Quảng Ninh là một hiện tượng rất đáng chú ý trong mấy năm gần đây. Đây không chỉ là một trong số không nhiều tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách về Trung ương hàng năm mà còn nổi bật lên như một địa phương đang tạo lập được một hình ảnh năng động, hiệu quả và thân thiện với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Tỉnh Quảng Ninh đi tiên phong với nhiều sáng kiến, mô hình được đánh giá cao và được nhiều địa phương khác học hỏi như Trung tâm hành chính công tập trung và đặc biệt là mô hình Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh). 

IPA Quảng Ninh - theo sát bước chân nhà đầu tư

Đầu năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy là ông Nguyễn Văn Đọc đã quyết định thành lập IPA Quảng Ninh với mong muốn tạo lập hệ thống một cửa minh bạch, rút gọn và là đầu mối chính thức để hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm và thực hiện dự án đầu tư hiệu quả nhất. 

{keywords}
IPA Quảng Ninh cùng đại diện tập đoàn Lotte Hotel khảo sát khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Lúc đó, IPA gặp phải những khó khăn trong việc khớp nối với hệ thống hành chính hiện nay. Đây là mô hình tổ chức chưa có sẵn trong hệ thống hành chính, các bộ, ngành và địa phương rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Cả nước hiện không có mô hình chung, thống nhất cả về bộ máy, vị trí và cả tên gọi cho tổ chức hỗ trợ và xúc tiến đầu tư này.

Vì thế, việc vận hành mô hình tạo ra xung đột về chức năng và nhiệm vụ với các sở, ngành liên quan như tất cả các địa phương khác. Nhiều địa phương đã không vượt qua được trở ngại này nên Trung tâm xúc tiến đầu tư thường trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, do vậy vai trò chủ động và hiệu quả trong phối hợp, điều phối các sở, ngành liên quan rất hạn chế. 

Tuy nhiên, Quảng Ninh đã có cách làm mới khi IPA trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Không chỉ thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư, tư vấn hỗ trợ, IPA Quảng Ninh còn thực hiện một phần chức năng cơ quan nhà nước như trực tiếp tiếp nhận và xử lý thủ tục đầu tư.

IPA Quảng Ninh là tổ chức cho mục tiêu xúc tiến đầu tư nhưng chức năng hỗ trợ đầu tư được nhấn mạnh ngang với mục tiêu xúc tiến. Hỗ trợ nhà đầu tư là cách xúc tiến quan trọng nhất. Khác với nhiều nơi, xúc tiến chỉ là tổ chức nhiều hoạt động hoành tráng, hội nghị lớn, đoàn đi nước ngoài đông đảo thì ở đây chức năng cốt lõi là hỗ trợ nhà đầu tư. 

Ở nhiều tỉnh, thành phố, sau những đợt truyền thông rầm rộ về môi trường đầu tư thì có thể chỉ là sự thất vọng, chán nản của nhà đầu tư vì họ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trên thực tế, đâm đầu vào những mê cung thủ tục liên ngành mà đôi khi không có lối ra.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, một trong những phương châm mà ông rất ấn tượng trong hoạt động của IPA Quảng Ninh là “theo sát bước chân nhà đầu tư”.

“Phương châm này thể hiện sự thay đổi tư duy quan trọng từ xin cho, ban phát sang suy nghĩ và hành động từ như chính nhà đầu tư, cách tiếp cận từ cấp phép, cho phép sang phục vụ, chăm sóc nhà đầu tư”, ông nhận xét.

Việc quan tâm tới từng dự án sau cấp phép có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút đầu tư, là cách hữu hiệu để thu hút các DN làm ăn bài bản. Việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ trở nên thiết thực nhất khi lấy hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp sau đầu tư làm thước đo về môi trường đầu tư. 

Về phía DN, sự trải nghiệm thực tế về môi trường đầu tư và thành công của các DN đến trước sẽ là bằng chứng thuyết phục hơn việc quảng bá, tuyên truyền hay bất kỳ chương trình xúc tiến đầu tư nào khác. 

{keywords}
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Phương

Nhờ những hoạt động cụ thể mà IPA Quảng Ninh đang tiến hành như thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, rà soát và kiến nghị gỡ bỏ các rào cản, khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải, chủ trì tham mưu đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, phối hợp nghiên cứu và công bố bộ chỉ số xếp hạng các sở, ngành, huyện thị (bộ chỉ số DDCI), thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền với DN, tìm tòi các sáng kiến mới để cải thiện môi trường kinh doanh… chính là những hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa.

Thu hút đầu tư vượt trội

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) ở Quảng Ninh tiếp tục được cải thiện, giữ vững vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố.

Trong năm 2020 đầy khó khăn, Quảng Ninh cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng mức đầu tư đăng ký đạt 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% cùng kỳ (trong đó có 28 dự án FDI, vốn đăng ký 526,2 triệu USD, tăng 84,5% cùng kỳ).

Có 2.000 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 24.109 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 19.600 DN, tổng vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng. 

Hàng loạt sáng kiến 

Quảng Ninh là một “hiện tượng" rất đáng chú ý gần đây khi giữ vững ngôi đầu trong các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây là địa phương có nhiều sáng kiến, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, có thể kể đến:

Tỉnh dẫn đầu trong việc xây dựng và công bố chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, huyện thị bài bản và chuyên nghiệp.

{keywords}
Cán bộ Trung tâm hành chính công TP Uông Bí hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ qua hệ thống website

Tỉnh đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm hành chính công tập trung trên cả nước.

Tỉnh đầu tiên tự xây dựng đường cao tốc. Lần đầu tiên có sân bay quốc tế và cao tốc do tư nhân đầu tư.

Tỉnh đầu tiên triển khai mô hình hợp tác công tư hiệu quả: đầu tư tư - sử dụng công. Mô hình trung tâm hành chính công liên cơ quan hiện nay do DN tư nhân trong nước đầu tư, nhà nước thuê 30 năm, trả tiền hàng năm.

Tỉnh được nhắc nhiều nhất về sự tích cực trong báo cáo đánh giá thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ.

Và tỉnh đầu tiên khai thác mạng xã hội để tương tác và xử lý phản hồi của doanh nghiệp và người dân… (Chương trình SNA),

Việc đánh giá và công bố DDCI thúc đẩy sự giám sát thực thi, thể hiện mong muốn lắng nghe tiếng nói từ DN, thái độ cầu thị thay đổi và thúc đẩy tương tác giữa DN và người dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh nhiều năm liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

{keywords}
Ảnh: Báo Quảng Ninh

Chất lượng phục vụ người dân và DN của chính quyền địa phương được cải thiện rõ rệt: 3 năm liên tục từ 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Quảng Ninh đứng đầu cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng.

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp theo nguyên tắc “5 tại chỗ” và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã; tập trung xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, đề án chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi lớn cho người dân, DN, góp phần xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ.

Quảng Ninh hiện là địa phương có khát vọng lớn, đã đạt được những thành công tích cực, và chắc chắn sẽ cần tiếp tục khẳng định một thương hiệu: Địa phương đi đầu, năng động nhất trong các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Tư Giang

Nền tảng để Quảng Ninh bứt phá

Nền tảng để Quảng Ninh bứt phá

Những triết lý phát triển như cải cách môi trường kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính, thu hút đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng và chuyển đổi nền kinh tế ở Quảng Ninh suốt thập kỷ qua đã và đang phát huy hiệu quả.