- Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Đoàn Duy Thành - "ông Kim Ngọc" ở Hải Phòng được Trung ương giao tham gia chắp bút soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động...

“Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba Đình

Kỳ 1: Đêm trước đổi mới và 'anh Ba-Lê Duẩn, anh Năm-Trường Chinh'

Bí thư "khoán hộ" Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc (từ năm 1968-1978, ông là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú) thì nhiều người đã biết.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, còn nổi lên mô hình khoán trong nông nghiệp ở thành phố Cảng với vai trò đầu tàu của Chủ tịch UBND Đoàn Duy Thành (tiếp đó, ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

Sau thành công của mô hình này, Đoàn Duy Thành - "ông Kim Ngọc" ở Hải Phòng còn được Trung ương giao tham gia chắp bút soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động...

"Giải mã" Kim Ngọc

Cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, ông Đoàn Duy Thành đọc các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước về kinh tế, đối chiếu với mô hình và thực tế tình hình đất nước và địa phương mình, ông rất băn khoăn.

Ông đặc biệt chú ý tới mô hình khoán của Vĩnh Phúc áp dụng vào những năm 1966, 1967. Các câu hỏi: Bí thư Kim Ngọc là người thế nào? Động cơ nào khiến ông ký ban hành nghị quyết và chỉ đạo làm khoán? Tại sao ông bị chỉ trích và phản ứng dữ dội khi triển khai mô hình này đến vậy?... cứ lởn vởn trong đầu Đoàn Duy Thành. Ông quyết định phải "thực mục sở thị".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người mặc quân phục đứng giữa) và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành (người ngoài cùng bên trái, hàng trước) về thăm huyện Kiến An và nghe báo cáo về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh chụp lại.

Đầu năm 1973, Đoàn Duy Thành lúc đó là Trưởng ban Công nghiệp kiêm Trưởng ban Khoa học kỹ thuật của thành phố Hải Phòng đã tham mưu với Bí thư Thành ủy Trần Kiên tổ chức một đoàn đi tham quan Thác Bà và qua thăm tỉnh Vĩnh Phú.

Sau bữa cơm trưa do Tỉnh ủy Vĩnh Phú mời tại khu sơ tán, cách Đền Hùng khoảng 20km, ông Thành tách đoàn nói nhỏ với Bí thư Kim Ngọc: "Tôi xin gặp riêng anh hỏi một số chuyện". Kim Ngọc dẫn ông Thành về lán ở của mình.

- Có việc gì mà anh cần gặp riêng? Bí thư Ngọc tay vẫn cầm tăm xỉa răng, bình thản như một ông đồ nho hỏi.

- Thưa anh, tôi muốn xem Nghị quyết về khoán của Tỉnh ủy các anh mấy năm trước? Đoàn Duy Thành đặt vấn đề.

- Hàng "quốc cấm" xem làm gì... ông Ngọc khẽ cười cười.

Nói vậy, nhưng ông vẫn đến tủ, lôi tập nghị quyết và đưa cho Đoàn Duy Thành, không quên dặn: "Đọc tại chỗ thôi đấy nhé". Ông Thành đón tập tài liệu đã gây ồn ã một thời và đọc ngay tức khắc.

- Anh thấy thế nào? Bí thư Ngọc hỏi như thăm dò.

- Hay đấy! Đoàn Duy Thành đáp luôn.

Gương mặt Kim Ngọc như bừng sáng, ông mủm mỉm cười:

- Cũng dám khen cơ à.

Rồi, câu chuyện của hai ông rổn rang quanh chủ đề nông dân và khoán trong nông nghiệp. Sau cùng, Bí thư Kim Ngọc rưng rưng:

- Nông dân mình đói và khổ quá, Thành ơi!

Câu nói đó ám ảnh ông Đoàn Duy Thành mãi đến sau này.

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc gặp với Bí thư Kim Ngọc gần 30 năm trước, ông Đoàn Duy Thành cho rằng, tư tưởng hành động của ông Bí thư "khoán hộ" là anh hùng. Ông đồng cảm với cảnh đói nghèo của dân, dũng cảm "phá rào", mở lối, đi trước để lo cho đời sống của dân.

Nghị quyết khoán của Vĩnh Phúc về tinh thần là đúng nhưng do quá mới mẻ, lại vào thời điểm chưa phù hợp nên đã bị công kích, phê phán. Tuy nhiên, nội dung của nghị quyết này vẫn còn những hạn chế, đơn giản, như thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ khi áp dụng khoán, thiếu hướng dẫn trong triển khai thực hiện...

Ngoại giao Ba Đình và Nghị quyết 24


Ông Đoàn Duy Thành. Ảnh: Hoàng Tiến.
Năm 1979, ông Đoàn Duy Thành được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Trên cương vị mới, Chủ tịch Đoàn Duy Thành dành thời gian xuống với nông dân, giải đáp câu hỏi thường trực trong ông bấy nay: Trên đồng ruộng vựa thóc, một năm hai vụ chiêm mùa, xen một vụ màu mà sao cứ đói triền miên.

Ban đầu ông nghĩ nếu có cày bừa máy vào làm, có giống mới... chắc năng suất sẽ tăng. Nhưng rồi cày bừa máy, khoa học kỹ thuật, giống mới, phân bón thuốc trừ sâu... được đầu tư mà năng suất vẫn đi xuống.

Ông lại nhớ hồi nhỏ, nhà ông ở Hải Dương cày cấy bình thường cũng được 100 kg/sào, vậy mà giờ đây không còn nổi 40kg/sào. Nguyên nhân cốt tử nào ở đây?

 

Ông đến kiểm tra tất cả huyện ngoại thành. Một xã tiêu biểu như Phục Lễ của huyện Thủy Nguyên, họp hợp tác xã, xã viên thường xuyên đến đủ 100%, đánh một hồi trống họp Đảng bộ là 100% đảng viên có mặt.

Thế nhưng, năng suất cũng thất thường, ngày công cũng không khá.

Xã viên cũng chỉ làm nhanh cho xong công việc của hợp tác xã, còn công sức tập trung vào ruộng 5% và đi bắt tôm cá ngoài sông, biển hoặc đi buôn bán lặt vặt.

Kinh tế hợp tác xã chỉ cung cấp 20% cho cuộc sống gia đình họ, bởi vậy họ phải bươn chải bên ngoài là chính.

Nhiều xã khi đó thiếu đói trầm trọng...

Vậy thì, vấn đề mấu chốt ở đây là do khâu quản lý. Ông nhớ tới Bí thư Kim Ngọc và nghị quyết khoán của Vĩnh Phúc...

Chỉ có thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình. Ông đem vấn đề bức xúc này bàn với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và được ông Tạo đồng tình, ủng hộ.

Hai cán bộ chủ chốt trao đổi nhiều lần và dự thảo nghị quyết về "khoán sản" trong nông nghiệp. Tuy nhiên, "khoán" vẫn là vấn đề "tối kỵ" khi đó. Bài học "khoán" ở Vĩnh Phúc bị "đánh" tơi tả 15 năm trước vẫn được nhắc đến như là tấm gương "tày liếp" để nhắc nhở, răn đe.

Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Bí thư Bùi Quang Tạo và Chủ tịch Đoàn Duy Thành chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, phải tranh thủ sự đồng tình của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đoàn Duy Thành nhận "sứ mệnh": "Ngoại giao Ba Đình".


Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành thăm bộ đội và công nhân đang thi công công trình đào sông Cái Tráp (Hải Phòng). Ảnh tư liệu

Ông nhớ lại: "Tôi đến nhà Tổng bí thư Lê Duẩn và báo cáo suốt 3 giờ về thực trạng nông nghiệp, nông dân và chủ trương "khoán" của Hải Phòng. Tổng bí thư nghe rất kỹ và đồng tình. Ông còn bảo: "Cứ về làm, tôi sẽ về xem các đồng chí làm thế nào".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng coi như đồng ý rồi. Khó nhất lúc này là phải thuyết phục được Chủ tịch Trường Chinh. Tôi báo cáo anh Trường Chinh 2-3 lần, anh tỏ vẻ không phản đối.

Một lần khác, trong bữa ăn trưa chỉ có tôi và anh, tôi lại đem vấn đề khoán ra để xin ý kiến anh. Tôi cảm giác anh không vui, nhưng anh không nói vào khoán. Anh kể chuyện huyện Xuân Trường, quê anh với thái độ gay gắt, phê bình huyện này buông lỏng quản lý, để hợp tác xã khoán lung tung, không có kỷ cương gì...

Tôi biết là anh phê bình tôi. Tôi chuyển sang báo cáo công việc khác, về làm kinh tế, về Cảng. Sau đó, để có thực tế thuyết phục, tôi đã bố trí để anh xuống cơ sở, cung cấp các số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống nhân dân, công chức. Cuối cùng đến lần thứ 5 xin ý kiến về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Hải Phòng, anh đã đồng tình".

Chủ tịch Đoàn Duy Thành về bàn với Bí thư Bùi Quang Tạo, là việc khoán đã chín muồi lắm rồi, bây giờ phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức.

Hai ông quyết định chọn huyện Đồ Sơn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 nổi tiếng về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên "mảnh ruộng của mình".

Khi đi cơ sở vào 30, Mồng Một Tết, Chủ tịch Thành vẫn còn thấy bà con lao động trên cánh đồng. Một điều trước đây chưa từng xảy ra. Năng suất vì thế cũng tăng cao, trước đây cả năm cũng chỉ được 3,5 đến 3,8 tấn/ha; ngay trong năm khoán đầu tiên đã tăng lên 4,5 đến 5 tấn thóc.

Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì.

Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước...

Từ thực tế sinh động và thành công của thành phố Cảng, Trung ương giao cho ông Đoàn Duy Thành tham gia soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp cho nhóm lao động và lao động xã viên, góp phần tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy sản xuất phát triển...

"Khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Hải Phòng đã làm cơ sở cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương vào tháng 1-1981 và Nghị quyết Khoán 10 tháng 4-1988 của Bộ Chính trị khóa VI, lúc này sức sản xuất thực sự được giải phóng, sản xuất được bung ra, lương thực bung ra.

Nếu như trước đó anh Lê Duẩn đề ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực nhiều người hoài nghi thì đến đây chúng ta không những đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực, đảm bảo về an ninh lương thực mà còn có gạo xuất khẩu, một sự kiện như mơ giữa ban ngày". (Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)

Kỳ 3: Ám ảnh gạo mậu dịch: cơn “địa chấn” mang tên Ba Thi

Trần Hoàng Tiến

Theo Quân đội Nhân dân

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại