Bây giờ thì dư luận đã hiểu, vì sao Thủ Thiêm đau đến thế sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra chiều 26/6/2019. Bản kết luận này, dù chưa làm vơi đi bức xúc của người dân Thủ Thiêm bởi còn những vấn đề chưa sáng tỏ, nhưng chừng đó cũng đủ để dư luận hình dung được mức độ khủng khiếp của vụ việc kéo dài suốt 20 năm qua. 

Đã từng có những vụ như Vinashin, Vinalines, Vũ “nhôm”, AVG,… nhưng “Thủ Thiêm” đã vượt qua về nhiều tầng nấc sai phạm, về thời gian và sự lũng đoạn của nhóm đặc quyền. 

Tại sao những chuyện động trời như thế lại xảy ra ngay giữa lòng thành phố lớn nhất nước, ở nơi nếu tính đường chim bay chỉ cách cơ quan đầu não thành phố chưa đầy 2 km và kéo dài suốt 20 năm? 

Những gì đã xảy ra ở Thủ Thiêm và một loạt các vụ đại án cho thấy chưa bao giờ nhóm đặc quyền đặc lợi lại lộng hành đến thế. khiến lòng dân bất an, xã hội bất bình đến thế. 

Ngoài xử lý kinh tế, TTCP kiến nghị giao UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm; các sở giao thông vận tải, tài chính, tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, kế hoạch đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án... đã có khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong phần kết quả và kết luận thanh tra. 

TTCP chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm. 

Nhìn vào kết luận của thanh tra có thể thấy, không chỉ một vài cá nhân, không chỉ một nhóm lợi ích dính vào vòng xoáy của “Thủ Thiêm”, đặc biệt là “các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý”. Tầm mức của sự lộng hành không còn giới hạn. Diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý là ai, chưa nói ra, dư luận cũng hiểu. 

Để xảy ra tình trạng này, có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không nhắc đến vai trò của hai ngành có tầm quan trọng đối với sự tồn vong của chế độ, đấy là ngành thanh tra và tổ chức cán bộ.

{keywords}
Cần làm gì để không còn những “nước mắt Thủ Thiêm”?

Thanh tra đã làm gì để phòng chống tham nhũng có hiệu quả? 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò đặc biệt của thanh tra bằng cách nói rất hình tượng: “Thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. 

Thanh tra được Người ví như tai với mắt. Sẽ ra sao nếu “tai, mắt của Đảng và Chính phủ” không tinh tường?Vụ Thủ Thiêm cũng như hầu hết các vụ trọng án khác đều diễn ra cùng mốc thời gian từ những năm đầu thế kỷ 21 đến trước năm 2016, đều kéo dài hàng năm (Thủ Thiêm khoảng 20 năm), đều có mức độ khủng khiếp. 

Sự thật đó khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm, liệu “tai, mắt” của Đảng và Chính phủ có làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong khoảng thời gian này? Tại sao một loạt vụ tiêu cực, tham nhũng to như những quả núi ấy vẫn chui lọt lỗ kim trong khi thanh tra hiện diện khắp các bộ, ban, ngành và địa phương? 

Sự nghi ngờ của dư luận không phải là không có cơ sở. Chỉ xin nêu hai vụ việc nóng hổi của nửa đầu năm nay, diễn ra cách nhau chưa đầy hai tháng. 

Vụ thứ nhất là 5 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận tiền của đối tượng bị thanh tra tại huyện Thiệu Hóa. Trước đó, các thành viên trong đoàn đã có hành vi đe dọa, ép buộc đối tượng bị thanh tra phải đưa tiền để bỏ qua sai phạm. Ngày 26/4/2019, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam 4 tháng đối với 5 bị can, gồm: Lê Mạnh Hà (nguyên Thanh tra viên chính, Trưởng phòng thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo 3) là Trưởng đoàn; Nguyễn Thị Cúc (nguyên Thanh tra viên chính, Phó Trưởng phòng thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo 2) là Phó trưởng đoàn; Dương Văn Bằng, Nguyễn Quý Diễn và Nguyễn Hưng (đều là nguyên Thanh tra viên Phòng 3) là thành viên đoàn Thanh tra, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. 

Vụ thứ hai, xảy ra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc khi đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng của đối tượng bị thanh tra. 

Vụ việc gây chấn động dư luận bởi bà Nguyễn Thị Kim Anh, nữ Trưởng đoàn thanh tra là đương kim Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng. Chuyện cán bộ thanh tra nhận hối lộ không còn lạ lẫm đối với dư luận trong nhiều năm qua nhưng cán bộ chống tham nhũng lại tham nhũng thì quả là một cú sốc lớn khiến niềm tin của người dân đối với lực lượng thanh tra chạm đáy. 

Những cán bộ thanh tra như thế đã quên lời dạy được học ngay từ khi bước chân vào nghề: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. 

Không ít cán bộ “tai điếc”, “mắt” mù, “gương” mờ khiến công tác thanh tra nhiều nơi, nhiều lúc bị vô hiệu, vô hình trung trở thành kẻ dung túng, hợp thức hóa tham nhũng, tiêu cực; bao che nhóm đặc quyền đặc lợi. 

Nếu như tai mắt của thanh tra tỏ tường, minh bạch, tấm gương của họ trong sáng thì sẽ không có hoặc có nhưng bé hơn nhiều những Vinashin, Vinalines, Vũ “nhôm”, AVG,… và nước mắt Thủ Thiêm sẽ không chảy dài suốt 20 năm qua. 

Trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình, không biết chuyện đã là tội, nhưng biết mà không xử lý đến nơi đến chốn (vụ Thủ Thiêm dân khiếu kiện, ăn dầm nằm dề trước cổng các cơ quan chức năng suốt hai chục năm) cho dân nhờ, nước cậy thì cái tội đối với dân nước càng tăng lên gấp bội. 

Làm công tác cán bộ phải biết “dụng nhân như dụng mộc” 

Nếu tai mắt của thanh tra tỏ tường, minh bạch thì sẽ ngăn chặn kịp thời sai phạm ở những vụ đại án, và đương nhiên sẽ không có những cán bộ từ cao cấp đến cấp thấp dính vòng lao lý. Sẽ không có những nguyên Bộ trưởng bị cách hết các chức vụ hay những ai từng quyền uy một thời bây giờ đang run rẩy khi vụ “Thủ Thiêm” bị lôi ra ánh sáng. 

Thanh tra và tổ chức cán bộ vì thế có quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau. Chọn được cán bộ thanh tra tài đức thì vũ khí bảo vệ nhà nước sắc bén, hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực; đặt cán bộ đúng vị trí, khả năng của mình thì sẽ phát huy được sức mạnh của bộ máy công quyền, đất nước phát triển. 

Người xưa nói: “Dụng nhân như dụng mộc”. Công tác cán bộ phải làm được như lời tiền nhân dạy. Nhìn lại những vụ trọng án đã xảy ra kéo theo một loạt cán bộ có chức có quyền vi phạm - có người từng là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, hay Bộ trưởng, tướng tá -  câu hỏi bật ra: Phải chăng công tác cán bộ các cấp các ngành “dụng nhân” không như “dụng mộc”? Bởi rất nhiều vị năng lực, phẩm chất yếu kém, thậm chí tay đã nhúng chàm trong các vụ đại án nhưng vẫn được đặt ngồi ghế cao. 

Với “Thủ Thiêm”, sai phạm của cá nhân ông Tất Thành Cang chẳng hạn, diễn ra từ hồi ông còn là giám đốc sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh. Một vụ việc chấn động dư luận, kéo dài nhiều năm, ai cũng biết, lẽ nào tổ chức không hay để rồi ông Cang vẫn tiếp tục thăng tiến lên chức vụ cao hơn và càng có điều kiện lấy tay che mặt trời, bưng bít sai phạm của mình và nhóm đặc quyền đặc lợi? 

Xin nhắc lại đây lời dạy rất thiết thực, dễ hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. 

Chọn cán bộ tốt hay kém không phải chỉ có quy trình đúng. Biết bao vụ vi phạm trong công tác cán bộ những năm qua như bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm không đúng đối tượng chẳng phải đã được lý giải là “đúng quy trình” đó sao? Trong những trường hợp này, quy trình đúng đã bị nhóm lợi ích hoặc cá nhân chi phối. Nó dễ dàng qua mặt cấp trên bởi vai trò giám sát của người dân bị bỏ qua. 

Nếu thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ để giám sát việc thực thi pháp luật và công vụ thì nhân dân là tai mắt rộng lớn, tinh tường giúp Đảng và Chính phủ lựa chọn được người hiền tài đứng ra gánh vác công việc dân nước giao. 

Phải làm sao cho “tai mắt” của Đảng và Chính phủ tinh tường, trong sáng để không còn những “nước mắt Thủ Thiêm”, “nỗi đau Thủ Thiêm” trong tương lai. Đó là yêu cầu cấp bách của đất nước, ý nguyện khẩn thiết của nhân dân vì một Việt Nam hùng cường, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Nguyễn Duy Xuân