Lời tòa soạn: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về tuanvietnam@vietnamnet.vn

Đó là thông điệp về: hiện thực hóa hệ thống 24 triệu siêu thị/hộ gia đình; sẵn sàng khởi động nhanh quá trình công dân điện tử; phát triển toàn diện doanh nghiệp công nghệ số với sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; tận dụng cơ hội thay đổi thể chế dưới sự lãng đạo của Đảng…

Những thông điệp đó được rút ra từ triết lý: "Muốn đi nhanh, phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ". Theo đó, Bộ thực hiện việc tắt sóng 2G, hỗ trợ 4G, và tiếp tục đứng vào tốp đầu trong những quốc gia trên thế giới sớm tự sản xuất được thiết bị 5G. Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý việc đổi tên Bộ Thông tin Truyền thông thành Bộ Truyền thông - Kinh tế số.

Cùng với tổng kết của nhiều bộ, ngành và địa phương khác trên cả nước nhân dịp cuối năm 2019, những thông điệp từ hội nghị trên đây của Bộ TT-TT đã tiếp lửa cho công cuộc Đổi mới tiến vào giai đoạn mới. Ở đó, cuộc Cách mạng 4.0 là công cụ hữu hiệu để Việt Nam thực hiện bỏ đi gánh nặng của quá khứ, kể cả việc phải đổi tên cơ quan quản lý nhà nước, sáp nhập đơn vị hành chính, không tiếp tục tổ chức Hội đồng nhân dân thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Đó là những tín hiệu khởi đầu một giai đoạn mới của những kiến tạo để Việt Nam làm nên một thần kỳ mới ở Đông Á.

{keywords}
Cuộc Cách mạng 4.0 là công cụ hữu hiệu để Việt Nam thực hiện bỏ đi gánh nặng của quá khứ

Gánh nặng lịch sử

Gánh nặng của quá khứ là những bản án đối với một số cựu quan chức. Ở góc độ rộng lớn hơn, đó là gánh nặng chung của cả nước về thoái hóa, biến chất, nhúng chàm của cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược. Loại cán bộ này một phần đã được phát hiện và xử lý, một phần đã phát hiện nhưng chưa xử lý, và một phần nữa còn đang nằm trong bóng tối.

Gánh nặng của quá khứ cần bỏ đi này tuy nhân dân đã biết, đã nêu từ lâu nhưng bị bỏ qua, vài năm gần đây đã được thực hiện với sự khởi động đầy ấn tượng. Giai đoạn tới, nhân dân kỳ vọng sẽ vĩnh viễn bỏ đi được gánh nặng quái gở này, mặc dù chúng chỉ mới xuất hiện và lan truyền từ nửa chặng đường đã qua của công cuộc Đổi mới, nhưng để lại biết bao hệ lụy.

Gánh nặng của quá khứ về tập đoàn kinh tế nhà nước tuy một số đã được sắp xếp lại, nhưng đa số vẫn tiếp tục đeo bám, làm trì trệ nền kinh tế. Gánh nặng này ai cũng thấy bởi nó nhân danh quả đấm thép, nhưng đã quay lại hạ gục mục tiêu tiến nhanh, tiến mạnh lên cường thịnh, khiến đất nước không thoát ra được bẫy trung bình mà nhiều quốc gia trên thế giới đã mắc phải.

Gánh nặng này của quá khứ đã tới lúc phải được loại bỏ, không thể tiếp tục trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội" được nữa. Tình trạng đó đã dẫn đến những giải pháp trù trừ, lúng túng trong sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trên hoạt động thực tiễn 30 năm qua, những tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh không hiệu quả đã được chuyển từ các bộ ngành lên trực thuộc Thủ tướng chính phủ; vẫn không hiệu quả, lại trả về để trực thuộc bộ ngành; vẫn tiếp tục không hiệu quả, lại lập thêm Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu đà này không kết thúc thì con đường tiến tới hùng cường của đất nước sẽ một lần nữa bị lỡ nhịp,

Khác với hai gánh nặng trên đây chỉ mới phát sinh trong quá khứ của thời kỳ Đổi mới, thì gánh nặng về tiêu cực của kinh tế tư nhân lại có gốc rễ sâu xa từ nhiều thập kỷ phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa, nơi không thừa nhận khu vực kinh tế này. Ngay khi khởi động công cuộc Đổi mới, Nhà nước đã chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân với nhiều loại hình kinh doanh đa dạng như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ.

Vài năm gần đây, chủ trương trên của Nhà nước đã được cấp quan trọng khi đặt kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc bỏ đi quá khứ của nền kinh tế kế hoạch hóa đối với kinh tế tư nhân đã có chủ trương ngày càng sáng rõ, mạnh mẽ, đã đem lại nhiều thành tựu to lớn với sự xuất hiện và đóng góp của khoảng 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân, 5 triệu hộ kinh tế gia đình…

Tuy nhiên, có đến 96% trong tổng số các đơn vị kinh tế này đều đang là những doanh nghiệp có qui mô dưới mức trung bình của thế giới. Đã tới lúc phải bỏ đi quá khứ của con số 96% này. Đây là việc đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ ba phía, trong đó có sự kiến tạo từ phía Nhà nước, có sự xung tạo từ phía tư nhân, có sự công tạo từ phía xã hội. Sự hội tụ của "ba tạo" này là bảo đảm vững chắc để khu vực kinh tế tư nhân thực hiện vai trò động lực trong sự phát triển thần kỳ đang được kỳ vọng của Việt Nam.

Nhà nước kiến tạo

Gánh nặng của quá khứ về "Nhà nước quản lý" trong nền kinh tế kế hoạch hóa chưa được chuyển thành "Nhà nước kiến tạo" mặc dù thông điệp về việc này từ lâu đã được gửi đi từ người đứng đầu Chính phủ. Quá khứ về "quản lý" đã làm cho bộ máy nhà nước, cán bộ nhà nước tiếp tục chìm sâu vào mê cung quyền lực. Ở đó, bộ máy quản lý càng tinh giảm lại càng phình to ra, chức năng quản lý càng được phân định rạch ròi lại càng thêm chồng chéo, nhiệm vụ quản lý càng được phân công phân cấp cụ thể lại càng tạo thêm sơ hở để "voi đi lọt lỗ kim" không chỉ một con mà là cả đàn.

Không biết từ bao giờ, cụm từ nhà nước "thống nhất quản lý nền kinh tế xã hội" lại bị chuyển thành nhà nước "quản lý nền kinh tế xã hội". Việc bỏ đi thuộc tính "thống nhất" trên đây đã khiến nhà nước phải thực hiện "cái gì cũng quản" trong khi đáng ra chỉ quản những gì cần "thống nhất" trong phạm vi cả nước. Vì "cái gì cũng quản" nên tất cả đều trở nên khó quản. Và khi đã khó quản thì giải pháp dễ được lựa chọn nhất không gì khác là ngăn cấm. Việc ngăn cấm được thực hiện nhanh nhất là ban hành các loại văn bản dưới luật, thậm chí sai luật.

Đã tới lúc cần bỏ đi quá khứ về "Nhà nước quản lý" và chuyển sang "Nhà nước kiến tạo", ở đó có những kiến tạo về đường lối, chủ trương, thể chế, chính sách, bộ máy, cán bộ, công cụ và cơ chế điều hành.

Cái gì cũng quản rõ ràng không phải là thế mạnh của Nhà nước, trong khi những kiến tạo trên đây lại là thế mạnh không gì thay thế được của Nhà nước. Việc Bộ TT-TT được gợi ý đổi tên thành "Bộ Truyền thông và Kinh tế số" để bỏ lại phía sau tên tuổi cũ đã không còn phù hợp của mình, thì tên về "nhà nước quản lý" cũng nên được đổi thành "nhà nước kiến tạo". Với tên mới này, hoạt động kiến tạo của nhà nước sẽ cung cấp cho xã hội những sản phẩm của sự phát triển, của sự đột phá, của tính hiệu lực và hiệu quả mà "Nhà nước quản lý" từ lâu hằng mong ước nhưng chưa với tới được.

Những sản phẩm kiến tạo không sợ thừa mà chỉ sợ thiếu, không sợ đa dạng mà chỉ sợ đơn điệu bởi nhu cầu của xã hội về phát triển, đột phá, hiệu lực, hiệu quả là vô tận, hoàn toàn ngược lại với nhu cầu được quản lý ở cả đầu ra hay đầu vào.

Với "Nhà nước kiến tạo", bộ máy sẽ tự tinh gọn, cán bộ "cắp ô" sẽ không có chỗ để chiếm ghế, hệ thống chính trị sẽ không bị huy động tới chóng mặt để vào cuộc hết việc này đến việc khác ở mọi cấp mọi ngành như lâu nay. Đặc biệt, các "tổ công tác" không còn phải được thành lập hết năm này đến năm khác chỉ là để giúp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất làm thay các Bộ trưởng trong thực hiện chức năng chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy, phối hợp thực hiện công việc cụ thể đã được Thủ tướng và Chính phủ giao.

Trong nửa đầu tháng 1/2020, một Tổ công tác nữa ra đời như một xu thế khó cưỡng của một "nhà nước quản lý" chưa được chuyển thành "nhà nước kiến tạo".

Trước thềm Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các ngành, các cấp đều tiến hành tổng kết năm 2019, sốc lại đội ngũ như đã thấy từ Bộ TT-TT để tiến vào giai đoạn mới của công cuộc Đổi Mới.

Với trên 96 triệu dân đang trong giai đoạn vàng của dân số trẻ, với 5 triệu đảng viên cùng một tâm nguyện sống, học tập và làm việc theo gương lãnh tụ Hồ Chí Minh, với quá khứ vẻ vang của 90 năm tuổi Đảng và 75 năm tuổi của nền Cộng hòa Dân chủ và Cộng hòa XHCN, Việt Nam có đủ bản lĩnh chính trị, đủ hiền tài và trí tuệ, đủ nguồn lực thiên nhiên và nhân văn để làm nên một Việt Nam hùng cường, lập thêm một thần kỳ mới sau một số thần kỳ đã có ở thế kỷ XX tại Đông Á. 

TS Đinh Đức Sinh