Chất lượng, uy tín của mỗi cơ quan truyền thông cũng phần nào phụ thuộc vào chất lượng, độ nóng, độ tin cậy của những tin bài mà cả cử tri và đại biểu đều thấy cần cho mình.

Báo chí đã thổi lửa nghị trường

Liệu có thể hình dung một ngày họp Quốc hội mà thiếu báo chí: mọi thứ sẽ im lìm. Cử tri không biết được người đại diện cho mình nói điều gì trước cơ quan quyền lực cao nhất, không giám sát được đại biểu có thực sự nói ý kiến mình gửi gắm không? Không giám sát được liệu những quyết định của đại biểu có đúng với nguyện vọng của mình không?

Một ngày họp thiếu báo chí, đại biểu sẽ thiếu đi một kênh cực kỳ hữu hiệu để gửi thông điệp, báo cáo cho người dân về việc mình đã thực hiện nhiệm vụ được cử tri ủy quyền.

Từ khi truyền thông đối với hoạt động QH được mở rộng, số lượng các phiên truyền hình trực tiếp tăng lên, rõ ràng, hiệu quả, chất lượng hoạt động của QH đã có những bước tiến vượt bậc, được cử tri cả nước ghi nhận.

{keywords}
ĐBQH Lê Thị Nga chất vấn tại nghị trường. Ảnh: Minh Thăng

Với vai trò là cầu nối, dễ nhận thấy rất nhiều thông tin từ báo chí, công luận đã được các đại biểu đưa vào nghị trường, vì thực chất đó là những phản ánh sinh động từ mọi mặt cuộc sống của người dân. Từ các vấn đề vĩ mô về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác tư pháp... cho đến từng vấn đề cụ thể như: thủy điện xả lũ, người dân đu dây qua sông, ngồi  túi ni lông qua sông, về tài sản của một quan chức cụ thể, những vụ án oan, sai... đều được đại biểu tiếp nhận và kiểm chứng từ báo chí, đưa vào từng nội dung tương ứng của các phiên họp.

Một khi ý kiến của dân qua kênh báo chí được đại biểu chuyển tải đến diễn đàn QH cũng đồng nghĩa với việc đã đẩy vấn đề đến nơi cao nhất về mặt nhà nước với hình thức công khai nhất. Hiệu quả giải quyết thông qua diễn đàn này cũng rất cao vì sau đó  kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền cũng được giám sát rất kỹ qua truyền thông.

Chưa từng có một cuộc họp nào được tổ chức giữa báo chí và các ĐBQH để thống nhất, hiểu được mỗi chủ thể cần gì ở nhau, để nói rằng cả hai bên không thể thiếu nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng thực tiễn đã có sự kết hợp hết sức nhịp nhàng, ăn ý đến mức đáng ngạc nhiên, như thể rằng họ đã ký với nhau quy chế phối hợp trong hoạt động vậy!

Chỉ cần quan sát một kỳ chất vấn tại QH (ví dụ kỳ họp thứ 7 hiện nay) thì thấy rất rõ điều này.

Có thể nói, hầu hết những nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo, những vấn đề quan trọng của đất nước như nợ công, tự chủ kinh tế, đến những vấn đề cụ thể về khiếu nại, tố cáo, thanh tra, bổ nhiệm cán bộ, giá cả xăng dầu, điện, sữa, thuốc chữa bệnh, việc dạy học, thi cử, những quy định "trên trời"... được báo chí phản ánh giữa hai kỳ họp đã làm nóng phiên chất vấn. Chính báo chí đã "thổi lửa" vào nghị trường. Nên mới có câu nói vui, là chỉ cần các "tư lệnh ngành" chịu khó theo dõi kỹ thông tin trên mặt báo là cũng có thể dự đoán được gần hết nội dung câu hỏi của các đại biểu.

Vì vậy, chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi có bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn không chút lúng túng về một nội dung khá hóc búa mà đại biểu nêu ra, thậm chí có số liệu kèm theo mà thực chất hoàn toàn không được biết trước câu hỏi. Điều phát hiện rất vui ở đây là Bộ ấy có bộ phận chuyên theo dõi những vấn đề về truyền thông, phụ trách quan hệ công chúng và "lọc" báo chí để dự đoán các nội dung thuộc bộ quản lý sẽ được đưa ra diễn đàn QH.

{keywords}
Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn trở thành tâm điểm của báo chí ở hành lang nghị trường mỗi kỳ họp QH. Ảnh: NLĐ

Về mối quan hệ giữa đại biểu QH và cử tri, hai chủ thể mà báo chí là cầu nối, trong một phiên thảo luận gần đây, đại biểu Trần Du Lịch từng nói: Đại biểu phải sợ cử tri, với sự hàm ý đây là mối quan hệ lệ thuộc.

Điều này hoàn toàn đúng cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Về lý luận, với cơ chế dân chủ đại diện, khi cử tri ủy quyền cho đại biểu đại diện cho mình trong QH thì hoạt động của người được ủy quyền  không thể thoát ly ý chí, nguyện vọng, sự giám sát của người ủy quyền. Về mặt thực tế, việc đánh giá hoạt động, uy tín, và cả kết quả của kì bầu cử nhiệm kỳ tiếp theo của đại biểu phụ thuộc vào đánh giá của cử tri, phụ thuộc vào lá phiếu bầu của họ. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà pháp luật chưa có những quy định, quy trình rõ ràng để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng đại biểu QH thì, trên thực tế công luận, báo chí đã góp một phần nhỏ vào việc này... Và chính cử tri cũng đã đánh giá chất lượng hoạt động của các Đại biểu, một phần là thông qua phản ánh của giới truyền thông.

Rõ ràng, các cơ quan truyền thông chính là chiếc cầu nối - như con thoi đi lại giữa hai bên đã góp phần cho hiệu quả hoạt động của mỗi chủ thể đều tốt hơn, và qua đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Từ đó, cử tri ngày càng đòi hỏi cao hơn chất lượng hoạt động của đại biểu. Các ĐBQH cũng ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, nâng chất lượng hoạt động của mình hơn nữa.

Ý thức được vai trò "cầu nối" của mình, các cơ quan truyền thông cũng ngày càng phải đảm bảo việc đưa tin khách quan, trung thực, toàn diện, bình luận công tâm, sắc sảo. Để sao cho cử tri thấy được hoạt động đồng đều của tất cả các ĐBQH, không "thiên vị" hay ưu ái cho riêng ai. Bởi chất lượng, thương hiệu, uy tín, độ tin cậy của mỗi cơ quan truyền thông cũng phần nào phụ thuộc vào chất lượng, độ nóng, độ tin cậy của những tin bài mà cả cử tri và đại biểu đều thấy cần cho mình.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu QH - chủ thể quan trọng nhất của Quốc hội thì việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông là điều mà các cơ quan chức năng phải hết sức lưu ý. Sao cho, các cơ quan truyền thông có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa các hoạt động của Quốc hội, chứ không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện đưa tin "xuân thu nhị kỳ" hai kỳ họp toàn thể... Khi sửa các luật về tổ chức và hoạt động của QH tới đây phải thể chế hóa được tinh thần này.

ĐBQH Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH)