Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu chia sẻ của nguyên Tổng thống Estonia Toomas Hendrik IIves về những câu chuyện thành công của Estonia khi chuyển đổi số quốc gia tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2020.
Từ Silicon Valley
Cho phép tôi bắt đầu bằng việc nêu ra một nghịch lý. Trong 3 năm qua, tôi đã sống ở giữa thung lũng Silicon, nơi được coi là trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ thông tin của thế giới.
Trong bán kính 12 km từ văn phòng của tôi tại Stanford, bạn sẽ nhìn thấy trụ sở của Tesla, Apple, Google, Facebook, Palantir và Youtube. Ngoài ra còn vô số các công ty và dịch vụ thương mại khác doanh thu ít hơn thế một vài tỷ USD.
Nơi đây chính xác được coi là trung tâm của cuộc cách mạng số trong vòng chưa đầy 3 thập kỷ đã hoàn toàn định hình lại thế giới, một thế giới bất kỳ ai đã sống trong những giai đoạn trước đây đều không thể nhận ra. Gần như tất cả các công ty này đều cung cấp cho chúng ta những dịch vụ sử dụng hàng ngày, từ sáng đến tối, trong khi hầu như không ai nhớ lại 20 năm trước chưa công ty nào trong số này ra đời, nếu xa hơn chút nữa, chỉ 30 năm trước đây, vào cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh dường như là điều viễn tưởng.
Nguyên Tổng thống Estonia Toomas Hendrik IIves: Estonia cần tiến hành chuyển đổi số và cách thực hiện việc đó là thông qua các trường học |
Thế nhưng, khi sống ở trung tâm thung lũng Silicon, nếu tôi cần đăng ký cho con đi học hoặc lấy bằng lái xe hay có bất kỳ tương tác nào với cấp chính quyền, địa phương của bang, quốc gia khả năng rất cao là tôi phải trực tiếp lái xe đến cơ quan chính quyền, chờ đợi hoặc đứng xếp hang hàng giờ. Sau đó, điền vào các biểu mẫu và đơn đăng ký bằng tay, đứng xếp hàng để nộp chúng, tiếp theo mất hàng tuần đợi chờ kết quả xử lý.
Nói tóm lại, không giống như những điều kỳ diệu của cuộc sống số mà chúng ta sống với những chiếc điện thoại thông minh và các ứng dụng được cài trên đó, các dịch vụ công và phương tiện quản trị hầu như không khác những năm 1950 và 1960.
Điều này đúng với hầu hết các nơi trên thế giới hiện nay, không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở nhiều quốc gia giàu có nhất, “tiên tiến” nhất.
Đến trường hợp của Estonia
Estonia bước vào con đường số hóa chính phủ như thế nào và tại sao làm như vậy? Đây là vấn đề thuộc về kinh tế học phát triển, bắt kịp phương Tây. Năm 1938, năm cuối cùng trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Estonia và nước láng giềng phía Bắc là Phần Lan được xem có cùng mức GDP bình quân đầu người. Không quốc gia nào trong hai quốc gia đặc biệt giàu có, nhưng trình độ phát triển rất gần nhau.
Trái lại, vào năm 1992, năm đầu tiên sau khi nền độc lập của Estonia được khôi phục, GDP bình quân đầu người của Phần Lan đã đạt xấp xỉ 24.000 USD, trong khi của Estonia chỉ là 2.800 USD, chênh lệch đến 8 lần.
Hơn nữa, giống như trường hợp của tất cả các nước đang phát triển, Estonia phải đối mặt với một nghịch lý của Zeno về chàng Asin nhanh chân phải đuổi kịp con rùa chậm chạp đã xuất phát trước. Trong nghịch lý này, giống như Asin, Estonia sẽ không bao giờ bắt kịp vì con rùa đó hay người Phần Lan, rộng hơn là các quốc gia phát triển trên thế giới, họ vẫn đi trước dù Estonia có làm gì đi chăng nữa.
Giải pháp để bắt kịp nằm ở chuyển đổi số đất nước. Cảm hứng ý tưởng đó xuất phát từ chính cuộc sống của tôi, từ việc tôi hiểu được bước nhảy lớn về công nghệ, đó là trình duyệt internet đầu tiên.
Tôi may mắn được học lập trình máy vi tính ở lứa tuổi chẳng ai nghĩ sẽ học lập trình vào thời kỳ đó - năm 1969 khi 15 tuổi trong một lần thử nghiệm của giáo viên toán, người đang theo học chương trình tiến sĩ về giảng dạy toán học tại Đại học Columbia.
Năm mươi năm trước, học lập trình bao gồm việc thuê một chiếc máy điện báo đánh chữ độc lập chạy băng đục lỗ, một modem điện thoại lớn mà phải gắn ống nghe điện thoại vào một miếng hút chân không rộng 10cm, tiếp đó được kết nối với một máy vi tính có bộ nhớ lớn (máy vi tính trung tâm) đặt cách đó khoảng 30 dặm. Mặc dù vậy, nhóm nhỏ học sinh trung học đều học lập trình trong Basic.
Giải pháp của Estonia nằm ở chuyển đổi số đất nước |
Sau đó, ở trường đại học, tôi nhìn thấy trên bảng thông báo một quảng cáo về lập trình cho một máy vi tính trong phòng thí nghiệm với thời gian 10 giờ mỗi tuần. Tôi nộp đơn và nhanh chóng được ngồi trước một chiếc hộp to bằng cỡ bàn uống cà phê. Đó là chiếc PDP-8, loại máy vi tính nhỏ bán ra thị trường đầu tiên, được sử dụng trong các phòng thí nghiệm vào những năm 1970 và được đặt tên như vậy vì dung lượng bộ nhớ tối đa là 8 kilobyte.
Ngày nay, con số này là dung lượng của một email trống trơn. Vì giới hạn này, tất cả các lệnh phải được viết bằng ngôn ngữ Assembler, một ngôn ngữ lập trình hệ thập lục phân (hệ đếm cơ số 16) với tất cả các lệnh được viết bằng mã chữ và số. Tuy nhiên, với kiến thức lập trình từ thời trung học, đó không phải là một thử thách không thể vượt qua với tôi.
Hai mươi lăm năm sau khi học lập trình và tuyệt vọng về việc làm thế nào để Estonia có thể bắt kịp với Tây Âu, tôi nảy ra ý tưởng nếu có thể học cách làm điều đó khi còn là một học sinh trung học, thì tất cả trẻ em đều có thể và nên học cách sử dụng máy vi tính.
Nguồn cảm hứng thứ hai
Nguồn cảm hứng thứ hai cho việc số hóa Estonia đến vào năm 1993, khi trình duyệt web đầu tiên, Mosaic ra đời. Mosaic có giá khoảng 29,95 USD vào năm 1993, bạn thực sự phải đi mua trình duyệt này trong một cửa hàng và cài đặt nó vào máy vi tính bằng đĩa mềm. Là một người đam mê máy vi tính, tôi đã làm việc này.
Tuy nhiên, điều khiến tôi kinh ngạc khi cuối cùng đã vận hành được trình duyệt này là ở đây có một cái gì đó mới, rất khác biệt, nhưng đồng thời cũng rất hứa hẹn, khi tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo như Hoa Kỳ, Phần Lan, Estonia, Đức, Nhật Bản đều ở vị trí như nhau, bắt đầu trên một sân chơi bình đẳng. Đó là lúc Estonia cần tiến hành chuyển đổi số và cách thực hiện việc đó là thông qua các trường học.
Trong khi Internet chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, dù thế nào bạn vẫn có thể thấy nó hoạt động được. Ngay lúc đó, tôi đã biết mặc dù sẽ mất thời gian, nó sẽ cất cánh và chi phối đời sống của chúng ta. Đó là chỉ mới 4 năm sau khi Tim Berners Lee, cha đẻ của mạng lưới toàn thế giới (www), phát minh ra Giao thức truyền tải siêu văn bản (Hyper Text Transfer Protocol), ký hiệu "http" mà bạn thấy trước mọi địa chỉ Internet và là cái cho phép Internet vận hành được.
Chắc chắn là phương Tây đã có hệ thống đường cao tốc, xa lộ liên bang và cơ sở hạ tầng phát triển nói chung, nhưng Internet sẽ là tương lai của tất cả mọi người, nhưng không mang lại cho ai lợi thế nửa thế kỷ phát triển mà Estonia đã không có được. Ít nhất nếu Estonia nhanh chóng lên chuyến tàu này.
May mắn Estonia có một Bộ trưởng Giáo dục sáng suốt vào thời điểm năm 1995 là TS Jaak Aaviksoo, người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đã thúc đẩy chính phủ chấp thuận đề xuất đưa máy vi tính vào tất cả trường học |
Bước nhảy của hổ
Từ hai nguồn cảm hứng này, tôi đã đề xuất với chính phủ về việc bắt đầu số hóa. Biết rằng điều này sẽ mất nhiều năm, và dựa trên tốc độ học lập trình của tôi và các bạn cùng lớp trước đây, tôi nghĩ cách tốt nhất là trước tiên hãy bắt đầu với những người trẻ tuổi. Tôi đề xuất Estonia bắt đầu bằng cách đưa máy vi tính và giảng dạy về máy vi tính đến với tất cả học sinh.
Ý tưởng đó mang tên “Bước nhảy của hổ” (Tiger leap), để hàm ý thông qua tin học hóa, đất nước Estonia, hoặc ít nhất nền giáo dục, sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong tương lai.
May mắn Estonia có một Bộ trưởng Giáo dục sáng suốt vào thời điểm năm 1995 là TS Jaak Aaviksoo, người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đã thúc đẩy chính phủ chấp thuận đề xuất đưa máy vi tính vào tất cả trường học, kết nối tất cả chúng với nhau.
Ý tưởng này không được sự đồng tình của tất cả mọi người. Liên đoàn giáo viên đã kịch liệt phản đối máy vi tính trong trường học, rằng chúng sẽ hủy hoại nền giáo dục. Trong gần một năm trời, không một số báo nào của tuần báo liên đoàn giáo viên mà không có bài phản bác kịch liệt ý tưởng này.
Quả thực, phần lớn trong thời gian 20 năm tiếp theo, các đảng đối lập dường như đã chọn chuyển đổi số là một vấn đề để chỉ trích.
Tuy nhiên, chính phủ đã triển khai chính sách này, sử dụng cơ chế tài trợ đối ứng 50-50 trong đó chính quyền địa phương nào sẵn sàng trả một nửa giá máy vi tính sẽ được Trung ương trả cho 50% còn lại.
Ba năm sau đó, năm 1998, tất cả các trường học ở Estonia đều có phòng máy vi tính được nối mạng. Không lâu sau, các ngân hàng nhận thấy sự thành công và tiếng tăm của dự án và quyết định tham gia. Đó là việc làm vì tư lợi, thuần khiết và đơn giản: Mọi ngôi làng nhỏ bé đều có ít nhất 2 tòa nhà ngân hàng cùng với đội ngũ nhân viên, một cách làm ngày càng tốn kém mà đơn giản là không bền vững.
Cùng với một số nguồn tài chính của chính phủ và sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ (NGO), các ngân hàng đã triển khai một chương trình để bảo đảm mọi ngôi làng đều có ngân hàng điện tử đặt tại các cơ quan chính quyền hoặc thư viện thành phố cũng được kết nối Internet.
Ngoài ra, các ngân hàng đã hỗ trợ một chương trình tập huấn cho người cao tuổi và người dân nông thôn học cách sử dụng máy vi tính để giao dịch ngân hàng trực tuyến.
Kỳ tới: Định danh số an toàn và duy nhất cho mọi cư dân
Lan Anh
Một cơ hội thể hiện tự chủ đại học bị bỏ lỡ
Việc tranh cãi nên hay không đặc cách cho em học sinh cõng bạn Ngô Văn Hiếu đã không còn cần thiết nữa, nhưng tôi muốn quanh câu chuyện bàn về ý khác: Tâm thế để xây dựng quyền tự chủ đại học, tự chủ giáo dục.