Gần đây, tôi thường nhận được ngày càng nhiều tin nhắn, cuộc gọi của bạn bè, đồng nghiệp, người quen trong TP. Tinh thần chung họ ủng hộ nỗ lực chống dịch nhưng ở góc độ cá nhân, nhiều người không khỏi băn khoăn khi thời gian phong tỏa đã kéo dài 2 tháng.
Trưởng một nhóm thiện nguyện kể, phường anh có 70 ngàn nhân khẩu thì có tới 40 ngàn là công nhân, lao động chân tay tự do. Anh nói, ngay cả người địa phương cũng đã rất khó khăn, huống hồ các gia đình công nhân, lao động chân tay trọ trong những dãy nhà lợp tôn.
Đến nay, TP.HCM đã thực hiện cách ly nghiêm ngặt được 2 tháng song số ca dương tính, đặc biệt trong các khu phong tỏa và cộng đồng vẫn tăng cao. Vì thế, khi tiếp tục phong tỏa tới đây, cần hỗ trợ khẩn cấp cho rất nhiều hộ dân, đặc biệt những dân di cư và lao động tự do vốn là những người lọt qua tấm lưới an sinh xã hội.
Có nhiều gợi ý, nào là phát tiền cho dân, nào cấp phát lương thực, nào sự chung tay của chính quyền và các tổ chức.
Tôi xin góp một phần trong nỗ lực chung đó.
Kinh nghiệm EU
Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực tổ chức phong trào “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”. Theo đó, tại các khu trung tâm, thành phố sẽ rà soát, xét nghiệm, bóc tách F0 để chuyển hoá thêm nhiều mảng xanh trên bản đồ. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố sẽ sử dụng bản đồ nguy cơ Covid-19 để theo dõi, đánh giá việc triển khai.
Từ 20/7, "vùng xanh" được thiết lập tại cư xá Đô Thành, đến nay phường 4, quận 3, TP.HCM có 12 chốt giữ "vùng xanh". Ảnh: Thanh Phương |
Nhiều khu vực tại TP.HCM đã bắt đầu triển khai các "vùng xanh không dịch", là những khu an toàn, chưa có ca nhiễm hoặc không còn nguy cơ lây nhiễm.
Các “vùng xanh” được thiết lập tại các hẻm, các khu dân cư, hầu như “vùng xanh” nào cũng có sự túc trực của các tình nguyện viên.
Tại khu vực “vùng xanh”, người lạ, shipper không được phép ra vào. Khi các shipper tới giao hàng phải đứng bên ngoài hàng rào, gọi người đặt hàng ra nhận và toàn bộ hàng hóa đều được khử khuẩn.
Phải nói, đây là cách làm rất tốt để đảm bảo sức khỏe lẫn an sinh xã hội và sinh kế của người dân. Kinh nghiệm này đã từng được triển khai ở một số quốc gia EU khi dịch bùng phát năm 2020. Lúc đó, một số nước EU phân các khu vực địa lí thành 4 màu, xanh - vàng - đỏ - xám tùy theo mức độ lây lan của virus.
Giữa các khu vực màu xanh sẽ thoải mái đi lại, từ xanh sang 3 màu còn lại cũng không bị ngăn cản. Từ vàng sang xanh phải áp các biện pháp kiểm dịch nhưng sang đỏ thì không. Và đương nhiên, từ xám đi bất cứ đâu cũng phải chịu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Màu xanh: Tỉ lệ nhiễm trong 14 ngày thấp hơn 25 trường hợp trên 100.000 dân và tỷ lệ dương tính với xét nghiệm dưới 4%;
Màu vàng: Tỉ lệ nhiễm trong 14 ngày thấp hơn 50 trường hợp trên 100.000 dân, nhưng tỉ lệ xác thực của xét nghiệm là 4% hoặc số ca nhiễm trong 14 ngày từ 25 đến 150 trường hợp trên 100.000 nhưng tỉ lệ dương tính của xét nghiệm dưới 4 %;
Màu đỏ: Tỉ lệ nhiễm trong 14 ngày là trên 50 trường hợp trên 100.000 dân hoặc và tỉ lệ dương tính của xét nghiệm là 4% trở lên hoặc tỉ lệ nhiễm trong 14 ngày cao hơn 150 trường hợp trên 100.000;
Màu xám: Không có đủ thông tin hoặc xét nghiệm. Những biện pháp kiểm dịch có thể là yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ, hoặc chịu cách li 10 ngày, hoặc có “hộ chiếu vắc xin”…
Theo bác sỹ Trần Văn Phúc, cách làm này của EU là rất khoa học, đảm bảo kiểm dịch hiệu quả, không gây khó khăn cho người dân, không quá tải ở nhiều khâu.
Ví dụ một người từ vùng xanh sang vùng đỏ đương nhiên không bị áp kiểm dịch, người từ vùng đỏ sang vùng xanh muốn di chuyển ngay thì cần xét nghiệm PCR, nhưng người từ vùng đỏ sang vùng xanh chưa cần di chuyển thì có thể chấp nhận cách li 10 ngày.
Chủng Delta lây lan quá mạnh, hệ số lây nhiễm R0 là 7, nên cách chữa bệnh “truy vết, khoanh vùng” từng rất hiệu quả năm ngoái giờ không còn thích hợp, không còn cơ hội quay về tình trạng Zero Covid nữa.
TP.HCM đã cho F1, F0 nhẹ tự cách ly tại nhà như là một biệt pháp rất quan trọng để bảo vệ hệ thống y tế và bác sỹ, nhân viên y tế và đội ngũ hậu cần.
Rõ ràng, triết lý chống dịch “truy vết, khoanh vùng” trước đây khi có 1 F0 là phong tỏa cả nhà máy, cả bệnh viện, bắt tất cả F1 đi cách ly đã được chuyển hướng rất nhẹ nhàng và hiệu quả.
Nay, với kinh nghiệm của EU, TP chắc chắn sẽ đẩy nhanh việc phân vùng “xanh - vàng - đỏ - xám”. Tất nhiên, xác định vùng đỏ hay xanh còn tùy theo mức độ dịch bệnh (bao nhiêu ca/dân số) để tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 hay thậm chí Chỉ thị 17, hay chỉ là Chỉ thị 15 hoặc thậm chí nới lỏng.
Những phường, quận mà hết ca nhiễm hoặc có một vài ca thì không nên áp dụng các biện pháp quá mạnh để phong tỏa như những phường có 100 ca.
Nếu phân vùng được thì sẽ không những đảm bảo được an sinh xã hội, giảm bớt stress trong dân ở những vùng xanh, vùng mà còn bảo vệ được sản xuất, bảo vệ lưu thông của doanh nghiệp.
Virus sẽ tồn tại lâu dài và vì thế chính quyền cần tỉnh táo, cương quyết tìm ra những biện pháp phù hợp, không để dân sợ hãi, không để dân kiệt quệ nếu muốn chống dịch thành công.
Tư Giang
Giải bài toán tử vong do Covid-19
Bài toán thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay, đó là con số tử vong do dịch bệnh.