Tuanvietnam lại có cuộc trao đổi với ông Dương Danh Dy về kết quả hội đàm Mỹ - Trung, diễn ra cuối tuần trước tại California (Mỹ).

=> Từ hạt giống gieo trồng đến hoa thơm quả ngọt

Trước cuộc gặp Mỹ - Trung, ông nói rằng trong số vấn đề Trung Quốc sẽ nêu ra có đòi hỏi được Mỹ đánh giá là "bằng vai phải lứa". Kết cục có như ông dự đoán không?

Lần trước chúng ta nói nhiều về phía Trung Quốc rồi, lần này tôi xin nói đến những hành động của phía Mỹ.

Đầu tiên, ngay vừa khi trúng cử, Tổng thống Barack Obama đã sang thăm Myanmar, đột phá vào cạnh sườn của Trung Quốc, khiến ai cũng biết Myanmar dần thoát khỏi vòng tay ảnh hưởng của Trung Quốc rõ ràng có bàn tay chủ động của Mỹ.

Ngoài ra, cần thấy việc Trung Quốc hàng năm phải nhập khẩu 200 triệu tấn dầu, mà con đường vận tải chủ yếu cho tới giờ là từ Trung Đông về qua eo Malacca vào Biển Đông.

Trung Quốc biết rất rõ nếu chỉ một con đường vận chuyển đấy thì rất nguy hiểm, khi có chuyện gì đó nghiêm trọng xảy ra, nên họ có ý định lợi dụng Myanmar làm trạm trung chuyển, để dầu từ Trung Đông về đến Ấn Độ dương là cập vịnh Bengal vào Myanmar, và từ đó chuyển bằng đường bộ về Vân Nam. Nhưng với tình hình Myanmar hiện nay, ý đồ của Trung Quốc có thể bị coi là phá sản.

{keywords}

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 8/6. Ảnh: THX/TTXVN

Sát tới cuộc hội đàm, Mỹ có một số động thái đáng chú ý.

Thứ nhất, Mỹ đã tổ chức tập trận với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, và với Hàn Quốc trong việc tập trận đổ bộ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngay trong tháng 5, đã hạ lệnh điều chuyển 60% hải, lục và không quân của Mỹ trở lại Thái bình dương.

Thứ hai, Mỹ cố tình không coi cuộc gặp gỡ này là chính thức, hơn nữa còn gọi cuộc họp không đeo cà vạt (ta thấy qua TV không chỉ hai nguyên thủ, mà tất cả thành viên hai đoàn đàm phán, đều không đeo.) Điều đó có thể coi là sự "thân tình", nhưng "tính chính thống" giảm hẳn.

Thứ ba là phu nhân Tổng thống Obama, với lý do bận, đã từ chối tiếp phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Bành Lệ Viện, một vị thiếu tướng, xinh đẹp, hát hay và nói tiếng Anh giỏi, đi đâu tôn vai trò của đức phu quân lên rất nhiều.

Với việc không có phu nhân tham gia, Tổng thống Obama đã tước đi của ông Tập Cận Bình một ưu thế rất mạnh. (Để phía Trung Quốc đỡ phật lòng, phía Mỹ đã giảm nhẹ đi chuyện này bằng cách cho phu nhân của Thống đốc bang California dẫn bà Bành Lệ Viện đi thăm bảo tàng.)

Báo chí Trung Quốc đã "cay đắng" phê phán rằng chuyện này "hành động ngoại giao đá phản lưới nhà". Đây là thuật ngữ ngoại giao mới mà bây giờ tôi mới nghe lần đầu.

Trước khi đoàn Tập Cận Bình về nước, phu nhân của Tông thống Obama đã gửi thư riêng cho bà Bành Lệ Viện, và nói lần sang thăm Trung Quốc tới sẽ cho con gái đi cùng.

Thế còn nội dung hai ngày hội đàm thì sao?

Báo chí truyền thông của ta đã đưa nhiều về cuộc gặp này. Riêng tôi nhận thấy có những cái họ công bố sau cuộc gặp, có những việc họ không công bố.

Qua những điều họ công khai thấy Mỹ lên án mạnh về chiến tranh mạng, yêu cầu Trung Quốc giảm thâm hụt mậu dịch, rồi vấn đề Triều Tiên... - những điều mà Mỹ đang quan tâm sâu sắc và Trung Quốc có vai trò chính hoặc dính líu khá lớn.

Còn Trung Quốc yêu cầu Mỹ giải thích rõ chiến lược xoay trục về châu Á - Thái bình dương, và nói rất chung chung là "Thái bình dương đủ rộng để cho hai nước chung sống"...

Tức là vẫn như ý ông đã nhận định trước cuộc gặp?

Vâng. Mỹ vẫn chiếm vị trí thượng phong.

Tôi thắc mắc là tại sao cuộc cấp cao Mỹ - Trung lại diễn ra sớm hơn so với lịch trình các năm trước?

Đây là vì ban lãnh đạo mới của Trung Quốc mới thành lập. Phía Mỹ muốn biết quan điểm của họ ra sao. Vả lại, Trung Quốc cũng muốn biết những thay đổi của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ 2 thế nào.

Ông Tập Cận Bình nói, với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác với nhau nhằm xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cả hai cùng thắng". Câu đó nên hiểu thế nào?

Đó là một thực tế, và Mỹ chấp nhận điều này. Chẳng hạn, quan hệ nước lớn kiểu mới không được Mỹ dùng cho quan hệ với Nga. Nhưng vẫn thấy là Mỹ không coi Trung Quốc là người bằng vai phải lứa.

{keywords}

Hình ảnh đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện khi đến Nga. Ảnh: AP 

Ông nghĩ thế nào về ý định tham gia TPP (hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái bình dương) của Trung Quốc? Bởi vì khi Nhật đã tham gia và Hàn Quốc có ý định tham gia, Trung Quốc sẽ "bỏ rơi" khỏi khối mậu dịch tự do lớn nhất khu vực châu Á - TBD. Vả lại, Nhật và Hàn Quốc sẽ chẳng còn mặn mà gì với khu vực tự do thương mại Đông Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) mới được khởi động đàm phán?

Tôi nghĩ để tham gia thực sự, Trung Quốc phải tính đến nhiều thứ mà Mỹ đang ép rất mạnh trong TPP, như sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, hay đa nguyên về công đoàn. Đối với họ, vượt qua những thứ này không hề dễ dàng.

Hơn nữa, cho dù có ứng xử với Trung Quốc như một nước lớn, sự gia nhập của Trung Quốc vẫn cần sự chấp thuận của mọi thành viên TPP, như Nhật chẳng hạn. Và điều đó không dễ dàng chút nào, anh hiểu rồi chứ.

Ý kiến chủ quan của tôi là việc Trung Quốc tham gia TPP không dễ xảy ra sớm. Cần dăm năm, thậm chí mười năm nữa.

Quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông thế nào?

Trong Tuyên bố 7 điểm của chính quyền Obama, tuy nói là Mỹ là trung lập, không đứng về bên nào, trong tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng chỉ cần Mỹ đòi hỏi tôn trọng tự do hàng hải và phản đối dùng vũ lực trên biển mà người ta thấy thực chất vai trò của Mỹ ở đây.

Quay lại câu chuyện Việt Nam. Ông đánh giá hành động của Việt Nam sau cuộc gặp Mỹ - Trung này như thế nào? Có phải điều mà chúng ta ngại nhất là có sự thoả hiệp nào đó giữa hai cường quốc về vấn đề Biển Đông?

Thứ nhất, chúng ta cần thấy Mỹ không có tham vọng về lãnh thổ lãnh hải.

Thứ hai, từ sau Chiến tranh Thế giới lần 2 tới giờ, người ta thấy rằng một nước, nhất là những nước chậm tiến và lạc hậu, chỉ có thế khá lên được nếu tăng cường hợp tác với Mỹ. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, hay Thái Lan, là những ví dụ rõ ràng nhất sau khi có quan hệ thương mại song phương với Mỹ đều khá lên, giầu mạnh lên.

Vậy chúng ta chơi với Mỹ theo cách nào? Mỹ thì ở xa, còn Trung Quốc sát ngay cạnh.

Tôi nghĩ Việt Nam nên nghiêm túc học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quan hệ với cả Liên Xô và Trung Quốc, mặc dù hai nước lúc đó coi nhau như kẻ thù. Tức là thời cụ Hồ, chúng ta đã không chơi nước này để chống nước kia, cho nên đã tận dụng được sự giúp đỡ  của cả hai. (Tất nhiên, những gì không có lợi thì chúng ta đấu tranh bằng con đường nội bộ, bằng biện pháp hoà bình.)

Để làm được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu rất rõ cả Liên Xô và Trung Quốc.

Nhưng hình như giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tồn tại một hố sâu về hậu quả chiến tranh, mà với một số người không dễ gì quên?

Đã 40 năm kể từ khi Hiệp định Hoà bình Paris được ký kết, và quân Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Vả lại, chúng ta nên học tập tấm gương hoà hiếu của ông cha ta ngày xưa.

Chẳng hạn, khi chống quân Minh để giành độc lập, trong 20 năm quân Minh đối xử với đồng bào ta tàn ác như vậy, "độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi." Nhưng khi chiến thắng, Nhà Lê lại "Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền..., hay Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa..."

Thậm chí, còn đúc tượng "vàng" Liễu Thăng cống nộp cho Triều Minh.

Trong bài phát biểu tại Shangri-La vừa rồi, hình như Thủ tướng cũng có ý mở đường cho các mối quan hệ mới...

Trong phát biểu của Thủ tướng ở Shangri-La, ông có đề cập tới lòng tin chiến lược. Cả thế giới bây giờ sống trong nghi ngờ lẫn nhau.

Nếu xây dựng được lòng tin chiến lược, thì nói riêng, trong quan hệ của Việt Nam với Mỹ và TQ, các bên mới tìm được đúng hướng đi, mới xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược mà các bên mong muốn. Tôi tin đây là hướng mở cho các mối quan hệ.

Xin cảm ơn ông.

Trong chuyến thăm không chính thức lần này, Tổng thống Obama còn tặng riêng ông Tập Cận Bình một chiếc sofa hai người ngồi, bằng gỗ thông đỏ - một sản vật riêng của bang California (nghe nói năm 1972, khi Nixon sang Trung Quốc lần đầu tiên, cũng tặng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời đó sản phẩm làm bằng loại gỗ này).

Huỳnh Phan