắn và bề mặt đường hô hấp.

{keywords}
Vắc-xin Covid-19 của Nga được đặt tên là Sputnik V. Ảnh: RDIF

Để tránh chủ nghĩa dân tộc vắc-xin cản trở nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới và hai nhóm khác - Liên minh Đổi mới chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations), một nhóm cam kết việc cải tiến vắc-xin mới; và Gavi, một nhóm phi lợi nhuận toàn cầu tập trung vào phân phối vắc-xin, đã thiết lập một hệ thống để đảm bảo việc phân phối và tiếp cận vắc-xin một cách công bằng, Cơ sở Tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (COVAX). Nó kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao đầu tư 18 tỷ USD vào 12 loại vắc-xin thử nghiệm và đảm bảo rằng việc tiếp cận sớm được chia sẻ trên toàn thế giới khi các liều vắc-xin hiệu quả có sẵn.

COVAX tìm cách thu hút các quốc gia giàu có bằng cách khiến họ đặt cược vào một loại vắc-xin hiệu quả cho các ứng viên khác nhau, và bất kỳ loại vắc-xin nào trong số 12 loại này nếu không được COVAX tài trợ thì đều có khả năng thất bại.

172 quốc gia đã tham gia vào COVAX, tuy nhiên, trong một cuộc họp báo vào ngày 25/8, Giám đốc của WHO cho biết sẽ cần thêm kinh phí và nhiều quốc gia cần đưa ra các cam kết ràng buộc đối với cơ sở này. Mỹ, Ấn Độ và Nga đã từ chối tham gia. Trung Quốc đã tham gia vào sáng kiến này, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết là bất kì vắc-xin hiệu quả nào do Trung Quốc phát triển sẽ được phân phối như một “hàng hóa công cộng” toàn cầu. Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng vắc-xin đến từ Trung Quốc có thể gặp phải vấn đề đảm bảo chất lượng, vì một vụ bê bối hồi năm 2018 cho thấy các trường hợp dược phẩm Trung Quốc cắt giảm trong phát triển vắc-xin đã khiến quốc gia này bị mang tiếng xấu toàn cầu về vắc-xin.

Như Bill Gates đã viết, “trong thời kỳ đại dịch, vắc-xin và thuốc kháng vi rút không thể đơn giản được bán cho người trả giá cao nhất,” thay vào đó, chúng phải luôn sẵn có và giá cả phải chăng cho những người bị virus đe dọa nhất. Vào ngày 18/6, WHO đã đưa ra kế hoạch "phân bổ chiến lược" cho việc tiêm chủng, trong đó tổ chức này sẽ ưu tiên cho gần 2 tỷ người trên thế giới. Điều này bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu, người lớn trên 65 tuổi và những người trẻ dưới 30 tuổi nếu họ có nguy cơ Covid-19 cao hơn thông qua các bệnh đi kèm như ung thư, béo phì, tiểu đường hoặc bệnh hô hấp mãn tính.

Tuy nhiên, khi các nước giàu hơn tiếp tục áp dụng cách tiếp cận “mỗi quốc gia cho chính mình”, một kế hoạch phân bổ như vậy rất có thể sẽ thất bại. Các nước nghèo hơn sẽ bị bỏ lại khi giá cả tăng lên - kết quả của một cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi về liều lượng giữa các quốc gia có đủ khả năng chi trả.

Các chuyên gia lo ngại rằng chúng ta có thể thấy tình huống lặp lại trong trận đại dịch vừa qua, nơi các quốc gia giàu có đã mua tất cả nguồn cung cấp vắc-xin hiện có để chống lại vi rút cúm H1N1 trong năm 2009-2010. Quốc gia nào nhận được vắc-xin và họ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho nó sẽ gây ra những hậu quả cho quan hệ quốc tế trong những năm tới, với việc vắc-xin có khả năng trở thành một công cụ đòn bẩy trong ngoại giao.

Việc phân bổ liều lượng công bằng trên toàn thế giới sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc kiểm soát đại dịch so với việc tiêm chủng cho toàn bộ dân số ở các nước giàu nhất. Với những nỗ lực chưa từng có trên toàn thế giới, chúng ta đã tiến đến rất gần với một loại vắc-xin hiệu quả, và chủ nghĩa dân tộc vắc-xin là một rào cản lớn sẽ cần vượt qua để đảm bảo rằng những nỗ lực này thành công trên toàn cầu.

Phạm Vũ Thiều Quang (Đại học Leiden, Hà Lan)

Sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc vắc-xin

Kỳ 1: Sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc vắc-xin

Việc phát triển một loại vắc-xin thành công là một chuyện, nhưng việc cung cấp vắc-xin đó cho tất cả những người cần lại là một vấn đề hoàn toàn khác.