Nhận diện đối tượng

Trong cuộc chiến chống chống dịch Covid-19 hiện nay ở TP.HCM, vì sao chúng ta chưa đạt hiệu quả mong muốn dù đã cố gắng tối đa với sự hỗ trợ hết lòng của cả nước? 

Tôi cho rằng, chúng ta chưa biết đầy đủ đối tượng tác chiến trong giai đoạn mới cho dù đã cơ bản nhận thức được đặc điểm của biến chủng Delta qua các tài liệu quốc tế và qua thực tiễn Việt Nam.

Có một điều quan trọng là để đánh giá thực trạng tình hình, chúng ta chưa ước lượng được tổng số người bị lây nhiễm trong toàn bộ dân cư TP.HCM giai đoạn hiện nay là bao nhiêu.

Hằng ngày Bộ Y tế công bố số lượng F0 tăng lên trong 24h của cả nước và của TP.HCM. Thực ra đó chỉ là con số được phát hiện thêm, chưa phải là toàn bộ số tăng thêm trong ngày, chỉ là phần nổi, chưa có phần chìm. Đến giai đoạn này, phần F0 chìm chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với phần nổi. Càng về sau, mỗi ngày ta thấy số phát hiện ngoài khu cách ly, phong tỏa càng nhiều, càng chiếm đa số, đã chứng tỏ điều đó.

Số tích lũy của những con số phát hiện thêm hơn 200 ngàn chỉ là tổng số F0 lộ diện chứ không phải là toàn bộ số F0 kể cả phần chưa lộ diện tồn tại trong cộng đồng của TP.HCM. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng. 

{keywords}
TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm, truy vết tìm F0 còn ở ngoài cộng đồng. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ta chưa đánh giá được toàn bộ tảng băng nghĩa là chưa đánh giá được tổng thể sức mạnh của đối tượng tác chiến. Và hầu như ta tập trung toàn bộ quân chủ lực chỉ đối phó với phần lộ diện, lại là phần nhỏ hơn nhiều. Đó là sự lệch hướng khi dùng chiến lược cũ cho giai đoạn mới.

Để minh họa, xin thử đưa ra tính toán ước lượng.

Dựa vào đâu để xác định tổng số người bị lây nhiễm (F0)? Thật khó xác định chính xác, chỉ có thể ước lượng. Thử tham khảo kết quả thống kê tính toán của Cộng đồng châu Âu, nơi có cách thống kê, tính toán khoa học. So sánh tình trạng dịch của TP.HCM hiện nay có thể coi là tương đương thời kỳ cao trào của họ. Độ ác liệt của bệnh dịch của riêng TP.HCM có lẽ cao hơn phần lớn các nước châu Âu, trừ Ý.

Tỷ lệ lây nhiễm của các nước thành viên khối này phân bố trong khoảng từ 2,6 đến 16,1% (theo GS Nguyễn Tuấn, người Úc gốc Việt).

Nếu so sánh với các nước có độ ác liệt cao nhất thì tỷ số lây nhiễm trên dưới 16%, rất choáng, nên tôi thử lấy tỷ lệ trung bình của họ là 9,3% để giả định là tỷ lệ lây nhiễm của TP.HCM để tính toán tham khảo, quy tròn thành 9%, thấp đi một chút, chắc cũng không xa thực tế TP.HCM là mấy.

Với dân số TP.HCM khoảng 15 triệu (tính cả số tạm cư), 9% của 15 triệu là 1.350.000 F0 cả chìm cả nổi.

Tổng số F0 nổi được công bố đến ngày 30/8 là hơn 204 ngàn, tính tròn 200 ngàn cho dễ. Như vậy số F0 chìm còn tới khoảng 1.150.517, đại loại coi là 1.150.000.

Đó là những con số chỉ ước chừng nhưng tôi tin không quá xa sự thật.

Như vậy đối tượng tác chiến của ta không chỉ có 200.000 nguồn lây lộ diện (đang không ngừng tăng thêm) mà còn có 1.150.000 ẩn diện vẫn âm thầm phát triển. Điều quan trọng cần xem lại là ta đang xử lý với từng phần chìm, nổi ra sao?

Tại sao chỉ tập trung vào chống giặc lộ diện

Trước hết, phải nói rằng một F0 vừa là một nạn nhân cần được bảo vệ, vừa đã trở thành nơi trú ẩn và phát tán virus cần kiểm soát.

Trên thực tế, hầu như mọi sự quan tâm và giải pháp chống dịch hiện nay chỉ tập trung vào số F0 lộ diện, huy động toàn bộ hệ thống bệnh viện, thiết lập tháp điều trị... để xử lý số F0 này. Sự quan tâm từ lãnh đạo, của mọi lực lượng chống dịch, của thông tin đại chúng đến toàn bộ xã hội đều tập trung vào đây.

Còn phần chìm của tảng băng với hơn một triệu F0 chưa lộ diện thì sao? Chúng ta chưa làm được và mới chỉ cố gắng làm chúng lộ diện được phần nào.

Phải thấy rằng toàn thể cộng đồng đang chung sống với số nguồn lây khổng lồ chưa lộ diện đó. Hơn 1 triệu F0 ấy cứ lặng lẽ lây lan với tốc độ kinh hồn, lặng lẽ phân hóa thành 80% số F0 (khoảng 920.000) có  khả năng tự khỏi, 20% F0 (khoảng 230.000) có nguy cơ chuyển nặng, lẽ ra phải vào bệnh viện mà vẫn ở nhà, và do thiếu được chăm sóc y tế nên có tỷ lệ chuyển nặng tất nhiên sẽ cao hơn, tử vong nhiều hơn. Tất cả đều diễn ra lặng lẽ, không có mặt của lực lượng y tế, đứng ngoài các con số thống kê.

{keywords}
Cộng đồng đang chung sống với số nguồn lây F0 chưa lộ diện

Bỏ quên phần chìm này là một sai lầm mang tầm chiến lược, có thể là nguyên nhân lớn nhất cho sự mất kiểm soát hiện nay.

Tất nhiên đối phó với phần chìm là rất khó, chống kẻ thù khuất mặt bao giờ cũng khó. Khó thì phải công phu tìm giải pháp cho bằng được.

Một số kiến nghị

a) Nên chuyển từ chiến lược "Loại dịch ra khỏi cộng đồng" sang "Sống chung với dịch nhưng kiềm chế tác hại của nó".

Trên thực tế, chúng ta đang sống chung với dịch. Hàng triệu F0 chìm không ngừng lây nhiễm, và hơn 60 ngàn F0 nổi đang được cho về cách ly tại nhà. 

Tôi rất mừng khi nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng cần biết cách sống chung lâu dài với dịch.

Xác định dứt khoát như vậy là rất đúng, là để xây dựng một loạt giải pháp thích hợp có hiệu quả, thoát cảnh lúng túng như vừa qua. Nên rút kinh nghiệm của nhiều nước đã chủ trương chung sống với dịch.

b) Cần tăng tốc phủ vắc xin với nhận thức mới rằng đối với biến chủng Delta, không chỉ 70% là đủ mà phải đạt 80-90% dân cư được tiêm vắc xin mới đủ tạo miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời tranh thủ nhập và nghiên cứu các loại thuốc đặc trị và thuốc hỗ trợ để tiến tới có thể được sử dụng phổ biến đến tủ thuốc gia đình.

Cần coi đó là hai nhóm vũ khí cơ bản để chiến thắng. 

c) Giảm tải tối đa đến mức có thể đối với các bệnh viện; cải thiện điều kiện làm việc, đời sống, sức khỏe đội ngũ của y bác sĩ. Đó là giải pháp trực tiếp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị.

Tăng thêm lực lượng để hỗ trợ các hộ lý, tăng tình nguyện viên, cho người nhà vào chăm sóc F0, không để các F0 một mình... để góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Đưa hết các F0 không triệu chứng hoặc nhẹ về cách ly tại nhà, kể cả người trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền, nhờ sự chăm sóc tốt hơn dưới sự hướng dẫn của y tế, có thể làm giảm tỷ lệ chuyển nặng.

Cần cải thiện một cách cơ bản việc tổ chức cấp cứu, đó là sự đảm bảo quan trọng cho việc tổ chức cách ly và chữa bệnh tại nhà, đặc biệt khi việc này trở thành phổ biến trong trong cộng đồng.

d) Đã chấp nhận chung sống với dịch thì phải chấp nhận sự lây lan chưa giảm, thậm chí còn tăng lên. Nhưng trước mắt cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức hợp lý để chờ phủ vắc xin rộng rãi.

Mặt khác, cần tăng cường sức đề kháng của cộng đồng, cụ thể là:

Củng cố hệ thống y tế cơ sở, hướng dẫn phổ biến kiến thức y tế cộng đồng, kết hợp tốt đông tây y, sử dụng các phương pháp dân gian như xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt... các loại thuốc hỗ trợ sức khỏe.

Theo dõi chặt chẽ các F0 cách ly ở nhà và diễn biến dịch trong địa phương.

Cải thiện môi trường sống, nhất là ở các khu nhà trọ, các hẻm nhỏ chật chội, các khu nhà mé sông nước đen ngòm... Hướng dẫn cải thiện cách ăn uống cho khoa học. Phổ biến xây dựng nếp sống văn minh, tăng cường tập luyện thân thể. Khẩn trương cải tiến việc cung ứng nhu yếu phẩm, khai thác tốt hệ thống thương nghiệp vốn có, không thay thế nó, chỉ bổ sung các biện pháp chống lây nhiễm mà thôi, ví dụ như tiêm chủng đầy đủ và xét nghiệm thường xuyên cho các thương nhân và shipper.

Trên thế giới đã từng có những trận dịch kinh hồn, ví dụ năm 1918 có dịch cúm H5N1 khởi đầu từ Tây Ban Nha đã làm  hơn 50 triệu người tử vong. Cho đến nay chủng cúm này vẫn tồn tại, thỉnh thoảng bùng phát trong gia cầm nhưng không còn khả năng thành dịch lớn ở người.

Chúng ta tin rằng, sẽ đến lúc có thể coi dịch do virus Sars-Cov-2 cũng như một loại cúm mùa quen thuộc mà chung sống bình thường.

Trần Hồng Quân

Khởi động lại nền kinh tế

Khởi động lại nền kinh tế

Ngày 4/9 có một tin tốt lành: Chuyến bay chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Những hành khách này đã tiêm 2 liều vắc xin...