LTS: Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao - sinh ngày 15/5/1921.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 40 năm cống hiến cho ngành ngoại giao, ông đã thể hiện là nhà ngoại giao kiệt xuất, có tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, sáng tạo, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực đối ngoại.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Tuần Việt Nam trích lược tham luận của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại tọa đàm "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Ngoại giao chủ trì. 

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu tại một hội nghị ngoại giao. Ảnh tư liệu

Hội nghị ngoại giao lần thứ 13 họp vào tháng 5/1977, trong đó đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đóng vai trò hết sức quan trọng với tư cách Thứ trưởng phụ trách công tác tổng hợp, đã chỉ ra những điểm yếu của ngành.

Hội nghị đã đề ra 5 chủ trương lớn: Một là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng cân đối giữa hoạt động ngoại giao và xây dựng ngành. Thứ hai, gấp rút bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ về quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế cũng như chính sách đối ngoại và lý luận chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ; riêng đối với nhân viên nghiệp vụ thì đào tạo theo hướng “giỏi một việc, thạo nhiều việc”.

Ba là khẩn trương đào tạo cán bộ cấp vụ theo quy chế tập sự theo những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cũng như năng lực quản lý.

Thứ tư, cải tiến tổ chức và phương pháp làm việc theo hướng bảo đảm tính hệ thống và tính tổng thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị, xây dựng đơn vị trong nước trước rồi tới các cơ quan đại diện ở bên ngoài.

Và cuối cùng là, phát huy vai trò làm chủ của quần chúng đi đôi với việc xây dựng hệ thống chính sách đòn bẩy, gắn công tác Đảng với công tác chuyên môn và công tác xây dựng ngành.

Toàn bộ phương hướng, nhiệm vụ trên đã được triển khai và đi vào cuộc sống dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch khi ông được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 1/1980, đồng thời tham gia Bộ Chính trị và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Không còn phải “đi xin” cán bộ lãnh đạo từ bên ngoài

Về chủ trương thứ nhất, nhiều cán bộ vốn chuyên làm công tác đối ngoại đã được điều động về làm công tác xây dựng ngành, Tiểu ban xây dựng ngành - đơn vị độc nhất vô nhị trong các bộ, ngành, đã được thành lập năm 1979.

{keywords}
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ nhà đồng sáng lập đảng Xã hội Pháp Jean-Pierre Chevènement năm 1982. Ảnh: Le Monde

Tiểu ban do đồng chí Nguyễn Dy Niên phụ trách, năm 1980 đổi tên thành Tiểu ban tổng hợp nội bộ rồi Vụ Tổng hợp nội bộ và tôi được cử làm Vụ trưởng sau khi đồng chí Nguyễn Dy Niên được đề bạt làm Thứ trưởng.

Thông qua quyết sách độc đáo này, các hoạt động liên quan tới xây dựng ngành đã liên kết với nhau trong một tổng thể, từ khâu đề xuất chủ trương đến phối hợp hành động, tổ chức thực hiện. Kể từ ngày đó, các đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Thứ trưởng phụ trách công tác nội bộ đều là cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp.

Về chủ trương thứ hai, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã quyết định tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho toàn bộ đội ngũ cả về lý luận chính trị lẫn kiến thức chuyên ngành về quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới, kinh tế thị trường, ngoại giao Việt Nam…

Đồng chí không chỉ đưa ra chủ trương mà còn đích thân chỉ đạo và chỉnh sửa giáo trình, đôi khi trực tiếp lên lớp.

Nhiệm vụ thứ ba liên quan tới việc đào tạo cán bộ quản lý cấp vụ và cả cấp bộ kể từ năm 1983 là một trong những quyết sách mang tính đột phá đối với sự phát triển lâu dài của ngành ngoại giao.

Nội hàm chủ yếu của chủ trương này là: Thông qua việc phát huy dân chủ thật sự từ cơ sở lên tới Bộ để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; Thông qua sự rèn luyện trên thực tế để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý; Đi đôi với việc chọn lựa, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ trẻ, tiếp tục duy trì cơ chế “đề bạt thường xuyên” đối với các cán bộ lâu năm, từng trải và giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ quản lý.

Thông qua cơ chế này, sau 2 năm thí điểm đầu tiên (1978 - 1979) đã đề bạt được 60 cán bộ cấp vụ; trong 8 năm, từ 1978 - 1986 đề bạt được 110 cán bộ cấp vụ - nhiều gấp 3 số cán bộ đã được đề bạt trong 20 năm trước đó.

Tương tự như tập sự cấp vụ, thông qua cơ chế tập sự cấp bộ đã chọn ra được một số cán bộ trưởng thành trong ngành lên giữ cương vị lãnh đạo Bộ. Kể từ ngày đó, ngành ngoại giao không còn phải “đi xin” cán bộ lãnh đạo từ bên ngoài về.

Có thể nói thành quả quyết sách mang tính đột phát này không những đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý của ngành mà còn tạo dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý đông đảo cho tới nay vẫn chưa “xài hết”.

Nhiều người trong số cán bộ thời đó cũng như các khóa sinh viên Trường ngoại giao thời đó đã trở thành ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư TƯ Đảng, ủy viên TƯ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng hoặc tương đương, khoảng 30 Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng.

Điều đáng mừng là kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Bộ Ngoại giao được nhiều ngành, ban tham khảo, áp dụng.

Rất tiếc rằng, chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về cơ chế chọn lựa và đào tạo chuyên gia chưa thành công, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế công chức nhà nước.

Lãnh đạo không thể ngồi bờ, cầm que chỉ

Thể theo nhiệm vụ thứ tư, Bộ trưởng đã đưa ra 2 quyết sách quan trọng.

Một là, hình thành các đơn vị tổng hợp cả về chính trị lẫn kinh tế, văn hóa và xây dựng ngành nhằm bảo đảm tính tổng thể trong công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện trên cả 4 lĩnh vực chủ yếu của ngành. 

Hai là, phân công lại nhiệm vụ của các thành viên lãnh đạo Bộ theo hướng “xóa bỏ vương quốc”, mỗi Thứ trưởng và tập sự cấp bộ (mang chức danh Trợ lý Bộ trưởng) phụ trách một lĩnh vực chung.

Vào nửa cuối những năm 1980, Thứ trưởng Trần Quang Cơ phụ trách công tác nghiên cứu chung và việc giải quyết vấn đề Campuchia; Thứ trưởng Nguyễn Dy Niên phụ trách công tác xây dựng ngành; Thứ trưởng Vũ Xuân Áng phụ trách lĩnh vực hậu cần, Trợ lý Bộ trưởng Vũ Khoan gánh trách nhiệm “phễu” (tức là xử lý công việc hàng ngày của Bộ) và Trợ lý Bộ trưởng Lê Mai phụ trách lĩnh vực đào tạo cán bộ…

{keywords}
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hàng ngồi, ở giữa), bên phải là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cùng các đại biểu dự hội nghị Ngoại giao tháng 4/1985. Ảnh tư liệu

Về nhiệm vụ thứ năm, chất lượng hoạt động của Đảng ủy cơ quan cũng như các đảng bộ, chi bộ cơ sở được đổi mới theo hướng nâng cao vị trí - vai trò cũng như chất lượng và hiệu quả hoạt động; gắn kết chặt chẽ cơ chế ba mặt: chính quyền - Đảng và đoàn thể với vai trò phối hợp của Tiểu ban - Vụ tổng hợp nội bộ và sự chỉ đạo của một đồng chí Thứ trưởng.

Ngoài ra, trong nghị quyết của hội nghị Ngoại giao 13 không đề cập nhưng tôi cho rằng chúng ta cần ghi nhận một chủ trương đổi mới nổi bật của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đối với ngành ngoại giao của chúng ta là chuyển hướng về nghiên cứu.

Trước đó, công tác nghiên cứu chưa mang tính tổng hợp, chưa có cái nhìn tổng quan dài về lịch sử, rộng về không gian, chưa đi sâu vào bản chất các sự kiện, hiện tượng, chiều hướng để tìm ra quy luật. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử  trong nghiên cứu ngoại giao, tạo nền tảng cơ bản cho công tác nghiên cứu của ngành suốt những năm sau đó, cho tới tận ngày nay.

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn nhấn mạnh rằng, muốn đẩy mạnh công tác nghiên cứu thì người đứng đầu phải trực tiếp làm công tác nghiên cứu. Đồng chí từng nói, nếu cán bộ lãnh đạo ngồi trên bờ, cầm que chỉ xuống ao, bảo anh em ngụp lặn thì chẳng đi tới đâu cả.

Tầm quan trọng của nghiên cứu dự báo

Trên thực tế, đồng chí đã nêu cao tấm gương về mặt này khi trực tiếp làm nghiên cứu, thậm chí tự tìm kiếm, ghi chép tư liệu. Ông rất ham mê đọc sách và luôn lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ các nhà khoa học trong và ngoài nước, cho phép anh em tự do tư tưởng, miễn là nói có sách, mách có chứng và ông sẵn sàng tranh luận sòng phẳng với thuộc cấp.

Bên cạnh công tác nghiên cứu đối ngoại, ông rất quan tâm nghiên cứu kinh tế thế giới cũng như trong nước, gắn kết chúng với nhau trong một tổng thể. Ông cũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu dự báo vì ông cho rằng, chỉ nhìn cái trước mặt hai năm rõ mười rồi thì chẳng có tác dụng gì mà phải nhìn cho xa, nghĩ cho rộng, dự báo chính xác tình hình thì mới chủ động ứng phó được.

Tình hình ngày nay đã khác nhiều so với hơn ba chục năm trước song nhiều ý tưởng và quyết sách của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn còn nguyên giá trị. Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ông một cách thiết thực nhất là hiểu thấu và vận dụng dưới hình thức thích hợp những ý tưởng, quyết sách đầy tính sáng tạo và hiệu quả của ông.

Đại sứ Vũ Khoan (Nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Thủ tướng)

Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - vị Bộ trưởng ‘phá vây’

Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - vị Bộ trưởng ‘phá vây’

Ông được biết đến là vị Bộ trưởng “phá vây”, có đóng góp lớn vào việc giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và trong khu vực.