Từ nỗi niềm cán bộ ngành y

Phát biểu của ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) ngắn nhưng đầy trăn trở về số phận của không ít cán bộ trong ngành y tế. Bà cho rằng, tất cả những gì (liên quan đến dịch bệnh) chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại liên quan đến lỗi chủ quan của mỗi người quản lý và lỗi của chủ trương, của chính sách.

Bà nói: “Thực sự ngành nào cũng có những tiêu cực, tích cực... Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự. Bản thân tôi làm việc trong ngành y tế, tôi rất đau lòng... Ở đây chính là trách nhiệm của quản lý và của Chính phủ”.

{keywords}
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Phát biểu của bà Lan không đề cập trực tiếp đến những vụ án liên quan đến ngành y tế gần đây, điều mà ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nói một cách bộc trực, thẳng thắn.

Theo ông, điểm chung của các vụ án vừa qua là các cán bộ y tế là quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ vì các tội về chức vụ mà còn cả các tội về kinh tế như vi phạm quy định về đấu thầu, về kế toán.

Ông nhắc lại bộ luật Hình sự năm 2015 và cho rằng, những cán bộ quản lý trong ngành y tế, giáo dục vi phạm nhiều. Ông Long đặt câu hỏi: “Vậy những vi phạm của số bác sĩ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống pháp luật và quản lý điều hành ngành y tế hay không?”

Một bác sĩ được cất nhắc làm lãnh đạo, quản lý một bệnh viện thì hội tụ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn. Giám đốc bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ cho những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm từ những chuyện mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, đến việc đấu thầu thiết bị y tế.

“Thật không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được coi là đội ngũ tinh hoa của đất nước”. ĐB Long nói, ông không có ý định bào chữa cho bất kỳ ai, bởi dù là thầy thuốc, thầy giáo thì họ là những con người có chức vụ, quyền hạn, mọi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm minh.

“Tuy nhiên, nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là những người thầy mà vi phạm pháp luật thì rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại, xét ở mọi góc độ, cả về pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị nhà nước”, ông nói.

Đại biểu Long cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công.

Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong ngành kinh tế mà cũng là để không thấy cảnh các bác sĩ sẽ vướng vào vòng lao lý bởi những công việc mà đáng nhẽ họ không phải làm hoặc không được làm.

Phát biểu của 2 ĐB trên và còn nhiều ĐB khác nữa trong phiên thảo luận của Quốc hội rõ ràng phản ánh tâm tư của rất nhiều y bác sỹ với nhiều đóng góp trong 2 năm đại dịch.

Đến bức xúc với các cán bộ chống dịch cực đoan

Tâm tư của các cán bộ ngành y, dù vậy, chỉ là một góc về công tác cán bộ, năng lực, sự dũng cảm, dấn thân hay không mà các ĐB nêu ra. Đặc biệt, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chỉ ra không ít bất cập, hạn chế của không ít cán bộ cơ sở khi thực thi công vụ trong phòng, chống dịch bệnh.

{keywords}
ĐB Mai Thị Phương Hoa: Có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận

Bà nói, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ chia cắt, nhưng tại một số thời điểm vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết.

Điều này gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như đặt ra những giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch.

Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo bám sát địa bàn, một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch. Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi nhưng đến thời kỳ dịch bệnh thì càng bộc lộ rõ hơn.

Cá biệt, một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh gôn trong thời gian giãn cách, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực, có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu người dân như coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu.

Hơn nữa, bà nói, có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận như việc một số cán bộ địa phương vào nhà dân bắt ép một phụ nữ làm xét nghiệm Covid.

“Những trường hợp nêu trên, tuy không phải là phổ biến, nhưng đã tạo ra hình ảnh phản cảm, phần nào làm mất uy tín của chính quyền. Vừa qua tôi được biết nhiều tỉnh, thành phố đã có những xử lý đối với cán bộ vi phạm. Tôi cho rằng đây là việc làm đúng đắn”, ĐB Hoa nói.

Bà khẳng định, trước hết, cán bộ phải nêu gương, nghiêm túc chấp hành trước, nếu có sai phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo ĐB, có 3 bài học. Thứ nhất, bất cứ việc gì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục và trong những tình thế cấp thiết khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc xử lý và hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật. 

Bài học thứ 2, việc đưa ra quyết sách, biện pháp đều phải cân nhắc, trên cơ sở bảo đảm sức khỏe, tính mạng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thứ 3, khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, lợi ích chung, hợp lòng dân thì người dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Dịch bệnh còn kéo dài, kinh tế còn khó khăn, nhiều lĩnh vực đang đòi hỏi việc xử lý mang tính đột phá mới tạo đà phát triển. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các cán bộ dám nghĩ, dám làm hơn lúc nào hết.

Những nhận xét, đánh giá về cán bộ, công tác cán bộ trong ngành y nói riêng, hay trong hệ thống nói chung của các vị ĐBQH được đặt ra tại phiên thảo luận là rất đáng quan tâm trong bối cảnh Bộ Chính trị gần đây đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo đó, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Tư Giang

Ra quyết sách thời dịch

Ra quyết sách thời dịch

Đất nước đang ở giai đoạn khó khăn, có lẽ người dân cả nước đều cảm nhận được. Chắc chắn lãnh đạo Nhà nước, ngành y đều có các chuyên gia tầm cỡ trong ban cố vấn, giúp giải quyết những vấn đề cốt lõi.