LTS: Nhân sự kiện Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức ngày 2/5 tại Hà Nội, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.
Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII ngày 3/6/2017 là nghị quyết thứ hai của Đảng về kinh tế tư nhân. Nó gợi nhớ về Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp (Khoán 10) của Trung ương 30 năm về trước – Nghị quyết của nguồn cảm hứng đổi mới và là hòn đá tảng đầu tiên trên con đường cải cách kinh tế ở Việt Nam.
Chúng ta hy vọng Nghị quyết 10 lần này cũng là nguồn cảm hứng và dấu ấn đột phá như vậy, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân bởi nông nghiệp và khởi nghiệp là từ khóa quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước này.
Ngày nay, chúng ta đã có một khu vực tư nhân đông đảo gồm hơn 700 ngàn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận.
Mặc dù vậy, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta không thể không trăn trở. Chúng ta chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc, năng suất của khu vực tư nhân nói chung còn thấp, tính phi chính thức cao, nền kinh tế có quá ít các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu,…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tôi cho rằng cần tập trung một số điểm lớn.
Việt Nam sau 30 năm đổi mới vẫn chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc. |
Thứ nhất, xác định kinh tế tư nhân là “rường cột” của nền kinh tế nước nhà.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đây là khu vực mưu sinh cho hàng chục triệu gia đình.
Đóng góp cho tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng tăng lên, hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng.
Nghị quyết 10 đã đề ra mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ đóng góp 50% GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030. Đó là những mục tiêu hiện thực.
Với triển vọng như vậy, và giả định khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng góp tối thiểu 20% GDP trong thời gian tới, thì khu vực kinh tế tư nhân theo thông lệ thế giới sẽ đóng góp ít nhất 80-85% GDP vào năm 2030.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế của người dân và các doanh nghiệp dân tộc - trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, tự cường và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thứ hai, chuyển trọng tâm công tác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thì điều quan trọng không phải chỉ phát triển khu vực này về số lượng mà phải nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Và để làm được điều này, Đảng đã xác định 3 mũi đột phá: cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó thì cải cách thể thế giữ vai trò nền tảng.
Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay, vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển.
Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn ở mức “thường thường bậc trung”, vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhóm 3-4 nền kinh tế hàng đầu ở ASEAN và càng xa so với chuẩn mực của các nền kinh tế phát triển OECD.
Thứ hạng năng lực cạnh tranh thể chế của chúng ta trong những lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh như khởi sự doanh nghiệp, nộp thuế và baorhieemr xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải thể và phá sản doanh nghiệp đang xếp ở nhóm trung bình thấp của thế giới với thứ hạng trên 100 trong số 190 nền kinh tế được World Bank xếp hạng.
“Thể chế nào thì doanh nhân đó”, vì vậy, tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh với quyết tâm tất cả các chỉ tiêu phải đạt TOP 50 của thế giới, và điểm số chung phải lọt vào TOP 3, TOP 4 trong ASEAN vẫn phải là những ưu tiên quan trọng nhất cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp cần có giải pháp đột phá mở đường cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn lên.
10-20-30 là bức tranh tổng thể và khá bất thường của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức. Các doanh nghiệp Việt đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua.
Trong số 700 ngàn doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Do quy mô nhỏ, không có được lợi thế về quy mô, nên chúng ta chưa có được một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Để khắc phục tình trạng này, Luật doanh nghiệp sửa đổi sắp tới phải hướng tới mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp; đồng thời giảm mạnh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có thể lớn lên.
Thứ tư, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính như bảo vệ “tài sản quốc gia”.
Khảo sát PCI của VCCI những năm qua đã cho thấy sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp đang là một trong những mối quan ngại hàng đầu.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần chủ động phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, đảm bảo thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược thúc đẩy hình thức giải quyết tranh chấp dưới hình thức trọng tài và hoà giải thương mại. Kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra doanh nghiệp hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm đầu mối, giảm chồng chéo…
Những nỗ lực này sẽ giúp an lòng doanh nghiệp và động viên họ cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia.
Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI